Các Bộ trưởng: Tài Chính; Giao thông - Vận tải trả lời chất vấn Quốc hội
Tin tức - Ngày đăng : 14:11, 23/11/2010
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu liên quan đến các lĩnh vực cấp phép kinh doanh, quyết toán đầu tư xây dựng cơ bản, công trình chậm tiến độ, nguyên nhân giá cả tăng cao...
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) tiếp tục chất vấn chuyện leo thang của giá cả |
Lỗ hổng trong quản lý Doanh nghiệp Nhà nước
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, hiện nay Nhà nước đang chuyển đổi phương thức quản trị doanh nghiệp. Cần quy định rõ chức năng quản lý Nhà nước, quản lý ngành, trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh trung hạn, để tránh tình trạng giao quyền quá lớn cho doanh nghiệp, gây phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra kiểm soát từ trong nội bộ hoặc từ trên xuống. Tiến tới, có thể thiết kế theo mô hình Nhà nước cử kiểm soát viên và trả lương kiểm soát viên xuống các doanh nghiệp để tăng cường giám sát, quản lý.
Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan
Đề cập đến trách nhiệm của Bộ Tài chính liên quan đến sự việc tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo báo cáo đến 30-6-2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 104 nghìn tỷ, số nợ là hơn 86 nghìn tỷ. Số nợ này đã nằm trong các dự án, nhà máy mà Vinashin đang đầu tư. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, trong quá trình vay vốn, Vinashin đã mua một số tài sản, máy móc, tàu thuyền cũ. Bộ đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra vào cuộc xác định giá trị thực của các tài sản này.
Đề cập đến trách nhiệm của 3 bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ cũng đã tổ chức thanh kiểm tra và đã phát hiện việc vi phạm trong sử dụng vốn của tập đoàn như: Sử dụng vốn chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải, làm chưa đúng quy định và đã yêu cầu Tập đoàn xử lý, khắc phục, cắt giảm các dự án đầu tư... Theo Bộ trưởng, đây là bài học cần tăng cường kiểm tra giám sát, triển khai xử lý triệt để, mạnh mẽ hơn nữa khi phát hiện vi phạm. Bộ trưởng khẳng định, các bộ ngành có phát hiện ra những sai phạm tại Vinashin nhưng chưa triển khai xử lý triệt để.
Bất cập trong quản lý, điều hành giá?
Đề cập đến công tác quản lý điều hành giá, các đại biểu bày tỏ thái độ không đồng tình với một số ý trong văn bản trả lời của Bộ trưởng Tài chính rằng, giá cả thị trường thế giới tăng nên giá cả trong nước cao và quan điểm của Bộ trưởng cho rằng một trong những nguyên nhân tăng giá là do dịp Tết và nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao.
Trả lời về vấn đề sốt giá vàng, đô-la năm 2009 và 2010, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, việc này cũng có tác động lớn đến giá cả nói chung. Chính phủ cũng đã đưa ra những giải pháp can thiệp cụ thể để tác động. Những việc này được đặt trong một lộ trình, kế hoạch, kể cả điều hành lãi suất tỷ giá cũng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo tín hiệu của thị trường để điều hành, dự báo.
Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
Trả lời vấn đề liên quan đến kinh phí chi phí cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã chi 218 tỷ cho Đại lễ, trong đó có hỗ trợ một số địa phương, chủ yếu tập trung chi lớn là Hà Nội. Về việc mua 2.000 viên rubi, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết đây không phải việc chi từ tiền ngân sách mà là của Công ty CP Mỹ nghệ Đông Sơn chi bằng tiền của doanh nghiệp.
Buổi chiều, các đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng với những nội dung chính như quản lý nhà nước của Bộ đối với Tập đoàn Vinashin; nâng cấp đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh...
Nợ của Vinashin còn nằm trong tài sản
Trả lời câu hỏi: thực tế Tập đoàn Vinashin có lỗ không và đã hết lỗ chưa, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: lỗ bao nhiêu hiện các cơ quan đang tiến hành làm rõ, nhưng tôi khẳng định không có chuyện lỗ tới 100 nghìn tỷ đồng. Đã là doanh nghiệp thì phải có vay, có nợ. Chỉ có điều bất thường là Tập đoàn có số nợ quá cao so với vốn chủ sở hữu nhưng không phải số nợ này là lỗ mà số nợ này còn nằm trong tài sản của các công ty trực thuộc, các hợp đồng đóng tàu. Trong bối cảnh thị trường có diễn biến bất thường khả năng phá sản là rõ ràng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước sẽ hỗ trợ Tập đoàn tiếp cận các nguồn vốn thông qua các cơ chế phù hợp với pháp luật. Trong bối cảnh thị trường trong nước cũng như thế giới đang phục hồi như hiện nay, cùng với Đề án tái cơ cấu Tập đoàn thì Vinashin có thể đẩy mạnh được sản xuất, kinh doanh và có thể trả nợ được.
Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Bắc -Nam
Chất vấn về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chưa được QH thông qua chủ trương đầu tư nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu dự án; việc đầu tư, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu lên khổ 1,435m; việc vận chuyển bôxít... Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, hiện nay Bộ cũng đang tiến hành nghiên cứu nhiều dự án dưới dạng tiền khả thi. Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam là báo cáo nghiên cứu khả thi vì trước đó là tiền khả thi nên chưa thể giải quyết được những vấn đề đặt ra như vốn, công nghệ… Hơn nữa, việc nghiên cứu này cũng nhằm phục vụ lập quy hoạch tuyến đường sắt Bắc- Nam. Và việc nghiên cứu này không phải là trên toàn tuyến mà ở từng đoạn tuyến… Hơn nữa, hiện tuyến đường sắt hiện hữu đã có từ 130 năm nay và chủ yếu chỉ có thể duy tu bảo dưỡng chứ không thể nâng cấp, hiện đại hoá, nếu làm theo khổ 1,435m là không thể. Do vậy phải xây dựng, quy hoạch tuyến mới. Đối với vận chuyển bô-xít, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, trước hết là sử dụng đường bộ, về lâu dài là xây dựng đường sắt và có thể vận chuyển bằng ống…
(Nguồn: TTXVN)