Các khóa Quốc hội và vai trò lịch sử
Tin tức - Ngày đăng : 04:05, 27/12/2010
Quốc hội khóa V (1975-1976)
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V diễn ra ngày 6-4-1975. Cử tri đã bầu 424 đại biểu vào Quốc hội khóa V. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa V khai mạc ngày 6-5-1975 sau khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã toàn thắng. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu các vị đứng đầu các cơ quan cao nhất của Nhà nước, cử các thành viên của Hội đồng Chính phủ; bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm 19 Ủy viên chính thức, 3 Ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ông Trường Chinh; các Phó Chủ tịch gồm các ông, bà: Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Tấn, Nguyễn Thị Thập, Xuân Thủy. Tổng Thư ký là ông Chu Văn Tấn.
Quốc hội khóa V chỉ hoạt động trong thời gian không đầy 2 năm và chỉ họp 2 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, đã bàn bạc quyết định nhiều vấn đề trọng đại của đất nước. Quốc hội đã cải tiến, thống nhất các đơn vị hành chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phê chuẩn giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn.
Quốc hội khóa VI (1976-1981)
Ngày 25-4-1976, cử tri cả nước đã nô nức đi bầu cử Quốc hội khóa VI. Cả nước có 492 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa VI. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI ngày 24-6-1976 đã bầu các vị đứng đầu các cơ quan cao nhất của Nhà nước, bầu Hội đồng Quốc phòng, bầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ông Trường Chinh, các Phó Chủ tịch là các ông, bà: Hoàng Văn Hoan, Xuân Thủy, Phan Văn Đáng, Nguyễn Thị Thập, Chu Văn Tấn, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa.
Quốc hội khóa VI là Quốc hội của thời kỳ đất nước thống nhất. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980, một luật và 5 pháp lệnh. Quốc hội lấy tên nước là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Quốc hội cũng quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính quyền ở miền Nam, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, bảo vệ chính quyền trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
(Còn nữa)