Chuyển biến trong công tác dân số
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 25/12/2010
Hết tháng 10-2010, toàn tỉnh có 20.814 ca sinh, giảm 289 ca; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 116 nam/100 nữ (cùng kỳ năm 2009 là 126 nam/100 nữ). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh giảm ở 5/6 huyện.
Kiểm tra cân nặng cho trẻ ở Trạm Y tế xã Phạm Kha (Thanh Miện). Ảnh: Thành Chung |
Trong năm 2010, công tác dân số đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở. Ban Chỉ đạo công tác dân số-KHHGĐ và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số - KHHGĐ đã được kiện toàn. Ngoài Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có 11 Trung tâm dân số -KHHGĐ và 1 Trung tâm tư vấn dân số - KHHGĐ với 79 biên chế. Tuyến xã có 263 cán bộ chuyên trách và 2.962 cộng tác viên dân số. Để nâng cao chất lượng công tác dân số - KHHGĐ, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo cán bộ. Hiện tại, Chi cục đã tổ chức đào tạo lại cho 100 % số cán bộ tuyến huyện và cán bộ chuyên trách cấp xã, đào tạo mới kiến thức cơ bản về Dân số -KHHGĐ, quản lý các chương trình về dân số cho các cán bộ mới được tuyển dụng. Các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi được chú trọng. Chi cục dân số-KHHGĐ và các trung tâm trực thuộc đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về nội dung sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số, các quy định về nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, tọa đàm về mất cân bằng giới tính khi sinh. Toàn tỉnh hiện có hơn 1500 câu lạc bộ, tổ phụ nữ không sinh con thứ ba, phụ nữ làm kinh tế giỏi... Hoạt động của các mô hình này đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách dân số - KHHGĐ tới các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ ở các địa phương. Các cộng tác viên dân số ở các xã, phường, thị trấn cũng tăng cường hoạt động thăm hộ, tư vấn trực tiếp tại nhà cho các đối tượng; đẩy mạnh hoạt động tư vấn nhóm nhỏ tại các xóm, thôn. Chi cục Dân số- KHHGĐ duy trì cấp báo Gia đình và Xã hội và đặc san về dân số cho lãnh đạo các cấp, ngành, ban dân số-KHHGĐ các xã, phường, thị trấn, các câu lạc bộ dân số. Đầu tư các bộ thiết bị truyền thông cho các phường thuộc dự án tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi. Kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức được 495 buổi truyền thông lưu động, 1.291 pa - nô, khẩu hiệu, hơn 58,5 nghìn tờ rơi, tranh ảnh, hơn 2.000 sách, tập san, tạp chí... Công tác truyền thông được gắn kết với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Trong năm 2010, chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ KHHGĐ được tổ chức 2 đợt tại 164 xã, phường, thị trấn có mức sinh cao, đông dân và có tỷ lệ sinh con thứ ba cao. Đồng thời các dịch vụ KHHGĐ được cung cấp thường xuyên tại các trạm y tế cơ sở. Các phương tiện tránh thai như bao cao su, thuốc uống tránh thai được đưa về đầu mối là các cộng tác viên để tiện cung cấp tận tay những người có nhu cầu. Kết quả, từ đầu năm đến hết tháng 10-2010, có 167 người mới đình sản, đạt 33,4%; hơn 39,3 nghìn người mới đặt dụng cụ tử cung, đạt 87,5%; gần 21 nghìn cặp mới sử dụng bao cao su, vượt 7,5%; cấp thuốc uống tránh thai cho hơn 21 nghìn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vượt 10,7%... so với kế hoạch năm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 270 nghìn cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai, trong đó có gần 197 nghìn phụ nữ đặt vòng, gần 11 nghìn người áp dụng biện pháp triệt sản, hơn 20 nghìn cặp sử dụng bao cao su, hơn 21 nghìn phụ nữ uống thuốc tránh thai. Bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số. Tiêu biểu là việc thực hiện đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” để phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh của thai nhi, phát hiện một số bệnh rối loạn cần điều trị ngay trong giai đoạn chưa có biểu hiện... giúp điều trị sớm hoặc chấm dứt thai kỳ đối với những thai nhi có bệnh lý di truyền hoặc dị tật không khắc phục được. Mô hình “Kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân” cũng được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu cần được thông tin, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản -KHHGĐ cho vị thành niên và thanh niên. Kiểm tra sức khỏe, phát hiện, tư vấn về phòng tránh nguy cơ sinh con bị khuyết tật, dị tật cho nam nữ thanh niên. Tiếp tục triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 132 xã thuộc các huyện Thanh Miện, Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Thanh Hà, Ninh Giang...
Những hoạt động trên đã góp phần giảm tỷ lệ sinh và chênh lệch giới tính khi sinh tại tỉnh ta. Tính đến hết tháng 10-2010, toàn tỉnh có 20.814 ca sinh, giảm 289 ca; tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 116 nam/100 nữ (cùng kỳ năm 2009 là 126 nam/100 nữ). Đáng chú ý là, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã giảm ở 5/6 huyện áp dụng đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tuy nhiên, ở TP Hải Dương, huyện Kim Thành tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh còn cao (TP Hải Dương là 140 nam/100 nữ; Kim Thành 130 nam/100 nữ). Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ ba trong tỉnh lại gia tăng. Toàn tỉnh có 1.742 trường hợp sinh con thứ ba trở lên, chiếm 8,37% tổng số ca sinh, tăng 0,12% so với cùng kỳ năm 2009. Các huyện Thanh Miện, Ninh Giang, Bình Giang vẫn "dẫn đầu" về tỷ lệ sinh con thứ ba. Đây là một thực trạng đáng lo trong công tác dân số-KHHGĐ.
Để giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba đặc biệt là nỗ lực nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường, năm nay là năm đầu tiên Chính phủ quyết định lấy tháng 12 là Tháng hành động quốc gia về dân số. Riêng tỉnh ta, các hoạt động truyền thông được tập trung hướng mạnh vào đề tài mất cân bằng giới tính khi sinh, tổ chức các đoàn kiểm tra tại các cơ sở siêu âm thai nhi, tọa đàm với các ngành chức năng... Tin rằng, với khẩu hiệu quen thuộc của những người làm công tác dân số “mưa dầm thấm lâu”, công tác dân số tỉnh ta sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực và bền vững hơn.
MAI LIÊN