Phương Độ phát triển nghề truyền thống
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:05, 27/12/2010
Thợ làm nghề mộc |
Kế thừa truyền thống, sản phẩm mộc của làng nghề Phương Độ ngày nay vẫn chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bởi tốt về chất lượng và đẹp về thẩm mỹ… Tuy nhiên, sự chuyển động không ngừng của nền kinh tế, đòi hỏi Phương Độ phải hiện đại hóa dần công nghệ sản xuất, nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm…thì vốn lại là một khó khăn lớn của làng nghề. Nhằm giúp Phương Độ giải quyết khó khăn này, Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh đã bảo lãnh cho các hộ sản xuất trong thôn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách với lãi suất ưu đãi 0,6%/tháng, không hạn chế số tiền vay. TTKC còn tổ chức cho một số cơ sở sản xuất đi tham quan những doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ trong tỉnh để tìm hiểu về máy móc thiết bị. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực này, đến nay 80% các công đoạn sản xuất mộc ở Phương Độ được công nghiệp hóa bằng những máy móc chuyên dụng như: máy xẻ đứng, máy bào, máy khoan, máy tiện…theo đó năng suất của làng nghề cũng tăng gấp đôi, gấp ba.
Hiện đại hóa phương thức sản xuất, quy mô sản xuất được mở rộng... khiến nhu cầu về lao động của Phương Độ ngày một tăng cao. Năm 2010, TTKC đã phối hợp với các nghệ nhân trong thôn đào tạo nghề cho 90 lao động địa phương và lao động ở các khu vực lân cận. Sau khi được đào tạo, các lao động đều được vào làm tại các hộ gia đình làm nghề trong thôn với mức thu nhập từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng. Như lời chia sẻ của ông Trần Văn Xô, Trưởng thôn Phương Độ: “Việc đào tạo nghề cho lao động địa phương không chỉ đơn thuần giải quyết nhu cầu về lao động của làng nghề, mà còn giúp người dân không phải ly hương đi làm ăn xa. Bởi cũng như các xã nằm ven quốc lộ 5, diện tích đất nông nghiệp của Hưng Thịnh ngày một thu hẹp, vấn đề mưu sinh của người dân ngày một khó và không phải ai cũng đủ điều kiện vào làm việc tại các khu công nghiệp, nhất là những người đã nhiều tuổi như chúng tôi”.
Ngoài ra, để giúp người dân Phương Độ giải quyêt vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải của làng nghề, UBND xã Hưng Thịnh đã tổ chức một đội thu gom rác chuyển ra bãi tập kết. Nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời, hiện nay UBND xã đang kết hợp với TTKC tỉnh xây dựng đề án hỗ trợ xây dựng khu chứa và xử lý rác thải cho Phương Độ, dự kiến sang đầu năm 2011 sẽ khởi công.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ hoạt động khuyến công tỉnh, làng nghề Phương Độ hiện nay đang phát triển khá mạnh mẽ, nhiều hộ gia đình đã mở rộng cơ sở sản xuất, thu hút hàng chục người lao động với thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Hơn thế nữa, sản phẩm của làng nghề không chỉ được ưa dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Cũng chính sự phát triển nhanh chóng của làng nghề, đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2010, ước tính giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Phương độ đạt khoảng 9,2 tỷ đồng chiếm hơn 50% tổng sản phẩm của toàn thôn. Và cũng kéo mức thu nhập bình quân của người lao động lên mức 20 triệu đồng/người/năm.
(Nguồn: Thời báo KTVN)