Thời mua sắm trên mạng

Thị trường - Ngày đăng : 14:27, 30/11/2010

Vài năm trở lại đây việc mua sắm trên mạng đã đem lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua. Khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể tiếp cận những thông tin về sản phẩm, để lựa chọn phù hợp.


Website của Công ty CP Bánh đậu xanh Quê hương góp phần quảng bá sản phẩm và tạo thuận lợi cho khách hàng khi đặt mua hàng trực tuyến


Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của in-tơ-nét, các kênh bán hàng trên mạng cũng ngày càng phát triển, thu hút không ít khách hàng tham gia, nhất là các bạn trẻ. Hàng hoá trên mạng cũng ngày một phong phú đa dạng hơn. Chợ “online” cũng bắt đầu sôi động. Vài năm trở lại đây việc mua sắm trên mạng đã đem lại nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua. Khách hàng không cần mất nhiều thời gian đến chợ hay các cửa hàng để chọn những sản phẩm mà mình có nhu cầu, chỉ cần ngồi tại nhà cũng có thể tiếp cận những thông tin về sản phẩm, cũng như so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế. Ngoài ra, người mua cũng có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm những sản phẩm mới với nhiều mẫu mã phong phú. Cùng với đó, bán hàng qua mạng giúp người bán không phải mất một khoản chi phí lớn trong việc thuê mặt bằng cửa hàng, thuê nhân viên bán hàng và chi phí dành cho quảng cáo và giới thiệu sản phẩm. Hiện có một số website cho phép bất kỳ ai cũng có thể lập “gian” bán hàng và cho đăng tin quảng cáo miễn phí như: Eshopvietnam, 123mua, muare, enbac, rongbay, vatgia, chodientu, muasam, youshop… Anh Trường, chủ cửa hàng thời trang Loveshop trên phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: “Việc kinh doanh trên mạng giúp ích rất nhiều  cho việc kinh doanh của tôi. Nếu trước đây, tôi phải mất hàng tuần lên Hà Nội để chọn mua những kiểu áo, mẫu vải mới và đẹp nhất để bán cho khách hàng thì nay tôi chỉ cần ngồi nhà và vào các trang web bán hàng thời trang để lựa chọn các sản phẩm, so sánh giá và nhấp chuột là có người mang tới tận nhà. Bán hàng online thật tiện ích và tiết kiệm thời gian”.

Mua sắm trên mạng không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng mà còn đem lại nhiều cơ hội kinh doanh đối với các doanh nghiệp.  Việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không những góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp tới các đối tác trong và ngoài nước mà còn tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh thông qua việc giới thiệu sản phẩm trên mạng. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu, TMĐT góp phần giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tới các khách hàng quốc tế dễ dàng, không tốn thời gian và giảm được chi phí vận chuyển sản phẩm mẫu để giới thiệu đối với các đối tác ngoài nước. Thông qua các trang web điện tử, doanh nghiệp có thể truyền tải hình ảnh, thông tin về sản phẩm ở mọi lúc, mọi nơi. Khi có đơn đặt hàng, doanh nghiệp cũng có thể giao kết hợp đồng qua mạng. Anh Lương Hữu Việt, phụ trách Công ty Máy tính CPN tại Hải Dương cho biết: “Trước đây khi chưa có hình thức mua, bán, trao đổi và giao dịch trên mạng, doanh nghiệp thường bị động trong kinh doanh do thị hiếu của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Từ năm 2005, khi doanh nghiệp thành lập website quảng bá và giới thiệu sản phẩm nên các hợp đồng ký kết với các đối tác đều thuận lợi. Số lượng khách hàng đến với công ty tăng mạnh. Ngoài ra, ngày càng nhiều khách hàng đặt mua hàng qua bộ phận kinh doanh trực tuyến của công ty. Từ đầu năm đến nay công ty đã có khoảng hơn 30% khách hàng giao dịch bằng hình thức này, chi phí quảng cáo và tiếp thị sản phẩm cũng giảm tới 50%. Các ý kiến phản hồi về thái độ phục vụ của nhân viên và chất lượng sản phẩm của khách hàng cũng được công ty nắm bắt và điều chỉnh kịp thời. Việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần không nhỏ giúp các doanh nghiệp cung cấp và hỗ trợ thông tin về sản phẩm cho khách hàng từ xa, tăng tính minh bạch và bảo đảm quyền lợi cho các bên trong quá trình giao dịch”.

Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay gần 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai sử dụng TMĐT. Trong đó, có 65% doanh nghiệp đã sử dụng email với mục đích kinh doanh. Trong số 400 doanh nghiệp được điều tra đã có gần 100% số doanh nghiệp ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh, 76 doanh nghiệp đã xây dựng và sử dụng website để mở rộng kênh xúc tiến thương mại với khách hàng trong và ngoài nước, tăng 35 doanh nghiệp so với năm 2008. Các doanh nghiệp kinh doanh công nghệ cao, ngân hàng và các doanh nghiệp có vốn kinh doanh trên 10 tỷ đồng đều đã nhận thức được lợi ích của TMĐT đem lại.

Việc mua sắm, trao đổi và giao thương trên mạng thể hiện trình độ ngày càng cao của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trang web mua bán tồn tại dưới dạng tự phát, nguồn gốc hàng hoá không rõ ràng khiến nhiều người tiêu dùng chưa tin tưởng và e ngại sử dụng các hình thức mua sắm này. Việc thanh toán khi mua bán trên mạng cũng chưa thuận tiện. Tâm lý mua, bán “thấy tận mắt, sờ tận tay” vẫn còn phổ biến trong phần đông người tiêu dùng khiến nhiều cửa hàng, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa mặn mà với việc xây dựng các trang web với mục đích phục vụ mua bán trực tuyến trên mạng. Đối với các doanh nghiệp, nguồn nhân lực để ứng dụng TMĐT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng kịp sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ thông tin hiện nay. Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn công nghệ và bố trí nhân sự phục vụ việc tham gia TMĐT còn thấp. Hoạt động TMĐT tại các doanh nghiệp phần lớn mới chỉ dừng ở mức quảng bá thương hiệu; hỗ trợ khách hàng từ xa; trao đổi thông tin qua mạng. Nhiều doanh nghiệp thành lập website nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá bán, giá mua, chưa có chức năng bán hàng, thanh toán trực tuyến trên website...

LAN ANH