Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn
Tin tức - Ngày đăng : 02:36, 23/11/2010
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng |
Là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên, các câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng chủ yếu tập trung vào vấn đề: quy hoạch, kế hoạch, tiến độ xây dựng các dự án điện; đảm bảo an toàn cho các nhà máy, đập nước, các giải pháp hạn chế rủi ro từ hồ thủy điện; tình hình thiếu điện hiện nay, biện pháp xử lý tình trạng cắt điện tùy tiện, vấn đề giá điện, quan hệ giữa sản xuất, phân phối và truyền tải điện thời gian qua.
Về vấn đề thiếu điện trong thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc, cũng như việc chậm tiến độ của một số nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, tình hình thiếu điện diễn ra trên phạm vi rộng trong mùa khô vừa qua, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân. Nguyên nhân là có nhiều công trình điện đã bị chậm tiến độ so với quy định trong tổng quy hoạch với lý do là chậm thu xếp vốn cho các công trình này, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thực hiện quy hoạch đúng vời thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số dự án đã đưa vào vận hành nhưng chưa ổn định, thời gian chạy thử kéo dài đã góp phần gia tăng tình trạng thiếu điện thời gian qua.
Về các giải pháp để phát triển ngành điện trong thời gian tới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trước hết cần phải đẩy nhanh và thực hiện đúng tiến độ các công trình theo tổng sơ đồ điện VI. Đưa vào vận hành ổn định những dự án điện mới. Phấn đấu đến đầu tháng 12-2010 trình với Chính phủ Đề án tái cơ cấu ngành điện, cũng như lộ trình điều chỉnh giá điện. Đi đôi với các giải pháp trên cần tăng cường hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí trong sử dụng điện.
Vấn đề một số nhà máy nhiệt điện triển khai theo hình thức EPC đã áp dụng những công nghệ lạc hậu, không sử dụng những loại than sản xuất được trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết chưa có thông tin chính thức nào cho rằng các nhà thầu này đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, một số nhà máy nhiệt điện mà Trung Quốc là tổng thầu theo hình thức EPC thời gian qua cũng có một số khiếm khuyết về mặt kỹ thuật.
Về trách nhiệm của các nhà máy thuỷ điện xả lũ gây thiệt hại cho người dân thời gia qua ở miền Trung, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Qua rà soát, kiểm tra, đúng là có những dự án thuỷ điện làm chưa đúng với quy trình vận hành thuỷ điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như Thuỷ điện sông Ba Hạ, khi vận hành xả lũ đã không kịp thời báo cáo với UBND tỉnh. Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý.
Về việc phá rừng để lấy đất làm thuỷ điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ đã rà soát lại quy hoạch, nếu những dự án nào ảnh hưởng đến rừng và môi trường thì sẽ không cho triển khai tiếp.
Về nguyên nhân khiến nhập siêu tháng 7 tăng vọt lên 1,07 tỉ USD và ảnh hưởng đến việc kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt kiểm soát chặt chẽ giảm nhập siêu. Bước đầu có một số việc có kết quả. Năm 2008 nhập siêu 18 tỉ USD, tỷ lệ trên kim ngạch xuất khẩu là 30%, 2009 là 12,9 tỉ USD, (tỷ lệ 22,5%); năm nay khả năng chỉ là 11,9 hoặc 12 tỉ USD, bằng 17% so với kim ngạch xuất khẩu.
Về vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc khá chênh lệch, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công thương đang có kế hoạch, giải pháp để tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và sẽ giảm dần nhập khẩu.
Vấn đề tăng nội lực kinh tế, tập trung chống lạm phát, bình ổn giá, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cố gắng bình ổn giá, bảo đảm cung cầu hàng hóa cho sản xuất, đời sống nhân dân. Đặc biệt ưu tiên đảm bảo cân đối cung cầu 11 nhóm mặt hàng, trong đó có gạo, muối, phân bón, thép, xăng dầu...
