Thi công Dự án "cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương" quá chậm

Kinh tế - Ngày đăng : 06:11, 22/11/2010

Đến nay, thời điểm hoàn thành dự án đã sắp hết nhưng tiến độ thi công các hạng mục vẫn rất chậm. Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý phù hợp.


Việc thi công hệ thống thoát nước ở đường Bình Minh bị bỏ dở trong nhiều tháng qua gây bức xúc trong dư luận. Ở tuyến đường này, việc đền bù công trình và giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong. Ảnh: Nhân Chính

Dự án "Cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Hải Dương" với tổng mức đầu tư 8,5 triệu ơ-rô, trong đó 70% là vốn vay ODA của CHLB Đức, 30% là vốn đối ứng của địa phương. Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hải Dương được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 gói thầu. Gói thầu số 1 là xây dựng hệ thống thoát nước gồm các hạng mục chính: Xây dựng 12,2 km cống chính, 9,5 km cống bao, 3,1 km công áp lực, 275 m cống hộp, 4,5 km kè đá, 5 trạm bơm nước thải; nạo vét và làm đường quản lý ven hồ, hào thành với giá trúng thầu là 5,48 triệu ơ-rô. Gói thầu số 2: thiết kế và xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 13 nghìn m3/ngày đêm với giá trúng thầu là 1,98 triệu ơ-rô.

Mục tiêu của dự án là góp phần khắc phục về cơ bản tình trạng ngập úng khi có mưa lớn cũng như nước thải của thành phố, sẽ được xử lý trước khi xả thải vào hệ thống tiêu nước chung.

Nhưng đến hết tháng 10-2010, đã vượt thời hạn theo hợp đồng thi công 13 tháng nhưng nhà thầu (Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam) mới thực hiện được 59% tổng khối lượng của gói thầu số 1. Với gói thầu số 2, đến nay nhà thầu SFC (Cộng hòa Áo) mới thực hiện được việc khoan khảo sát địa chất, san nền, xây tường rào nhà máy, trong khi theo hợp đồng, gói thầu này phải hoàn thành thi công vào tháng 5-2011.

Mặc dù mặt bằng phục vụ thi công khá phức tạp nhưng đến nay chủ đầu tư đã chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 436 hộ (đạt 97%), số còn lại được trình duyệt phương án bồi thường trong tháng 11-2010. Như vậy về cơ bản, công tác GPMB đáp ứng được yêu cầu, không làm ảnh hưởng đến thi công.

Nguyên nhân chính dẫn đến gói thầu số 1 bị kéo dài thời gian thi công là do nhà thầu hạn chế cả về nhân lực, tài chính, thiết bị thi công cũng như năng lực quản lý, giải pháp thi công. Theo chủ đầu tư, năng lực thực tế thể hiện của nhà thầu không bảo đảm như khai trong hồ sơ khi tham gia đấu thầu. Mặt khác, có nguyên nhân do mặt bằng thi công phức tạp, trong phạm vi thi công có nhiều công trình ngầm của các ngành điện, viễn thông và cấp nước… và vào thời điểm triển khai thi công giá cả vật tư trên thị trường biến động, tăng cao nhiều so với đơn giá trong hồ sơ chào thầu… Ước tính đến thời điểm hiện nay, do biến động giá, tổng trị giá của dự án tăng hơn 30% so với giá chào thầu. Chủ đầu tư dự kiến tiến độ thi công gói thầu số 1 sẽ chậm 24 tháng và gói thầu số 2 sẽ chậm 26 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đó là dự kiến của chủ đầu tư, còn trong thực tế đến nay chưa biết bao lâu nữa dự án mới hoàn thành. Bởi lẽ phương án bù giá do giá cả thị trường biến động lớn, nguồn vốn bổ sung cho dự án từ phía Nhà nước cũng như địa phương đều chưa rõ. Trong bối cảnh đó, nhà thầu thấy càng thi công với khối lượng nhiều thì càng lỗ lớn, nên đã có đối sách tiêu cực là thi công cầm chừng, thậm chí thi công gián đoạn. Hậu quả của việc tiến độ thi công càng chậm, càng kéo dài thì thiệt hại về kinh tế và xã hội cũng ngày một tăng theo.

Tình hình thực hiện dự án đã trở nên phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Chủ đầu tư đã phải có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị chấp thuận việc chấm dứt hợp đồng nếu Tổng công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam không có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công trong thời gian tới.

Đề nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ nguyên nhân tiến độ thực hiện dự án quá chậm và trách nhiệm của các bên để có biện pháp xử lý phù hợp.

XUÂN SƠN