Ô nhiễm môi trường đang lan rộng
Môi trường - Ngày đăng : 04:38, 27/12/2010
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh giám sát hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp Nam Sách |
Chỉ tính riêng ở khu vực đô thị, hằng năm có khoảng trên 100 nghìn tấn chất thải rắn phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, gần 80% là chất thải phát sinh từ các hộ gia đình, các nhà hàng, khu chợ và khu kinh doanh; 18 – 19% là chất thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, trong đó có khoảng 1% được coi là chất thải nguy hại nếu không được quản lý tốt sẽ tác động rất lớn và có thể coi là một hiểm họa đối với sức khỏe người dân và môi trường sống. Đáng quan tâm hơn nữa là hiện nay rác thải chung của các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng khá lớn với khoảng 3 tấn/ngày, trong đó rác thải y tế khoảng 300 kg/ngày chưa được thu gom xử lý triệt để. Đặc biệt là, hiện nay toàn bộ lượng nước thải khoảng 35 nghìn m3/ngày của TP Hải Dương hoàn toàn không qua xử lý và xả thẳng vào môi trường. Do đó, nhiều hồ, hào thành của TP Hải Dương đã và đang ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo khảo sát tại các xã khu vực nông thôn, hiện có 254 trong tổng số 256 (chiếm khoảng 95,85%) xã có bãi hoặc ô chôn lấp rác tập trung; một số xã có bãi rác cho từng thôn. Tuy nhiên, các bãi rác này đều không đạt tiêu chuẩn và trở thành những điểm gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc lạm dụng hóa chất và thuốc trừ sâu (toàn tỉnh mỗi năm sử dụng khoảng 150 tấn thuốc trừ sâu) trong canh tác nông nghiệp đã và đang làm suy thoái đất canh tác, ô nhiễm các nguồn nước và suy giảm đa dạng sinh học làm mất cân bằng sinh thái. Những hành vi xâm hại môi trường như: vứt rác, xác súc vật... bừa bãi xuống ao hồ; sử dụng phân bón mất vệ sinh cho cây trồng, nuôi cá; chặt phá cây xanh còn diễn ra thường xuyên tại một số vùng nông thôn.
Đáng lo ngại là hiện nay các Khu Công nghiệp (KCN), Cụm Công nghiệp (CCN) mới được hình thành, được quy hoạch cẩn thận cũng đã và đang gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Ngày 13-7-2009, Bộ Nông nghiệp vàPhát triển nông thôn ra Quyết định số 1961/QĐ- BNN-KH đối với nguồn nước xảthải vào hệ thống thủy nông Bắc- Hưng- Hải, giá trị giới hạn các thông số vànồng độ các chất ô nhiễm nước thải của các KCN sau khi xử lý phải đạt tiêuchuẩn cột A: TCVN 5945: 2005 (bởi hệ thống này là nguồn cho sản xuất nước sinhhoạt). Theo quyết định này thì trạm xử lý nước thải Đại An và Phúc Điền khôngđạt yêu cầu bởi 2 trạm này sau khi xử lý mới đạt tiêu chuẩn B TCVN 1995, đúngvới quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phê chuẩn báo cáo đánh giátác động môi trường của các dự án này từ năm 2003. Quy định của Nhà nước thayđổi khiến doanh nghiệp từ chỗ đang thực hiện tốt lại trở thành đối tượng viphạm. Đến nay, 2 trạm xử lý nước thải này vẫn chưa có giấy phép xả thải ra sôngSặt. |
Một số doanh nghiệp trong các KCN phát sinh khí thải và bụi như: Công ty Môi trường xanh, Hồng Gia, Thức ăn chăn nuôi Vina (KCN Nam Sách), Thức ăn chăn nuôi ANT- HN (KCN Tân Trường), Đinh ốc Evergreen, Ván sàn (KCN Đại An). Đây cũng là các cơ sở tiềm ẩn nhiều khả năng ô nhiễm môi trường. Ngày 8- 9- 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2323/QĐ-UBND về việc nêu danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh cần xử lý, theo đó có 3 cơ sở thuộc các KCN là Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Vina gây ô nhiễm khí thải (mùi); Công ty May Tinh Lợi (KCN Nam Sách) chưa tách riêng hệ thống thoát nước thải và nước mưa; một số cơ sở trong KCN Đại An chưa đấu nối hệ thống nước thải vào hệ thống chung.
Các bãi rác thải ở nông thôn đanggây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh chụp tại đường liên xã Đồng Tâm - HồngThái (Ninh Giang). Ảnh: Hải Linh |
Đặc biệt, hiện nay, tất cả các CCN hoàn toàn không có nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng, không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong các CCN phải tự xử lý nước thải nhưng phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn cho phép hoặc không qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm xung quanh khu vực nhà máy, các kênh và ruộng canh tác của nhân dân. Trong công tác quy hoạch, hầu hết các KCN, CCN đều không có quy hoạch địa điểm tập kết rác để thu gom rác thải rắn từ các doanh nghiệp, do đó hầu hết các doanh nghiệp phải tự tìm cách thu gom và đưa đi xử lý hoặc hợp đồng xử lý dẫn đến tình trạng xả rác thải trộm ra môi trường. Theo quy định, chất thải nguy hại công nghiệp phải được thu gom và xử lý theo phương án khác, không được chôn lấp cùng với rác thải thông thường nhưng chưa được phân loại và xử lý theo một quy trình riêng.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, các cấp, ngành liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM và bản cam kết bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Chỉ đạo các KCN khẩn trương hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm đến hết năm 2011 có 100% số KCN có doanh nghiệp hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; các doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải và phương án xử lý chất thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật; bố trí cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; duy trì đúng tần suất quan trắc định kỳ theo nội dung báo cáo ĐTM. Thực hiện quyết liệt việc kiểm tra để cấp phép xả thải cho các doanh nghiệp, dự án; bảo đảm cơ bản các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh được cấp phép và quản lý chặt chẽ việc xả nước thải ra môi trường theo đúng quy định. Khẩn trương xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao ra khỏi địa bàn nội thành TP Hải Dương và một số thị trấn. Bố trí đủ nguồn kinh phí theo quy định trong cân đối ngân sách hằng năm, sử dụng đúng mục đích bảo vệ môi trường. Tăng cường phân cấp cho địa phương và cơ sở về hoạt động bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát, lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý các đơn vị không thực hiện các biện pháp khắc phục đúng thời hạn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho toàn xã hội.
VŨ UÝ- THU TRANG