Xây dựng thị trấn Nam Sách trở thành một đô thị "vệ tinh"

Kinh tế - Ngày đăng : 09:58, 28/12/2010

Thị trấn Nam Sách có vai trò khai thác nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu sẵn có cho các khu, cụm công nghiệp trong khu vực, bảo đảm dịch vụ công nghiệp cũng như thông thương đến các vùng lân cận.


Khu đô thị mới đường Trần Hưng Đạo, phía đông thị trấn Nam Sách mới được quy hoạch, xây dựng

Thị trấn Nam Sách là đô thị ven đường 183 (nay là quốc lộ 37) nối giữa quốc lộ 5 và 18, thuận lợi giao lưu với các vùng kinh tế quan trọng là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, gần TP Hải Dương. Ngoài vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục của huyện Nam Sách, thị trấn Nam Sách có vai trò khai thác nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu sẵn có địa phương cho các khu, cụm công nghiệp trong khu vực, bảo đảm dịch vụ công nghiệp cũng như thông thương đến các vùng lân cận.

Cách đây 5 năm, huyện Nam Sách đã phối hợp cùng Trung tâm Quy hoạch đô thị - nông thôn Hải Dương (Sở Xây dựng) nghiên cứu, xây dựng đề án “Điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nam Sách giai đoạn 2005-2020” trên cơ sở kế thừa quy hoạch đã được duyệt năm 1998. Theo quy hoạch được duyệt năm 2006 thì đô thị mới của thị trấn Nam Sách được mở rộng quy mô  từ 213 lên 455ha. Theo đó đã mở rộng thêm một phần các xã Nam Hồng, Đồng Lạc, An Châu, Nam Trung và An Lâm. Thị trấn được quy hoạch xây dựng hiện đại với hướng phát triển theo trục lộ 37, đường 5B. Xác định thị trấn mở rộng không gian về ba phía: Phía đông chủ yếu hai bên trục đường 37 trên cơ sở các khu chức năng đã hình thành: khu dân cư mới Trần Hưng Đạo, cụm công nghiệp An Đồng. Phía tây, qua tuyến kênh tưới đến giáp điểm dân cư xã Nam Hồng. Phía nam, phần đất ruộng giáp dân cư các xã An Châu và Đồng Lạc. Thị trấn được quy hoạch các khu chức năng: khu trung tâm phía bắc chủ yếu là cơ quan hành chính sự nghiệp của huyện, các công trình được mở rộng về phía tây tăng diện tích từ 400 đến 1.000m2 cho một cơ quan, công sở.

Trung tâm hành chính và quảng trường chính của thị trấn được tổ ở chức khu vực phía nam kết hợp cải tạo các công trình kiên cố, gồm các cơ quan Huyện uỷ UBND huyện, Trung tâm Văn hóa - thông tin huyện... Đồng thời dự kiến xây dựng quảng trường chính để tạo điểm nhấn cho đô thị ở cửa ô phía nam kết hợp đón tuyến đường huyết mạch của TP Hải Dương nối với thị trấn Nam Sách. Định hướng lâu dài thị trấn phát triển về phía tây nối với đường Cầu Hàn.

Trung tâm thương mại, dịch vụ của thị trấn nằm ở phía tây trục quốc lộ 37, kết hợp với cụm công nghiệp An Đồng, tạo thành khu kinh tế chính của thị trấn. Hệ thống chợ trung tâm thị trấn hiện có quy mô diện tích khá lớn, hầu hết các ki-ốt nhà cấp 4, dự kiến cải tạo xây dựng chợ hiện đại trung tâm thương mại của đô thị. Xây dựng mạng lưới chợ khu vực ở một số điểm dân cư hiện có và một số điểm dân cư quy hoạch (khu La Văn Cầu, khu Đồng Khê, La Xuyên).

