Tam Kỳ điển hình trong đầu tư xây dựng cơ bản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:55, 28/11/2010

Là một xã vùng xa của huyện Kim Thành, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã và sự đồng thuận của nhân dân, Tam Kỳ đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.


Nhà văn hóa thôn Kỳ Côi được đầu tư xây dựng khang trang từ nguồn đóng góp của dân và hỗ trợ của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân

Tam Kỳ là một trong 6 xã khu C của huyện Kim Thành, diện tích tự nhiên 582 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 53%. Là một xã vùng xa, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2009 chỉ đạt 9,4 triệu đồng. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã và sự đồng thuận của nhân dân, Tam Kỳ đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng thôn Kỳ Côi cho biết: Hệ thống đường ngõ xóm trong thôn được đầu tư xây dựng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Do kinh phí hạn hẹp nên mặt đường chỉ rộng khoảng 1,5 m. Sau nhiều năm sử dụng, đường đã xuống cấp, việc sản xuất và đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Nhà văn hoá, sân chơi thể thao của thôn cũng không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Trước thực trạng đó, chính quyền đã tổ chức họp đại diện dân, tuyên truyền và lấy ý kiến đóng góp của người dân về cách làm và mức đóng góp. Mọi người trong thôn đều đồng ý với chủ trương của chính quyền. Được sự ủng hộ của nhân dân, thôn cử người phụ trách theo từng xóm, đến từng nhà để vận động, thu tiền đóng góp. Thôn thành lập ban giám sát nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của người dân. Cùng với sự đóng góp của nhân dân, thôn đã kêu gọi sự ủng hộ của con em trong thôn đi làm ăn xa, những nhà hảo tâm trong và ngoài xã. Kết quả, 6,3 km đường ngõ xóm của thôn đã được đổ bê-tông và trải nhựa với chiều rộng 2,5 - 3 m. Ngoài ra, 2,5 km đường nội đồng của thôn cũng đã được đổ bê-tông rộng 1m, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của trên, nhân dân trong thôn cũng đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng nhà văn hoá và công trình phụ trợ như sân chơi, hồ điều hoà, đường dạo, tường bao... với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đến nay, đường ngõ xóm của thôn đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Nhà văn hoá thôn được trang bị đầy đủ hệ thống âm thanh, tủ sách, bảng tin... đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân.

Kỳ Côi chỉ là 1 trong 4 thôn của xã Tam Kỳ được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh hệ thống giao thông và các thiết chế văn hoá. Hiện nay, 100% số đường làng, ngõ xóm của 4 thôn trong xã đã được bê-tông hoá. Nhà văn hoá các thôn đều được xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị. Các thôn đều có sân chơi thể thao như sân bóng đá, sân cầu lông. Tất cả đều được xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân và các nhà hảo tâm trong và ngoài xã.

Đối với các công trình sử dụng ngân sách xã như trường học, trạm xá, trụ sở làm việc, xã tạo nguồn chủ yếu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tiết kiệm chi thường xuyên và sự hỗ trợ của tỉnh, huyện. Đến nay, hệ thống trường tiểu học, THCS đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Trường tiểu học hiện có 26 phòng học, phòng chức năng, phòng chuyên môn và nhà làm việc của giáo viên với kinh phí đầu tư trên 2 tỷ đồng. Trường THCS gồm 16 phòng, kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập của con em trong xã. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân cũng được chính quyền xã quan tâm. Thời gian qua, xã tập trung chỉ đạo xây dựng tiêu chí xã chuẩn quốc gia về y tế. Vì thế, Trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng mới 10 phòng cùng các công trình phụ trợ với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, 6,5 km đường giao thông của xã cũng đã được đổ bê-tông và trải nhựa, đáp ứng được yêu cầu đi lại và phát triển kinh tế của nhân dân trong xã.

Ông Hoàng Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc đầu tư xây dựng được tiến hành một cách chặt chẽ từ lập quy hoạch đến triển khai và giám sát thực hiện. Vì vậy, các công trình đều bảo đảm tiến độ và chất lượng. Với một xã thuần nông, nguồn thu ngân sách chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, nên việc tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng rất khó khăn. Hằng năm, xã tích cực chỉ đạo thu đúng, thu đủ các khoản theo quy định, đồng thời điều chỉnh nguồn thu cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ngân sách do huyện và tỉnh cấp, xã đã huy động tối đa nguồn lực ngoài ngân sách do sự đóng góp, ủng hộ của các gia đình, các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Để có được những thành công như trong thời gian qua, điều quan trọng là chính quyền xã đã biết lắng nghe và chăm lo lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Trong thời gian tới, Tam Kỳ phấn đấu đầu tư xây dựng trường mầm non tập trung, nghĩa trang liệt sĩ và trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Chắc chắn rằng với chủ trương đúng cộng với sự đồng thuận của nhân dân, những mục tiêu trên sẽ được thực hiện nhanh chóng, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và đưa Tam Kỳ trở thành một xã nông thôn mới trong tương lai không xa.

VỊ THUỶ