Như một dấu hỏi để ngỏ…

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 06:16, 27/11/2010

Thường bây giờ khi nói đến công lao người Thầy, những giáo viên lên công tác ở vùng sâu, vùng xa, người ta dùng các mỹ từ, nào là "người đi gieo chữ", "cõng chữ", to tát hơn là "trồng người". Kể cũng phải thôi. Truyền thống hiếu học, "Tôn sư trọng đạo" của dân ta có từ ngàn xưa mà. Tuy nhiên, để nói công việc vất vả, hy sinh thầm lặng nhưng đầy vẻ vang của những người giáo viên lên vùng cao ở đây, Lê Đình Cánh lại dùng từ "bán chữ"
Em đi bán chữ trên rừng
Đã qua mặn ngọt, đã từng
                            cay chua
Tất nhiên là cái công việc bán chữ này cũng có chuyện đắt và ế, cũng đầy gian truân, thử thách, không hề xuôn xẻ:
Đất nghèo chữ ít người mua
Ế hàng không nỡ phân bua
                                  nửa lời

Cũng cần nói thêm, ví những cô giáo như người bán chữ, không hề làm giảm đi ỹ nghĩa công việc của họ, mà ngược lại. Bởi vì như người ta nói "Thương trường là chiến trường", có lẽ chỉ có người bán hàng mới quý hàng, bởi hàng là sự sống còn của họ. Và như vậy họ mới thấu hiểu nỗi ế hàng ở đây. Chỉ có điều nỗi ế hàng này không hề có tiếng thở than, nói ra dù nửa lời. Có lẽ chính vì vậy, hình ảnh người giáo viên nhân dân thêm lần nữa hiện lên cao đẹp, trong sáng.

Đến hai khổ thơ tiếp theo nói cái điều ẩn ức, đầy khó khăn kia, cũng là do nhà thơ nói hộ, hay nói đúng hơn là nó còn nằm trong sâu thẳm, ước mơ của những cô giáo, mà họ chưa hề có dịp chia sẻ, giãi bày cùng ai:
Ước chi Bộ hóa mặt trời
Rẽ mây ngó xuống mảnh đời
                           sương giăng

Ước chi Sở hóa vầng trăng
Non cao soi bước, đất bằng
                                    sáng sau

Ở rừng tự hát ru nhau
Lá trầu thì héo, quả cau thì già
Ước sao có một gian nhà
Gió đưa cánh võng đón bà
                                     lên chơi


Có lẽ từ trước tới nay, nói đến khó khăn của những người giáo viên vùng cao, người ta còn nói chung chung, ngại động chạm tới những điều kiêng kỵ chăng? Chỉ đến Lê Đình Cánh, anh mới nói toạc ra những điều gọi là "tế nhị" khó nói ấy. Ấy là đời sống vật chất thiếu thốn, đồng lương ít ỏi, ấy là nỗi khát khao tình cảm khi mà mỗi ngày tuổi xuân của những cô giáo cứ vơi đi cùng với "trầu héo, cau già"! Với cách nói, cách đặt vấn đề không khách sáo này, lần đầu tiên nhà thơ đã đặt một dấu hỏi để ngỏ, mà để trả lời, không ai khác chính là những người có trọng trách đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Và câu hỏi càng nỗi bức xúc khi mà ta cảm động trước cái ước mơ quá đỗi bình dị, đời thường của các cô giáo trẻ "Gió đưa cánh võng, đón bà lên chơi".

Lê Đình Cánh rất có tài phát hiện và đưa những sự việc tưởng như khô khan, không thơ chút nào vào thơ. Trước đây khi viết về bà mẹ ở quê ra thành phố thăm con, vào khu tập thể, anh đã có câu thơ rất hay: "Vào khu tập thể gặp ai cũng chào".

Có vẻ như bài thơ này không có kết (có hậu). Ở đoạn thơ cuối tác giả trở lại tả hình ảnh cô giáo tiếp tục đi với công việc "bán chữ" và lời rao hàng "ngân nga". Và đáp lại tiếng rao ấy chỉ có:

Tiếng rao xao xác lau già
Non cao đợi mảnh trăng tà
                          ngậm sương
Song hình ảnh cô giáo ở đây hiện ra thật đẹp, lớn cao:
Em đi nón chạm mây trời


Như trên nói, bài thơ để lửng phần kết, chính là một ngụ ý đặt dấu hỏi đợi có câu trả lời. Câu hỏi đó là một khó khăn đối với các nhà quản lý giáo dục, cơ quan chức năng những ai tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, trong đó có mỗi độc giả chúng ta có trách nhiệm trả lời!

NGUYỄN SIÊU VIỆT

LÊ ĐÌNH CÁNH

Em đi

Em đi bán chữ trên rừng
Đã qua mặn ngọt, đã từng
cay chua
Đất nghèo chữ ít người mua
Ế hàng không nỡ phân bua
nửa lời
Ước chi Bộ hóa mặt trời
Rẽ mây ngó xuống mảnh đời sương giăng
Ước chi Sở hóa vầng trăng
Non cao soi trước, đất bằng
sáng sau
Ở rừng tự hát ru nhau
Lá trầu thì héo, quả cau thì già
Ước sao có một gian nhà
Gió đưa cánh võng đón bà
lên chơi
Em đi nón chạm mây trời
Rừng sâu bán chữ cất lời
ngân nga
Tiếng rao xao xác lau già
Non cao đợi mảnh trăng tà
ngậm sương.