Khó khăn trong xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế ở Ninh Giang
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:10, 31/12/2010
Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trạm y tế như phòng khám, điều trị, phòng chức năng, các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, thiếu đội ngũ bác sĩ…
Chăm sóc vườn thuốc nam ở Trạm Y tế xã Vĩnh Hòa.Ảnh: Thành chung |
Đề án xây dựng xã đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2006 - 2010 ở huyện Ninh Giang được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm và thu được một số kết quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án, huyện đã gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn kinh phí cho việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trạm y tế như phòng khám, điều trị, phòng chức năng, các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, thiếu đội ngũ bác sĩ…
Trước khi triển khai đề án (trước năm 2006), huyện Ninh Giang có 7 xã là Vĩnh Hoà, Tân Quang, Ninh Thành, Hiệp Lực, Tân Phong, Tân Hương, Hồng Thái đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đến hết năm 2009, huyện mới có thêm 12 đơn vị, nâng tổng số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế chiếm tỷ lệ 67,9%, không hoàn thành kế hoạch đề ra…
Trạm Y tế xã Đồng Tâm hiện có 8 phòng làm việc, trong đó có 4 gian nhà cấp 4 đã dột nát, xuống cấp; các công trình phụ trợ bị hư hỏng, trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh đã hoen gỉ, không bảo đảm vô trùng… Mặc dù đề án xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đã được phê duyệt và triển khai từ năm 2006, tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh, Trưởng Trạm Y tế xã Đồng Tâm cho biết: Năm 2010, trạm mới đăng ký xây dựng đạt chuẩn quốc gia về y tế, nên mục tiêu không hoàn thành... Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Trịnh Văn Thuần, người đã nhiều năm phụ trách công tác y tế của xã, cho biết: Công tác chăm sóc sức khoẻ của nhân dân luôn được đưa vào nghị quyết hằng năm của xã, nhưng do là xã nghèo, không có kinh phí nên mãi đến năm cuối của đề án xã mới đăng ký. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do trụ sở làm việc của UBND xã đã xuống cấp, nên đến năm 2010, xã được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới cạnh Trạm Y tế xã và chiếm một phần đất của trạm y tế. Đến nay, xã vẫn chưa quy hoạch được đất để xây dựng trạm y tế mới; kinh phí để xây dựng cũng chưa có, xã chỉ còn biết “trông chờ” vào nguồn kinh phí từ kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2011... Vì vậy, người dân trong xã đến nay vẫn chưa được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu tốt nhất.
Ông Đặng Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến huyện chưa hoàn thành mục tiêu đề án là trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở một số địa phương hoạt động chưa đều, chưa cụ thể. Lãnh đạo một số địa phương còn chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cho xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã; còn coi đây là nhiệm vụ của trạm y tế; ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị y tế của các xã chưa xây dựng chuẩn quốc gia còn rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức và sự hưởng ứng của người dân về công tác phòng bệnh, tự chăm sóc sức khoẻ ở một số địa phương còn hạn chế. Việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt tỷ lệ thấp, còn tồn tại nhiều tập quán lạc hậu trong sinh hoạt có hại cho sức khỏe. Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng dịch chưa được triển khai thường xuyên. Chất lượng đội ngũ cán bộ y tế xã, y tế thôn, đội chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Một số cán bộ quản lý y tế xã còn yếu về năng lực tham mưu, tổ chức điều hành hoạt động, chưa phát huy tốt khả năng và điều kiện hiện có, một số trạm y tế chưa có đủ cán bộ chuyên ngành về y học cổ truyền. Trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng chất lượng thấp, tỷ lệ người dân khám, chữa bệnh không dùng thuốc, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt thấp. Các xã còn lại đến nay chưa đạt chuẩn hầu hết là những xã nghèo, cơ sở vật chất khó khăn, trụ sở trạm y tế xã đã xuống cấp, thiếu phòng chuyên môn, trang thiết bị, trong khi giá vật tư thiết bị tăng, nhưng kinh phí đầu tư hỗ trợ cho xây dựng xã chuẩn lại không tăng lên…
Phương tiện khám, chữa bệnh củacác trạm y tế còn thiếu nên chất lượng khám sức khỏe ban đầu cho người dân hạnchế. Trong ảnh: Khám răng cho người dân tại Trạm Y tế xã Ứng Hòe (Ninh Giang) |
Năm 2010, huyện Ninh Giang phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế nhưng mới chỉ có xã Hưng Long đang xây dựng. Vì vậy, đề án phải kéo dài sang năm 2011 mới có thể hoàn thành…
Bên cạnh những khó khăn trong việc xây dựng các xã, thị trấn đạt 10 chuẩn quốc gia về y tế thì việc duy trì, giữ vững danh hiệu của các xã đã đạt chuẩn cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, các xã đạt chuẩn tiếp tục đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời mua sắm thêm các trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, hầu hết các xã đã đạt chuẩn trước năm 2006, đến nay cơ sở vật chất đã xuống cấp, diện tích phòng nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn, chất lượng cán bộ y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn. Một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nhiều năm như Vĩnh Hoà, Ứng Hoè, Tân Hương, Hồng Phong, Văn Giang… đến nay vẫn chưa có bác sĩ.
HẢI HÀ