Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Tin tức - Ngày đăng : 04:38, 11/12/2010

Sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáodục, nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng ngàn năm của nhân dânViệt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc...


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc văn bia tại chùa Côn Sơn (Chí Linh),
ngày 15-2-1965. Ảnh tư liệu

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề văn hoá luôn có một vị trí quan trọng. Những quan điểm của Người về văn hoá là kim chỉ nam để Đảng ta hoạch định chính sách, sách lược phát triển văn hoá qua các giai đoạn xây dựng đất nước. Những quan điểm và hoạt động văn hoá của Người đã góp phần vào sự tiến bộ và phát triển nền văn minh của nhân loại. Công lao to lớn này đã được đánh giá trong Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người: Sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của các dân tộc, tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Người là vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là nhà văn hoá kiệt xuất.

Với tầm vóc của một danh nhân văn hoá thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng vô cùng quý báu về mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hoá. Việc tìm hiểu những quan điểm về văn hoá và vấn đề gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp chúng ta có cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn để thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Mang trong mình truyền thống văn hoá phương Đông lại được tiếp thu những tinh hoa của các nền văn minh trên thế giới, Hồ Chí Minh đã đúc kết quan điểm của mình về văn hoá trong nhận định: “Ý nghĩa của văn hoá: vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Quan điểm trên của Hồ Chủ tịch đã khái quát được nội dung rộng nhất của phạm trù văn hoá. Nó không chỉ bao hàm hoạt động tinh thần của con người mà còn cả những hoạt động vật chất và trong đó chứa đựng, phản ánh tác động của tư duy đến kết quả của hoạt động. Đồng thời chỉ ra nguồn gốc động lực sâu xa của văn hoá đó là nhu cầu sinh tồn của con người với tư cách là chủ thể hoạt động của đời sống xã hội - một hoạt động khác hẳn với hoạt động sinh tồn bầy đàn của các loài động vật. Theo ý nghĩa này, chất văn hoá được hàm chứa trong mọi lĩnh vực hoạt động kể cả hoạt động tinh thần và hoạt động vật chất cùng với các giá trị vật chất và tinh thần mà con người tạo ra trong hoạt động của mình.

Từ quan điểm khái quát “Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” của Hồ Chí Minh, ta thấy văn hoá bao hàm hai lĩnh vực là văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần tương ứng với hai hình thức sản xuất của xã hội loài người là sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Văn hoá vật chất biểu hiện lĩnh vực hoạt động vật chất và toàn bộ kết quả của hoạt động này, bao gồm: công cụ lao động, nhà ở và những vật dụng cần thiết cho đời sống hằng ngày như ăn, mặc, đi lại, thông tin, giao lưu.v.v…Văn hoá tinh thần được phản ánh trong hoạt động ý thức, hoạt động sản xuất tinh thần, cùng với toàn bộ kết quả của nó như: hoạt động nhận thức, đạo đức, pháp luật, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo, tôn giáo tín ngưỡng.v.v…Việc phân định hai lĩnh vực văn hoá trên đây chỉ là tương đối vì mỗi kết quả của những hoạt động này đều hàm chứa trong mình nó cả hai giá trị, giá trị vật chất và giá trị tinh thần.

Nhìn từ góc độ triết học ta thấy phạm trù văn hoá trong quan điểm của Hồ Chí Minh bao hàm: ý thức xã hội với các hình thái và cấp độ tâm lý, hệ tư tưởng của nó như khoa học, chính trị, pháp quyền, đạo đức, nghệ thuật, tôn giáo và tồn tại xã hội – một bộ phận của tự nhiên đã in trên mình dấu ấn hoạt động có ý thức của con người trong quá trình sinh tồn và phục vụ cho nhu cầu sinh tồn đó của con người.

Vận dụng nguyên lý trên đây của chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và định hướng đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, để hình thành những yếu tố mới của văn hoá dân tộc phải phù hợp với giai đoạn phát triển lịch sử mới của xã hội Việt Nam. Hồ Chí Minh đã chủ trương năm điểm cơ bản: “Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập, tự cường; xây dựng luân lý: biết hy sinh, làm lợi cho quần chúng; xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; xây dựng chính trị: dân quyền; xây dựng kinh tế”. Đây là năm điểm quan trọng để xây dựng một nền văn hoá mới mà Hồ Chí Minh đã tiên liệu ngay khi còn phải sống trong gông xiềng của nhà tù Tưởng Giới Thạch.

