Những phụ nữ điển hình tiên tiến
Việc tử tế - Ngày đăng : 04:42, 24/11/2010
Chị đã tham gia Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", được tìm hiểu nhiều tài liệu về Bác. Làm theo Bác, chị đã tích cực áp dụng trong thực tiễn, phối hợp với Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã động viên hội viên tham gia thực hành tiết kiệm, góp vào lợn nhựa 1.000 đồng trở lên/ngày; cán bộ hội tiết kiệm 20 nghìn đồng/tháng. Số tiền thu được cuối năm sử dụng vào việc giúp đỡ hội viên nghèo và hội viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Tại thôn, chị Tịnh được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ. Chị trăn trở, phải xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hoá, đưa các giống lúa có sản lượng, chất lượng cao vào đồng ruộng. Xác định rõ khó khăn do nhận thức của nhân dân còn hạn chế, chưa quen đổi mới, còn sản xuất theo lối mòn; khi tổ chức họp nhiều người không tham dự, không nắm bắt được chủ trương; hoặc người có diện tích trong vùng quy hoạch lại không có nhu cầu sử dụng giống mới, người có nhu cầu nhưng không có diện tích trong vùng quy hoạch..., chị Tịnh đã đến từng gia đình tư vấn và vận động nhân dân, hội viên tham gia. Gia đình chị gương mẫu đăng ký 100% diện tích sử dụng giống lúa mới. Chị phối hợp chỉ đạo, tạo điều kiện cho hội viên và nhân dân tiếp cận với kỹ thuật tiến bộ, cách thức gieo trồng, chăm bón. Kết quả, năm 2008, thôn đã xây dựng được vùng lúa hàng hoá với diện tích gần 31 ha, đạt năng suất 280 - 320 kg/sào, cao hơn giống lúa thông thường 45 - 55 kg/sào, giá bán ra thị trường cao hơn 50 đến 60 nghìn đồng/tạ. Năm 2009, vùng lúa chất lượng cao của thôn tăng lên 50,4 ha và năm 2010 tiếp tục tăng. Chị phối hợp chỉ đạo, động viên toàn thể nhân dân thôn, xóm làm tất cả các tuyến đường trong thôn dài hơn 4 km bằng bê - tông, vốn hoàn toàn do nhân dân đóng góp. Thôn có tổ thu gom rác thải, tạo việc làm thường xuyên cho 4 phụ nữ nghèo...
Chị Phạm Thị Phương Nga, ở thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) cũng là một phụ nữ đảm đang, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Qua nhiều năm lăn lộn với thương trường, chị đã cùng với chồng con quyết định đi sâu tìm hiểu chất lượng, phục hồi nghề sản xuất cơ khí truyền thống và mở cơ sở sản xuất máy cơ khí nông nghiệp. Do giữ uy tín, chất lượng sản phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình chị có lãi. Từ năm 1996 đến nay, cơ sở đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất máy nông nghiệp Việt Trung với số vốn hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 200 lao động với mức lương trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp của chị luôn quan tâm công tác bảo hộ lao động; trích tiền tặng quà, thăm lao động ốm đau, thai sản và tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. Hằng năm, chị phối hợp chỉ đạo công ty làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người cơ nhỡ hàng chục triệu đồng. Các con chị học hành giỏi, tốt nghiệp đại học và đã có việc làm ổn định. Nhiều năm qua, gia đình chị luôn đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá kiểu mẫu". Năm 2010, chị Nga được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích giỏi làm kinh tế.
Chị Mai Thị Ngọc Lan ở thị trấn Ninh Giang giỏi giang trong việc khôi phục nghề bánh gai truyền thống. Bánh gai Ngọc Lan hiện có mặt không chỉ trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh ngoài. Từ năm 2005 đến nay, thu nhập của gia đình chị đạt gần 100 triệu đồng/năm. Chị Lan và gia đình đã tạo việc làm cho 10 phụ nữ nghèo, thu nhập từ 1,5 triệu đồng/người/tháng; đỡ đầu cho 3 người nghèo mỗi tháng 100 nghìn đồng/người và ủng hộ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây dựng quỹ "đền ơn đáp nghĩa", nhà "đại đoàn kết", chăm sóc người cao tuổi...
Trong các hoạt động phong trào của phụ nữ, mỗi phong trào các cấp hội đều phát động thi đua nhân lên những điển hình tiên tiến và những điển hình vượt khó. Thông qua các tiêu chí cụ thể, đa số hội viên đã phát huy tinh thần sáng tạo, chịu thương chịu khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hằng năm, các cấp hội đã đánh giá, biểu dương hàng trăm hội viên điển hình. Năm 2010, toàn tỉnh có 42 chị và tập thể được UBND tỉnh tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác hội.
THU LAI