Đề cập việc khi nào ngành phân bón có thể đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, năm 2010, nhu cầu phân bón của cả nước cần khoảng 9 triệu tấn/năm. Trong đó, trong nước chỉ sản xuất được khoảng 6 triệu tấn, còn lại 3 triệu tấn là phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo đúng tiến độ, vào năm 2012, nước ta sẽ xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm Cà Mau, công suất 800 nghìn tấn/năm. Cũng vào năm 2012, sẽ xây dựng xong nhà máy sản xuất phân đạm ở Ninh Bình với công suất 500 nghìn tấn/năm; Cải tạo nhà máy, mở rộng nhà máy phân đạm ở Bắc Giang. Như vậy, đến năm 2015, nước ta không phải nhập khẩu phân đạm...
Chiều 22-11, trong phần trả lời chất vấn các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã nêu những nguyên nhân của việc quá tải ở bệnh viện hiện nay.
Theo đó, cuối năm 2007 và đầu 2008, Bộ Y tế ghi nhận thường xuyên mỗi ngày, cả nước có khoảng 15 nghìn bệnh nhân phải nằm ghép để điều trị tại các bệnh viện. Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh. Bên cạnh đó, ngành y tế đã đưa vào cộng đồng 30 triệu thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Tần suất sử dụng dịch vụ y tế của đối tượng này tăng 1,5-2 lần so với nhóm khác. Điều kiện kinh tế, giao thông dễ dàng nên người dân cũng quan tâm và tiếp cận với các dịch vụ y tế nhiều hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, để chống quá tải ở các bệnh viện tuyến trên cần phải chống từ xa bằng việc nâng cao chất lượng cán bộ y tế tuyến dưới. Trong những năm qua, ngành y tế đã triển khai đề án 1816 nhằm chuyển giao kỹ thuật, chuyên môn từ tuyến trên xuống tuyến dưới nên đã giúp giảm 30% số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên. Bên cạnh đó mở rộng mô hình điều trị ngoại trú, xây dựng thêm bệnh viện và xây dựng nguồn nhân lực. Do thực hiện đồng bộ các biện pháp trên nên hiện nay chỉ còn khoảng 6.000 bệnh nhân phải nằm ghép để điều trị mỗi ngày, tập trung chủ yếu ở các khoa tim mạch, nhi. Có những bệnh viện đã 2 năm nay không còn bệnh nhân điều trị phải nằm ghép.
Trả lời việc số tiến sĩ, thạc sĩ bác sĩ công tác tại địa phương đang có xu hướng ra Hà Nội, các thành phố lớn làm việc; đề án 1816 chưa mang tính bền vững, chưa phát huy năng lực địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, đề án 1816 và các giải pháp khác đã nêu có tính chất tình thế và là tình thế kéo dài, còn giải pháp lâu dài là chính sách đào tạo bác sĩ và giữ chân thầy thuốc vùng sâu vùng xa. Thủ tướng cũng vừa ký chế độ chính sách vùng miền, Bộ Y tế đã tham mưu với Chính phủ về việc quy định đối với 3 nhóm đối tượng ưu tiên là: vùng miền, ngành nghề, đào thải và nguy hiểm.
Một số đại biểu cho rằng, Việt Nam đã từng bước kiểm soát HIV/AIDS, tuy nhiên những người HIV trong cộng đồng dân cư ở tuổi thanh niên còn khá cao, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nên 3 năm qua chúng ta thực hiện được hiệu quả chương trình “3 giảm”: giảm mắc mới, giảm người chuyển sang AIDS, giảm tử vong. Chúng ta có nhiều giải pháp, đặc biệt là cũng có thể điều trị bằng ARV hiện đại. Những chỉ tiêu thiên niên kỷ chúng ta cam kết phần lớn là về y tế dự phòng của ta tốt hơn so với các nước. Tỷ lệ mắc HIV ở thanh niên cũng giảm. Các chương trình phòng chống HIV/AIDS cũng có tính khả thi và hiệu quả...
( Nguồn: VOV, TN)