Nhà thơ Nguyễn Mỹ với bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 22:50, 28/12/2010

Nguyễn Mỹ sinh ngày 21-2-1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Anh lớn hơn tôi 3 tuổi, hồi còn học ở trường trung học địa phương, anh trên tôi 2 lớp, rồi xung phong nhập ngũ vào quân đội trước tôi 1 năm. Trong chiến dịch Át-lăng đầu năm 1954 chống thực dân Pháp xâm lược, anh và tôi cùng chiến đấu ở chiến trường Phú Yên.


Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chúng tôi cùng tập kết ra miền Bắc. Năm 1959 anh và tôi cùng tham gia chiến đấu ở chiến trường Xiêng Khoảng (Lào) để giúp bạn. Những năm tháng chiến đấu ấy tôi bị thương, anh có đến trạm xá mặt trận thăm tôi và tặng tôi nửa cân đường cát trắng để bồi dưỡng sức khỏe. Hoàn thành xong nhiệm vụ giúp bạn, đơn vị về nước đóng quân ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Tôi ở Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 đóng quân ở Đồi Hao, anh ở Trung đoàn 14, Sư đoàn 324 đóng quân ở Đồi Si, cách nhau chừng 4km. Tuy vậy thỉnh thoảng những ngày chủ nhật chúng tôi vẫn thường gặp nhau khi đi dạo phố Chợ Rạng, hoặc những lần được Phòng chính trị sư đoàn triệu tập về để viết bài, viết tin cho tờ tin của sư đoàn trong một đợt tuyên truyền nào đó.

Năm 1960 cấp trên cho tôi đi học lớp bồi dưỡng văn hóa của Bộ Tư lệnh Pháo binh, rồi sau đó được đi đào tạo lớp sĩ quan ở Trường Sĩ quan Pháo binh thời gian hơn 3 năm. Tốt nghiệp, tôi về làm phóng viên Báo Quân khu 3, rồi về Tổng cục Chính trị làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Lúc ở chiến trường miền Nam tôi được tin anh Nguyễn Mỹ cũng đã vào chiến trường Liên khu V và đang làm phóng viên mặt trận của báo Cờ giải phóng Trung Trung bộ. Nhưng vì lúc đó tôi và anh mỗi người đang làm nhiệm vụ ở mỗi chiến trường khác nhau nên không thể nào gặp nhau được.

Sau này tôi mới biết tin Nguyễn Mỹ đã hy sinh ngày 16-5-1971 trên bờ sông Đăk Ta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam trong lúc đang đi công tác cơ sở bị địch phục kích. Nguyễn Mỹ bắt đầu có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ năm 1957. Mặc dù tác phẩm của anh để lại không nhiều, nhưng chỉ với bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ” viết năm 1964, Nguyễn Mỹ đã được nhiều thế hệ độc giả yêu mến, ngưỡng mộ. Đó là một bài thơ dù viết về chuyện chia tay ra trận giữa lúc cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang đến hồi ác liệt nhưng không hề cương mà vẫn nhuần nhị tinh tế tình yêu quê hương, đất nước rất thuần khiết và cảm xúc tự tin dạt dào. Màu đỏ của cuộc chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ đã trở thành cao cả, thiêng liêng mà một thời có hàng vạn, hàng vạn người trẻ tuổi đã làm được và hoàn tất sứ mệnh vinh quang - Chiến đấu để giành lại độc lập cho non sông đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn...


TÔ PHƯƠNG(Phú Yên)



CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ


         Nguyễn Mỹ

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô
                                        đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng,
                                            sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa
                                        làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới
                                          ngày mai...

Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi...
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung
                               nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
"Khi Tổ quốc cần họ biết sống
                                           xa nhau..."

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi     
                                    đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...