Rộn rã làng nghề bánh đa Hội Yên

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:26, 09/01/2011

Thôn Hội Yên có hơn 100 hộ dân làm nghề tráng bánh đa, thu hút 400-500 lao động địa phương tham gia. Bánh đa Hội Yên ngày càng được nâng cao chất lượng và tạo được thương hiệu trên thị trường.


Người dân Hội Yên sử dụng thiết bị máy móc để giảm nặng nhọc trong làm bánh

Làng nghề bánh đa Hội Yên (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện) hình thành từ cuối thế kỷ thứ XIII. Đến năm 2004, làng bánh đa Hội Yên chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho biết: Hiện nay, thôn Hội Yên có hơn 100 hộ dân làm nghề tráng bánh đa, thu hút 400-500 lao động địa phương tham gia vào các công đoạn làm bánh. Bánh đa Hội Yên ngày càng được nâng cao chất lượng và tạo được thương hiệu trên thị trường.

Đến Hội Yên, ngay từ đầu làng chúng tôi đã thấy trên những bãi đất trống người dân thiết kế  những giàn cao để phơi bánh. Bánh đa tráng đến đâu được đưa ra phên phơi đến đó. Không khí lao động sản xuất từ các lò tráng bánh đến các sân phơi tấp nập, khẩn trương. Thời điểm bánh đa bán chạy, nguồn nguyên liệu tại chỗ không đủ để cung cấp cho hơn 100 hộ làm bánh của làng nên nhiều hộ đã phải nhập gạo từ các xã khác trong huyện như: Ngô Quyền, Thanh Giang, Tứ Cường... Bánh đa muốn ngon và được khách hàng ưa dùng phải sử dụng loại gạo có chất lượng bột tốt, không pha tạp. Sau khi xay gạo thành bột mịn, người dân phải có cách pha chế phù hợp, nếu không bánh sẽ dày mỏng không đều. Bột sau khi được chế biến sẽ được tráng qua nồi hơi để làm ra sản phẩm bánh đa tráng mỏng. Bánh vừa tráng được đem phơi cho ráo, sau đó dùng tay hoặc máy cắt thành sợi. Sau nhiều năm sản xuất, đến nay, người làm bánh đa Hội Yên đã sử dụng nhiều loại máy móc. Mỗi hộ sản xuất thường đầu tư 2-3 loại máy khác nhau như: máy trộn bột, máy tráng và máy cắt sợi. Do vậy, người lao động cũng đỡ vất vả so với cách làm bánh thủ công như trước đây. Năm 2005, cả làng chỉ sản xuất được 10 tấn bánh/ngày, đến nay đã sản xuất được hơn 30 tấn/ngày. Mỗi hộ sản xuất bánh đa có quy mô lớn đều phải thuê thêm từ 2-3 lao động. Các hộ thuê thêm từ 5-10 lao động với mức thu nhập bình quần gần hơn 2 triệu đồng/người/tháng. Công việc không vất vả lại có thu nhập khá nên nghề sản xuất bánh đa ở Hội Yên không chỉ thu hút lao động của địa phương mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở các xã lân cận. Ngoài việc các thương lái đến tận nơi lấy hàng, người dân địa phương còn đem bánh đa đi bán buôn, bán lẻ để tăng nguồn thu nhập. Bánh đa Hội Yên “hữu xạ tự nhiên hương”, đem lại thương hiệu cho làng. Thương lái nhiều nơi đã buôn bánh đa Hội Yên là không muốn buôn bánh đa ở nơi khác bởi sợi bánh đa ở đây đặc biệt ngon. Ngay cả những người dân các xã khác muốn làm nghề cũng không sao “học lỏm” được bí quyết ấy. Không dùng hóa chất, hàn the, phẩm màu là tiêu chí hàng đầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm của làng bánh đa Hội Yên. Nhờ bí quyết ủ bột, trộn bột với tỷ lệ hợp lý cùng với sự khắt khe trong việc chọn nguyên liệu, tráng bánh và phơi bánh nên sợi bánh đa thành phẩm vừa trắng vừa dai. Người làm bánh đa ở Hội Yên hoàn toàn phơi bánh ngoài trời, không sấy hay dùng chất bảo quản nhưng những sợi bánh đa vẫn trắng muốt, bảo quản được vài tháng mà không sợ bị mốc, hỏng.

Những ngày này dạo quanh làng Hội Yên, đâu đâu cũng thấy người lao động luôn tay xay bột, tráng bánh, phơi bánh. Trung bình một lò sản xuất có thể làm ra từ 50 kg đến 1 tạ bánh khô/ngày. Ông Vũ Duy Tác, chủ một cơ sở sản xuất bánh đa trong làng cho biết: “Nghề làm bánh đa được truyền lại từ nhiều thế hệ trước nên các thế hệ nối tiếp trong làng ai cũng biết làm bánh đa. Nghề này tuy không giàu nhanh nhưng cho thu nhập ổn định quanh năm, nhất là dịp Tết. Những năm gần đây, thị trường bánh phở được tiêu thụ mạnh cùng với giá bánh đa tăng theo xu hướng tăng giá chung của nhiều mặt hàng khác nên người làm bánh đa vẫn bảo đảm có lãi. Những lúc nông nhàn và giáp Tết cả làng Hội Yên bận rộn không hết việc. Người làng Hội Yên vẫn coi nghề làm bánh đa làm nghề “kiếm kế sinh nhai” hiệu quả, thu nhập bình quân mỗi hộ làm nghề đạt gần 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nghề làm bánh đa phát triển cũng kéo theo vấn đề ô nhiễm môi trường cần được quan tâm xử lý. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân quy hoạch một khu sân phơi bánh tập trung để bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm, khẳng định chất lượng và thương hiệu bánh đa Hội Yên.                                                                                              

L.A

Ở Hội Yên, nghề làm bánh đa được cụ Vũ Duy Tộ thành lập và bảo tồn cho đến ngày nay. Ngày xưa dụng cụ làm bánh đa khá đơn giản chỉ gồm cối xay tay bằng đá, nồi đồng, muôi tráng bằng gáo dừa, que xêu bánh bằng tre cật và vài chiếc phên phơi bánh được đan bằng tre. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu được lấy từ nguồn gạo của địa phương.