Khu dân cư thị trấn cũ gồm ba khu và hai thôn, sau khi điều chỉnh mở rộng chia ra thành 9 khu dân cư. Tổ chức các nhóm nhà là các công trình thiết yếu như: lớp học, điểm dịch vụ thường xuyên, chợ, khu vui chơi thể thao...

Khu công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp được quy hoạch ở phía đông thị trấn, được kết hợp mở rộng cụm công nghiệp An Đồng có diện tích 66ha, tập trung tại đây công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, may, thêu xuất khẩu, công nghiệp cơ khí, sản xuất giày da… Khu công nghiệp tập trung phía đông đường 37, dự kiến tuyến đường vành đai phía đông thị trấn sẽ bao khu công nghiệp nối với khu công nghiệp Quốc Tuấn tạo mạng giao thông đối ngoại liên hệ giữa các điểm kinh tế khu vực thuận lợi.

Không gian kiến trúc cảnh quan được tổ chức trong tổng thể đô thị; điểm nhấn là các khu trung tâm, các khu đô thị mới, các nút giao thông chính tạo nên trung tâm mới khu vực phía nam. Trong khu vực cũ của đô thị, cải tạo các tuyến kênh thuỷ nông xây dựng hai tuyến đường ven kênh tạo thành các phố dọc sông. Cải tạo các tuyến đường hiện có trong khu vực thị trấn bảo đảm quy mô đường đô thị có mặt cắt lộ giới tối thiểu là 11,5m. Các tuyến giao thông chính được cải tạo mở rộng từ 17 đến 34m. Các cửa ô phía bắc, phía nam, phía đông, phía tây tạo nút giao thuận lợi, đồng thời tạo cảnh quan xung quanh bằng các công trình công cộng, dịch vụ, bến bãi xe....

Sau 5 năm thực hiện quy hoạch đã có gần 20 dự án lớn nhỏ được triển khai. Hệ thống giao thông mở rộng, đáp ứng phát triển lâu dài. Các tuyến đường 17, 5B, 13 tuyến nội thị từng bước được nâng cấp. Một số kênh tiêu được kè đá, mở rộng đường 2 bên kênh; từng bước hoàn thiện Trung tâm Văn hoá thể thao; hệ thống cấp nước đáp ứng 90% số dân sử dụng nguồn nước máy Wasenco, do Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Hải Dương cung cấp. Nâng cấp các trạm bơm liên quan, xử lý tốt việc tiêu úng cho toàn bộ thị trấn và các khu vực lân cận; cải tạo các khu dân cư cũ; cải tạo môi trường cảnh quan đồng thời tăng quỹ đất xây dựng; cải tạo khu dân cư hiện có của 4 thôn: Nhân Hưng, Nhân Đào, Đồng Khê, La Xuyên; cải tạo khu hành chính sự nghiệp phía bắc (mở rộng quy mô); xây dựng mới khu đô thị mới đường Trần Hưng Đạo, khu trung tâm văn hoá thể thao phía bắc. Tiếp tục xây dựng cụm công nghiệp An Đồng và khu dịch vụ phía tây đường 37 giáp dân cư La Xuyên...

Để sớm hình thành một đô thị hiện đại, ổn định, bền vững, là đô thị vệ tinh của TP Hải Dương, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân cũng như hấp dẫn đầu tư và tạo điều kiện quản lý xây dựng theo quy hoạch, cần tiếp tục đầu tư tài chính cho thị trấn nâng cấp cơ sở hạ tầng. Mặt khác, huyện Nam Sách và thị trấn tiếp tục đề xuất mở rộng phát triển thị trấn do phát triển trục lộ mới và cầu Hàn. Huyện cần kêu gọi các nhà đầu tư, quy hoạch phát triển các khu dân cư mới văn minh, hiện đại. Quy hoạch mở rộng thêm cần định hướng phát triển lâu dài, từ kiến trúc, cảnh quan, điểm nhấn đô thị phù hợp với việc TP Hải Dương mở rộng sau này.

THU TRANG