Đổi mới công tác vận động cứu trợ nhân đạo

Việc tử tế - Ngày đăng : 14:48, 23/11/2010

Trên cơ sở các sản phẩm bán được, Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương sẽ trích 10 % doanh thu đóng góp vào quỹ nhân đạo các cấp, trong đó 1% chuyển về quỹ của Trung ương Hội, cấp tỉnh hưởng 3%...


Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Giang tặng nhà "chữ thập đỏ" cho bà Vũ Thị Dậu, mẹ liệt sĩ ở thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh, trị giá 25 triệu đồng


Ngay trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam 23-11, Hội CTĐ tỉnh và Công ty CP Quê Hương đã triển khai một hoạt động phối hợp mới nhằm mục đích gây dựng và phát triển thêm nguồn quỹ nhân đạo. Theo đó, các huyện, thị, thành hội đứng ra thiết lập các điểm đại lý bán các sản phẩm bánh đậu của Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương. Trên cơ sở các sản phẩm bán được, Công ty CP Bánh đậu xanh Quê Hương sẽ trích 10 % doanh thu đóng góp vào quỹ nhân đạo các cấp, trong đó 1% chuyển về quỹ của Trung ương Hội, cấp tỉnh hưởng 3%, cấp huyện hưởng 6% doanh thu. Với hình thức này, chắc chắn việc gây dựng quỹ cho hoạt động nhân đạo sẽ thuận lợi hơn, thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân hơn.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Quy, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh, đây chỉ là một trong những phương thức mới được các cấp hội trong tỉnh áp dụng nhằm phát triển nguồn quỹ nhân đạo trong 5 năm gần đây. Ngoài hình thức kể trên, các cấp hội đã phát động phong trào xây dựng “hũ gạo tình thương”. Đây là phong trào mô phỏng theo phong trào “hũ gạo cứu đói” trước đây với cách làm vừa dễ thực hiện, vừa tác động tới diện đối tượng rộng. Mỗi gia đình làm một hũ gạo riêng (gọi là hũ nhưng các gia đình có thể thay thế bằng lọ nhựa, xô nhựa…) để mỗi bữa, khi đong gạo nấu cơm cho gia đình, các bà, các mẹ có thể vốc 1 nắm gạo (hoặc nhiều hơn tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình) cho vào hũ. Số gạo trên sẽ được các cấp hội thu gom, dùng để cứu trợ trực tiếp cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương hoặc đem bán để có thêm tiền cho hoạt động nhân đạo. Cũng nhằm gây dựng quỹ nhân đạo nhưng ở các trường học, đội ngũ thanh, thiếu niên CTĐ lại có phong trào riêng mang tên “nuôi lợn nhựa siêu trọng”. Thực hiện phong trào này, mỗi lớp học có một con lợn nhựa riêng để mỗi tuần hoặc mỗi ngày, các em học sinh trong lớp tiết kiệm bỏ vào lợn một số tiền nhỏ. Đến cuối học kỳ hoặc cuối năm học, các lớp “mổ lợn” lấy tiền ủng hộ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ở các vùng nông thôn, còn có nhiều hình thức vận động xây dựng quỹ như tổ chức các đội thu gom rác thải do hội viên CTĐ đảm nhận, xây dựng các vườn cây ăn quả CTĐ, ao cá CTĐ… Gần đây, các cấp hội còn tổ chức cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Với cuộc vận động này, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm không chỉ tham gia ủng hộ hoạt động nhân đạo vào các dịp cao điểm như Tết Nguyên đán, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/đioxin… mà còn gắn bó, đỡ đầu trực tiếp, trợ cấp hằng tháng cho các cá nhân hoặc hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các cấp hội còn lập danh sách các cháu nạn nhân chất độc da cam/đioxin đưa lên các website nhân đạo trên mạng internet để kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Qua đó, nhiều cháu đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo…

Bằng nhiều hình thức vận động khác nhau, nguồn quỹ nhân đạo trong tỉnh liên tục được bổ sung, góp phần duy trì và đa dạng hóa các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Từ đầu năm đến nay, phong trào “hũ gạo tình thương” đã quyên góp được hơn 60 tấn gạo, trị giá gần 500 triệu đồng; các chi hội CTĐ trong các trường học đã gây dựng quỹ hơn 100 triệu đồng. Hiện tại,  Quỹ Nhân đạo của tỉnh là hơn 2 tỷ đồng, trong đó Tỉnh hội quản lý hơn 700 triệu đồng; Hội CTĐ các huyện, thị xã, thành phố quản lý hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ da cam của các cấp hội quản lý còn gần 600 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các cấp Hội CTĐ đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khắp các địa phương. Toàn tỉnh đã vận động xây dựng 17 ngôi nhà, sửa chữa 2 ngôi nhà, tổng trị giá hơn 400 triệu đồng; tặng 41 xe lăn cho người khuyết tật. Trong tỉnh có hơn 150 tổ chức, cá nhân gắn với các địa chỉ nhân đạo. Điển hình như Viễn thông Hải Dương hỗ trợ thường xuyên cho 60 đối tượng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương hỗ trợ thường xuyên 70 đối tượng, mỗi suất 150 nghìn đồng/tháng… Hội đã tổ chức tốt các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La. Tổng trị giá hoạt động viện trợ nhân đạo trong 10 tháng qua khoảng hơn 3 tỷ đồng. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ các cấp nhằm ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng của lũ lụt, trong thời gian qua, các cấp hội đã tổ chức quyên góp ủng hộ được gần 1,3 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa các loại trị giá gần 600 triệu đồng. Các cấp hội còn tích cực phối hợp tổ chức các đợt khám, chữa bệnh, cấp thuốc nhân đạo cho hơn 4.000 lượt đối tượng như người già cô đơn, người khuyết tật nghèo, gia đình chính sách. Tổng trị giá hoạt động công tác chăm sóc sức khỏe của các cấp hội ước đạt khoảng 2 tỷ đồng…

Kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các cấp hội CTĐ trong tỉnh đang thi đua tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh như tặng quà, xây, sửa nhà, trợ giúp vốn, hiến máu nhân đạo… Các cấp hội cũng đang chuẩn bị cho một dịp hoạt động lớn trong năm của hội, đó là “Tết vì người nghèo và nạn nhân chiến tranh”… Các hoạt động của hội đã và đang tô thắm thêm truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

MAI LIÊN