Cách chăm sóc để hoa cúc nở đúng dịp Tết
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:59, 15/12/2010
Chăm sóc
Căn cứ vào đặc điểm sinh học của cây, tính chất đất đai, khí hậu và diễn biến thời tiết với từng giai đoạn sinh trưởng để bón phân và chăm sóc cho phù hợp. Chú trọng việc bấm tỉa điều chỉnh số lượng mầm nhánh, thân cành, nụ hoa... để điều chỉnh thời gian nở hoa. Bón phân cho hoa cúc cần đầy đủ và cân đối. Nếu bón thiếu, cây sẽ bị còi cọc và hoa nở kém, dễ bị sâu bệnh phá hoại. Nếu bón thừa phân, thân cây sẽ vống cao, lá nhiều, dễ bị đổ. Các loại phân chính cần cho hoa cúc gồm: phân chuồng, phân bắc, phân đạm, lân, ka-li, phân vi sinh, phân vi lượng...
Ở giai đoạn phân hoá mầm hoa và vươn hoa, nếu bón tăng lượng đạm sẽ làm thời gian nở hoa chậm lại.
Nguồn nước
Nếu quần thể cây sinh trưởng mạnh, chậm phân hoá mầm hoa, dự tính sẽ nở muộn so với Tết thì phải hãm khô, ngừng cung cấp nước đột ngột. Nếu trời mưa thì có thể xới xáo nhẹ, làm đứt 10-15% bộ rễ để cây chuyển hẳn sang giai đoạn thực ra hoa. Nếu quần thể cây sinh trưởng kém, có biểu hiện ra hoa sớm, cần bón tăng lượng đạm, tưới phân hữu cơ và đảm bảo đầy đủ nhu cầu nước của cây để làm chậm quá trình nở hoa.Phân bón lá và ánh sáng
Khi sử dụng phân bón lá cần chú ý đến thời điểm phát triển của cây hoa, mục đích cần đạt được để điều chỉnh liều lượng, nồng độ cho phù hợp. Khi thời gian chiếu sáng trong ngày dài trên 13 giờ thì cây ở giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng. Thời gian chiếu sáng ngắn (10-11 giờ/ngày) và nhiệt độ không khí khoảng 12 độ C thì cây chuyển hẳn sang quá trình sinh trưởng sinh thực và phân hoá mầm hoa. Do vậy, khi quần thể ruộng hoa có biểu hiện sinh trưởng chậm, ngọn hơi rụt lại, lá nhỏ và xếp mau, cây phân hoá mầm hoa trước 5-11 âm lịch, dự tính cây sẽ nở hoa trước Tết thì chiều tối có thể dùng đèn điện để tăng thời gian chiếu sáng cho ruộng trên 13 giờ/ngày để làm chậm quá trình phân hoá mầm hoa.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)