Ô nhiễm nguồn nước, nuôi thủy sản gặp khó
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:12, 24/12/2010
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chuyển hướng sang nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị bệnh, chết hàng loạt diễn ra liên tục đang khiến nhiều người dân lo ngại.
Nước thải từ cụm công nghiệp Tân Trường đổ trực tiếp ra kênh Cẩm Đông - Phí Xá |
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên diễn ra đã khiến nhiều người chuyển hướng sang nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá bị bệnh, chết hàng loạt diễn ra liên tục đang khiến nhiều người lo ngại.
Năm 1996, gia đình anh Phạm Văn Biên (ở thôn An Lại, xã Cẩm Đông, Cẩm Giàng) đã chuyển đổi 5 sào sang đào ao nuôi cá, tập trung vào các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè... Những năm gần đây, để nâng cao hiệu quả, gia đình anh thả thêm một số loại cá mới như rô phi đơn tính, từ điêu hồng. Anh cho biết, trước đây, nuôi thủy sản rất ổn định, không phải lo lắng về dịch bệnh. Hệ thống ao có nước ra vào thường xuyên. Thức ăn của cá chủ yếu là cỏ và các loại rau. Nếu cá ăn không hết, thức ăn thừa sẽ được vớt lên. Số lượng người nuôi thủy sản lúc đó cũng ít nên không có tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm, cá chết. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên đàn cá liên tục xảy ra đã làm anh không muốn tiếp tục đầu tư. Nguồn nước của địa phương đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân do số lượng người nuôi thủy sản tăng nhanh. Hiện toàn xã có 117 ha nuôi thủy sản, thu hút hàng trăm hộ tham gia. Việc quy hoạch vùng chăn nuôi thủy sản mang tính chất tự phát nên nảy sinh nhiều bất cập. Ao nhà nọ nối tiếp ao nhà kia nên không có máng hay kênh dẫn nước vào, thải nước ra. Khi thu hoạch cá, người dân bơm sang ao liền kề và lại lấy chính nguồn nước đó để tháo vào ao nuôi đợt cá mới. Đây là nguyên nhân làm lây nhiễm dịch bệnh trên đàn cá. Thêm vào đó, do Cẩm Đông gần cụm công nghiệp Tân Trường nên nước thải của một số nhà máy được xả thẳng hòa lẫn vào các kênh cung cấp nước cho nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng. Trong năm nay, các ao nuôi cá của gia đình anh liên tục có cá bị chết. Sau khi gạn ao, anh đã thực hiện theo đúng hướng dẫn về việc xử lý ao, phơi ao trước khi nuôi lứa mới. Tuy nhiên, do nguồn nước bị ô nhiễm, cá giống bé, quen sống ở điều kiện môi trường khác nên khi đưa về ao của gia đình anh, không thích nghi được nên chết khá nhiều. Trong đợt xuống cá giống hồi giữa năm, đã bị chết hơn 1 tạ cá trắm, 60 kg cá trôi, thiệt hại trên 5 triệu đồng. Để hạn chế cá chết, những khi thời tiết thay đổi, gia đình anh phải dùng máy sục, tạo không khí cho ao cá.
Cũng như gia đình anh Biên, gia đình anh Đặng Văn Tuy cũng thiệt hại gần 70 triệu đồng trong năm nay. Gia đình anh nuôi hơn 200 con cá trắm cỏ, mỗi con nặng trung bình 5-6 kg dự kiến sẽ bán vào đợt Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nguồn nước, môi trường, cá trong ao có dấu hiệu bị chết nên anh phải bán sớm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) huyện Cẩm Giàng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn huyện thời gian gần đây diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất nói chung và nguồn nước cho nuôi thủy sản nói riêng. Một số xã có mật độ cá chết lớn như: Cẩm Đông, Cẩm Đoài, Lai Cách, Tân Trường, gây thiệt hại nặng cho nông dân. Phòng NN - PTNT đã cử cán bộ xuống kiểm tra tình hình và hướng dẫn nhân dân cách xử lý, trong đó tập trung vào việc sử dụng chế phẩm sinh học nhằm xử lý các chất thải lắng đọng dưới đáy ao, tạo nguồn nước sạch. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, bởi việc sử dụng chất xử lý gây tốn kém, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Về lâu dài, huyện Cẩm Giàng sẽ tiến hành quy hoạch, chuyển các vùng nuôi thủy sản tập trung ra gần sông để được sử dụng nguồn nước sạch.
Cùng với Cẩm Giàng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Bình Giang cũng diễn ra nghiêm trọng. Ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng Phòng NN- PTNT huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 780 ha nuôi thủy sản, năng suất đạt 2-3 tạ/sào. Hiệu quả từ nuôi thủy sản cao hơn một số ngành nghề khác. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển ngành thủy sản gặp khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm. Tình trạng này diễn ra hầu hết ở các xã trong huyện. Nguyên nhân là do ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, một số người vẫn xả thẳng nước thải chăn nuôi xuống ao. Tình trạng cho thức ăn quá nhiều xuống ao cũng diễn ra phổ biến. Cá không ăn hết sẽ bị lắng xuống đáy ao, gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng và vứt bừa bãi bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến một lượng lớn thuốc còn tồn dư trong nguồn nước; hệ thống kênh mương bị ứ đọng, không được khơi thông thường xuyên. Một số nhà máy, xí nghiệp thải nguồn nước không qua xử lý ra môi trường cũng ảnh hưởng đến nguồn nước chung.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện nay, tỉnh ta có hơn 10 nghìn ha nuôi thủy sản. Năm 2010, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt hơn 497 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay, số lượng cá chết khoảng 400 tấn, gây thiệt hại vài chục tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, một phần huyện Tứ Kỳ và Gia Lộc... Trong năm 2010, chi cục đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc tiến hành một số cuộc kiểm tra, phân tích mẫu nước tại các ao nuôi. Một số tiêu chuẩn như: hàm lượng khí H2S, chỉ tiêu BOD5, vi sinh vật hiếu khí.... đều vượt quá ngưỡng cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài vi sinh vật gây bệnh trên cá phát triển mạnh.
Để hạn chế những khó khăn, đưa thủy sản thành ngành mũi nhọn của tỉnh, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiến hành rà soát lại những vùng nuôi thủy sản để bố trí một cách hợp lý hơn. Trong đó, tận dụng những diện tích gần hệ thống sông để quy vùng nuôi thủy sản. Đối với những nơi không thay đổi được, sẽ có kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống mương máng cấp thoát nước. Hướng dẫn các hộ dân biện pháp xử lý ao nuôi. Các hộ dân cần chủ động giảm mật độ khi cá lớn và đưa các giống cá mới, có khả năng chống chịu dịch bệnh tốt vào nuôi.
THANH HÀ