Bố tôi làm nghề đội than
Các em viết - Ngày đăng : 07:08, 25/12/2010
***
Ký túc xá phòng tôi có 12 bạn, mỗi người ở một tỉnh khác nhau nhưng cuộc sống tập thể rất vui, ai cũng kể về thành tích học tập của mình, về gia đình của các bạn ấy, bố mẹ các bạn ấy làm công việc là giáo viên, bác sĩ, công nhân… Còn tôi im lặng, bố mẹ tôi làm nghề gì ư? Liệu các bạn ấy có biết được công việc của bố mẹ tôi vất vả như thế nào không?
Bố mẹ tôi quanh năm lam lũ với đồng ruộng, nhưng những sào ruộng ấy cũng không thể đủ cho 3 chị em chúng tôi đi học, vì thế bố mẹ tôi đi phụ vữa, đội than. Bố đã từng nói với tôi là tuổi đời của con cũng là tuổi nghề của bố mẹ, nghĩa là tôi 20 tuổi thì bố mẹ cũng 20 năm đi làm công việc đội than.
Tôi nói với bố: công việc của bố mẹ thật vất vả, con sẽ không làm công việc như bố mẹ đâu.
Bố cười xoa đầu tôi và nói, con bé nhỏ của bố. Con còn nhỏ, làm sao con đội than được. Bố mong các con của bố học giỏi mai sau không phải vất vả như bố mẹ. Học cố gắng lên con nhé!
Tôi nhìn bố, nước mắt chảy xuống, làm sao lúc đó tôi hiểu được, với cô bé 10 tuổi như tôi. Tôi không hiểu tại sao nước mắt tôi rơi, tôi dõng dạc nói với bố là bố yên tâm. Con sẽ học giỏi.
Tôi nhớ, bố mẹ tôi đã khổ cực như thế nào để cho chúng tôi được đi học, nhà tôi không có con trai nhưng chẳng bao giờ bố bận lòng, bố rất tự hào về chúng tôi. Tôi biết, ngoài bố mẹ tôi vất vả ra, trong làng tôi ai cũng nghèo cả. Những ngày hè chói chang, nắng gay gắt, trời như đổ lửa, 12 giờ trưa bố mẹ tôi vẫn đi làm chưa về, có những hôm bố mẹ tôi đi làm từ sáng đến chiều, khi đến vụ cấy cày, gặt hái, mẹ lại làm công việc đồng áng. Có những ngày rét cắt da, cắt thịt, mùa đông lạnh buốt, bố mẹ tôi vẫn đi đội than. Ngày tôi còn nhỏ, tôi được bố đưa đến thuyền than, nơi bố tôi làm việc, lúc đó tôi đã hiểu công việc của bố mẹ tôi vất vả, nhọc nhằn như thế nào. Một nắng hai sương với đồng ruộng, với công việc nặng nhọc, tôi không hiểu sao hàng trăm thúng than nặng như thế mà ngày nào mà bố mẹ tôi và các bác trong làng có thể đội được. Tôi đã hỏi bố “Bố ơi, sao thúng than nặng thế mà bố và các cô bác vẫn đội được”?
Bố nhìn tôi và nói: Con yêu, lớn lên con sẽ hiểu tại sao thúng than nặng thế mà các bác ấy vẫn đội được.
Tôi lớn lên bằng những ngày tháng đội than ngoài bờ sông bãi sú, bằng những xe cát vất vả, những ngày chở đá của bố mẹ tôi, tôi dần hiểu rằng bố mẹ vất vả như vậy là vì cuộc sống, vì mưu sinh và vì chị em chúng tôi.
Bố mẹ đã tạo mọi điều kiện cho chúng tôi được học hành, lo cho chúng tôi những bữa cơm, những giấc ngủ ngon lành, tôi biết bố mẹ vất vả nhiều, tôi nhắc nhở lòng mình là phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi, hy vọng của bố mẹ tôi.
Ngày nhận được giấy báo đỗ đại học, tôi đã đạp xe đạp thật nhanh ra ngoài thuyền than, nơi bố mẹ tôi làm việc, tôi hét to: Bố mẹ ơi, con và Thảo đã thành công rồi! Tôi nhìn bố, thúng than trên đầu bố tôi rơi xuống, nước mắt chảy dài trên 2 gò má đã sạm đen của bố.
Tôi hiểu được cái cảm giác hạnh phúc của bố mẹ tôi lắm chứ, vì đó chính là những điều mong mỏi, hy vọng và tin tưởng mà bố mẹ đã gửi gắm vào chúng tôi.
Các bác trong làng ai cũng đến chia vui với bố mẹ tôi, bố mẹ tôi tự hào lắm, cả làng rất ít người đỗ đại học, nhất là gia đình tôi có cả tôi và người chị sinh đôi cùng đỗ đại học một lúc. Các bác ấy nói với chị em tôi, bố mẹ các cháu vất vả lắm đấy, lên Hà Nội phải cố gắng học, đừng phụ lòng bố mẹ các cháu.Làm sao mà tôi có thể quên được công lao ấy của bố mẹ tôi chứ! Làm sao tôi quên được tình yêu của bố mẹ dành cho tôi chứ! Tôi đã nói với các bạn trong phòng tôi: Bố mẹ tôi làm nghề đội than và những thúng than ấy đã cho tôi vào đại học!
Mỗi ngày trôi qua, tôi nhớ bố mẹ rất nhiều, nhớ dáng mẹ hao gầy trên cánh đồng sỏi đá, nhớ dáng cha còng lưng chở những xe cát, đội những thúng than để nuôi chị em tôi được học hành. Tôi nhớ mẹ tôi cười rất đẹp, dù mẹ rất ít cười, tôi nhớ sự nghiêm nghị của cha phạt tôi khi tôi trốn nhà đi tắm sông. Tôi tự nhắc mình rằng, dù ở xa, dù không có bố mẹ bên cạnh thì tôi càng phải chăm chỉ học hành, chăm sóc bản thân để bố mẹ tôi vui lòng.
NGUYỄN THỊ THUẬN
(Đội 2, xã Hiệp An, Kinh Môn)