Mặc dù hiểu và khái quát văn hoá như một phạm trù rộng bao hàm cả lĩnh vực hoạt động vật chất và tinh thần của xã hội, nhưng trong các bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đề cập đến văn hoá với nghĩa hẹp của nó là phản ánh những hoạt động tinh thần cùng các giá trị mà hoạt động này tạo ra. Ngay với nghĩa hẹp, thì văn hoá cũng có vai trò quan trọng và không thể thiếu được đối với cuộc sống của con người, nó đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội loài người như chính trị, kinh tế, xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng, tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và các dân tộc bị áp bức. Nhìn từ góc độ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính ánh sáng văn hoá của chủ nghĩa Mác-Lênin là một động lực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đến lượt mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem ánh sáng văn hoá mới đó của chủ nghĩa Mác-Lênin soi đường cho dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức khác trong cuộc cách mạng giải phóng mình – Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những mục tiêu cơ bản mà cách mạng Việt Nam cần phải đạt được trong lĩnh vực văn hoá, là: “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Chủ trương trên đây thể hiện rõ ràng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị văn hoá dân tộc. Người cho rằng: “Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin bao nhiêu thì càng phải coi trọng những truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông bấy nhiêu”. Người đòi hỏi phải biết giữ gìn vốn văn hoá quý báu của dân tộc, khôi phục những yếu tố tích cực trong kho tàng văn hoá dân tộc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Đây là quan điểm bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc có chọn lọc của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng bảo tồn vốn quý văn hoá dân tộc được thể hiện trong Sắc lệnh về bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam ký ngày 23-11-1945, tức là ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời. Trong đó quy định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Đông phương Bác cổ học viện. Hồ Chí Minh rất quan tâm đến những di sản văn hoá dân tộc. Đối với Người những làn điệu dân ca, những áng thơ cổ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Tư tưởng về bảo tồn văn hoá dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phủ nhận sự tác động, ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá các dân tộc mà ngược lại, khẳng định sự giao hoà giữa các nền văn hoá của các dân tộc khác nhau lại thúc đẩy sự phát triển văn hoá của mỗi dân tộc, làm cho nó hoàn thiện hơn, phong phú hơn. Người cho rằng: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại…Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”.

Với hơn ba mươi năm bôn ba khắp năm châu, Hồ Chí Minh là người am hiểu các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, nhận dạng chính xác và đánh giá đúng từng nền văn hoá của nhân loại. Vì vậy Người kêu gọi phải học cái hay trong từng nền văn hoá của mỗi dân tộc trên thế giới. Vì thế mà ở đâu cũng vậy, với phong cách ung dung của một nhân sĩ phương Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể đàm luận hết sức chi tiết, cụ thể về các danh nhân tiêu biểu của từng nền văn hoá của các dân tộc khác nhau trên thế giới. Người khâm phục nền văn hoá phát triển của các dân tộc khác, không kể đó là những dân tộc mà chế độ chính trị của họ đang là kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam. Nhà báo Mỹ đã nhận xét: “Cụ Hồ Chí Minh là một con người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp. Một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ, khi Mỹ phá hoại đất nước cụ”.

Quan điểm văn hoá của Hồ Chí Minh chống lại mọi biểu hiện kỳ thị, độc tôn về văn hoá. Đúc kết trong kho tàng tri thức của mình tinh hoa văn hoá đông, tây, kim, cổ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương kế thừa truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc phải đi đôi với việc học tập và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại. Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá là kim chỉ nam cho chúng ta trong việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó có thể hội nhập và giao lưu với các nền văn hoá khác trên thế giới, cùng nhau phát triển.

Xu hướng chung của văn hoá nhân loại trong tương lai là kết hợp hài hoà nền văn minh khoa học công nghiệp phương Tây với tinh hoa văn hoá nhân bản phương Đông. Cả hai ưu thế này đã được đúc kết trong nhân cách vĩ đại và tư tưởng sâu rộng về văn hoá Hồ Chí Minh. Đúng như cảm nhận của nhà thơ Xô – Viết Ôxip Mandenxtam khi tiếp xúc với Người cuối năm 1923: Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một nền văn hoá, không phải văn hoá châu Âu, mà có lẽ là văn hoá của tương lai.

NGUYỄN NGỌC QUYẾN