Phó nhỏ hay chữ
Danh nhân - Ngày đăng : 06:26, 27/11/2010
Năm ông 22 tuổi thì cụ Thượng Trứ (Nguyễn Công Trứ quê Uy Viễn - Nghi Xuân - Hà Tĩnh) về làm Tổng đốc Hải Dương. Là người văn võ kiêm toàn, cụ Thượng Trứ tỏ ra ngạo mạn, có lần giễu thơ văn tỉnh Đông chỉ là hạng dùi đục cối đá mà thôi. Chàng nho sinh Nguyễn Quý Tân cũng là người tự cao về tài thơ văn của mình nghe vậy quyết tìm cách cho quan Thượng biết loại "dùi đục cối đá" tỉnh Đông có kém gì văn thơ của quan không. Chờ mãi mới có dịp. Đó là khi người trong dinh cụ Thượng ra ngoài đón phó cối vào đóng cối xay lúa. Nguyễn Quý Tân nằn nì xin ông phó cối cho theo làm phó nhỏ phụ kiếm bữa cơm. Thương chàng học trò nghèo lỡ bữa, ông phó cối nhận cho theo. Làm đến trưa được đãi cơm, nhưng phó cối phải ra phố kiếm rượu, Quý Tân chỉ ăn cơm không, rồi vào công đường đề chữ. Chả là trước cửa công đường cụ Thượng chỉ treo một vế đối tỏ rõ quyền thế và thú "ăn chơi nát trời" của mình. Vế đối đó là:
- Tam phủ bát huyện hai viện nhà tơ trực hầu quan lớn.
Nguyễn Quý Tân sẵn có chủ ý liền viết vế đối bên kia:
- Ba bị chín quai mười hai con mắt hay bắt trẻ con.
Vế đối vận dụng toàn bộ một câu đồng dao mà vẫn chỉnh, đồng thời hạ bệ văn tài quan lớn chỉ cậy quyền bắt nạt trẻ con chứ sao tài hơn được người quân tử. Viết xong chàng nho sinh nằm lăn ra sập ngủ. Đến buổi chiều lính phát hiện có phó nhỏ vô lễ liền dẫn đến cụ Thượng tra hỏi. Nguyễn Quý Tân giả bộ sợ sệt thưa:
- Bẩm cụ, tôi vốn là học trò nghèo theo phó cả đi làm kiếm miếng cơm ăn, vô tình ngủ quên nơi công đường mát mẻ, bụng cũng muốn sau này cũng được ngủ ở nơi như thế này, mong cụ lớn tha thứ cho.
Nguyễn Công Trứ biết kẻ vô lễ này là thủ phạm đề chữ ở vế đối còn lại của cụ, cụ vừa căm vừa phục tài, biết tỉnh Đông nơi mình cai trị không thiếu người tài, nhưng cụ vẫn thử xem có đúng hay không. Cụ chỉ lồng chim cu nói:
- Nếu ngươi đúng là học trò hãy thử vịnh con chim kia, hay thì ta tha cho, dở thì chớ trách đòn phạt 30 trượng đó.
- Dạ, con xin hầu cụ.
Đoạn Nguyễn Quý Tân hắng giọng đọc liền một mạch cứ như đã làm từ trước:
Cu hời cu hỡi bảo cu hay
Cu ở đằng mô cu tới đây
Chớ cậy lồng son cùng cóng sứ
Có ngày thớt nghiến với dao phay.
Bài thơ vịnh chim sử dụng tiếng Nghệ để ám chỉ mà vẫn tỏ ý xấc xược và coi thường quyền chức cùng giọng điệu ở vế đối đã đề. Cụ Thượng không những không giận mà từ đó kết bạn tâm giao với chàng nho sinh trẻ kém những 36 tuổi.
PHẠM TIỂU THƯ(st)