Đáng lo ngại về nước mặn xâm nhập sâu
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 22:47, 15/12/2010
Giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2011, nước mặn có khả năng xâm nhập sâu nhất. Nước sông ở một số nơi có thể bị nhiễm mặn là các xã: Đại Đức, Tam Kỳ (Kim Thành); Thanh Hồng, Thanh Cường (Thanh Hà); khu vực Nhị Chiểu (Kinh Môn); Nguyên Giáp (Tứ Kỳ).
Nước mặn xâm nhập sẽ gây khó khăn cho việc lợi dụng thủy triều lấy nước ngược qua cống An Thổ (Tứ Kỳ) |
Nhiều con sông trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều. Nếu mực nước sông càng cạn kiệt thì nước mặn từ ngoài biển càng xâm nhập sâu vào đất liền. Kỹ sư Nguyễn Văn Hoạch, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh cho biết: "Trong vụ đông xuân này, giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2011, nước mặn có khả năng xâm nhập sâu nhất. Nước sông ở một số nơi có thể bị nhiễm mặn là các xã: Đại Đức, Tam Kỳ (Kim Thành); Thanh Hồng, Thanh Cường (Thanh Hà); khu vực Nhị Chiểu (Kinh Môn); Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)". Theo quy định, độ mặn dưới 1 phần nghìn mới bảo đảm cho cây trồng sinh trưởng, phát triển bình thường. Độ mặn lớn hơn 1 phần nghìn sẽ ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển và có thể làm chết cây trồng. Do vậy, việc đo độ mặn tại các cửa cống lấy nước rất quan trọng để quyết định việc điều tiết nước hợp lý.
Trung tuần tháng 2-2010, nước mặn đã xuất hiện tại khu vực các xã An Thanh, Quang Trung, Nguyên Giáp (Tứ Kỳ), độ mặn đo được tại cống Cầu Xe đạt 1,9 phần nghìn. Các cơ quan chức năng phải đóng các cửa cống để tránh mặn xâm nhập có thể ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cũng trong tháng 2 năm nay, nước mặn còn xuất hiện ở nhiều con sông thuộc địa bàn huyện Kinh Môn, Kim Thành, với độ mặn vượt quá tiêu chuẩn cho phép nên không thể điều tiết nước tự chảy vào nội đồng.
Lo ngại lớn nhất trong việc phòng, chống hạn vụ đông xuân 2010-2011 chính là việc nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Nhiều địa phương, đơn vị đã đặt ra trường hợp nước sông bị nhiễm mặn vượt tiêu chuẩn cho phép là tình huống xấu nhất đối với việc phòng, chống hạn hán. Tại sao nước mặn xâm nhập sâu lại có thể nguy hiểm đến vậy? Hệ thống công trình thủy lợi tỉnh được phân thành hai khu vực khá rõ nét. Khu vực Bắc Hưng Hải gồm 7 huyện, thành phố (TP Hải Dương, Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ), nguồn cung cấp nước do hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đảm nhiệm. Hệ thống thủy lợi vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều gồm 5 huyện, thị xã còn lại, việc lấy nước tự chảy phụ thuộc vào mực nước dâng cao do thủy triều. Nếu mực nước trên sông Hồng cạn kiệt, việc lấy nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Quan rất khó (hoặc không thực hiện được), tỉnh ta sẽ phải lấy nước "ngược" do thủy triều dâng qua cửa cống Cầu Xe - An Thổ (Tứ Kỳ) để bổ sung vào kênh, trục Bắc Hưng Hải. Trong tình huống này, nếu xuất hiện mặn vượt tiêu chuẩn thì sẽ phải đóng cống Cầu Xe - An Thổ, đồng nghĩa không lấy được nước vào hệ thống. Tại khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều, nước mặn sẽ khiến việc lấy nước tự chảy không thực hiện được, việc thiếu nước nghiêm trọng cho gieo cấy lúa xuân có thể xảy ra.
Nông dân cần sử dụng tiết kiệm nước để đối phó với nguy cơ hạn hán nghiêm trọng có thể xảy ra. Trong ảnh: Nông dân xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) tưới nước cho cây hành vụ đông |
Nguy cơ mặn xâm nhập sâu đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Để đối phó với tình huống này, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã chủ động lập phương án đối phó. Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tính đến trường hợp hạn đặc biệt nghiêm trọng xuất hiện khi mực nước ở các sông xuống rất thấp, mặn xâm nhập ở các cửa cống lấy nước khu vực hạ lưu. Nếu trường hợp mặn vượt quá tiêu chuẩn, phải tạm dừng lấy nước tự chảy, khi độ mặn giảm thấp sẽ tích cực lấy nước vào nội đồng. Sử dụng các trạm bơm lớn để bơm cấp nguồn cho các trạm bơm nhỏ trong nội đồng. Trường hợp mặn kéo dài có thể bố trí các điểm bơm dã chiến lấy nước trực tiếp nước từ sông ngoài (nơi không bị nhiễm mặn) để bơm cấp nguồn vào trong đồng. Tại 22 điểm đo mặn tại các địa phương, công ty đã chuẩn bị hóa chất và dụng cụ đo mặn; tập huấn đo mặn cho các nhân viên.
Huyện Tứ Kỳ cũng đặt ra trường hợp hạn đặc biệt nghiêm trọng xuất hiện khi mực nước sông Bắc Hưng Hải xuống quá thấp và mặn xâm nhập nên không thể lấy nước qua cống Cầu Xe - An Thổ. Trong trường hợp này, toàn bộ lưu vực khoảng 2.200ha thuộc địa bàn các xã: Quang Trung, Nguyên Giáp, An Thanh, Hà Thanh, Văn Tố, Tứ Xuyên sẽ không lấy được nước từ sông Thái Bình và sông Luộc. Đối phó với trường hợp này, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện và các địa phương phải tận dụng lấy nước trong hệ thống Bắc Hưng Hải; tích cực nạo vét kênh mương để dẫn nước từ sông Bắc Hưng Hải vào các khu vực bị hạn; lắp đặt một số điểm bơm dã chiến để bơm nước trực tiếp từ sông Bắc Hưng Hải vào kênh trung thủy nông.
NINH TUÂN