Bất cập ở các bến xe
Tin tức - Ngày đăng : 15:41, 19/01/2011
Một buổi sáng mưa rét căm căm, hàng chục tốp hành khách phải đứng ngồi co ro ở vỉa hè để chờ xe khách. Đây là hình ảnh quen thuộc ở Bến xe Bến Trại xã Tiền Phong, Thanh Miện.
Gọi là bến, nhưng thực tế đây chỉ là điểm tập kết ô-tô khách có từ sau thời Pháp thuộc, không một bóng cây, không bến bãi, không nhà chờ. Phòng điều hành - nơi đóng dấu lịch trình, nhật trình cho phương tiện rộng chừng 20m2, được ngăn làm 2 cũng chỉ mới được mua lại của một hộ dân, thậm chí không có cả... nhà vệ sinh cho 2 cán bộ điều hành. Ông Nguyễn Duy Nụ, phụ trách bến không giấu giếm: Có chỗ ngồi thế này là tốt lắm rồi. Còn hành khách thì "tùy cơ ứng biến", có tiền thì vào quán nước để trốn mưa, trốn rét, nếu không thì đành chịu trận. Không phải chỉ hôm nay mới thế, mà khoảng 290 nghìn lượt hành khách trong năm 2010 và hàng chục vạn lượt khách nhiều năm trước đó đều phải "màn trời chiếu đất" để chờ xe.
Không bến bãi, không nhà chờ,hành khách phải ngồi ngoài đường để chờ xe ở Bến xe Bến Trại |
Bình quân mỗi ngày Bến xe Bến Trại có khoảng 100 lượt xe buýt và xe cố định xuất bến để chuyên chở gần 800 lượt hành khách. Không có mặt bằng nên hàng đoàn xe phải đỗ ngược xuôi dọc 2 bên đường thôn An Phong để chờ khách. Khách đi từ bến xe này chủ yếu ở các xã Tiền Phong, Diên Hồng, Thanh Giang, Chi Lăng Nam, Chi Lăng Bắc, Ngũ Hùng, Tứ Cường (Thanh Miện) và một lượng khách không nhỏ đến từ Thái Bình qua đò bến Hiệp, bến Trại. Dự kiến, khi cầu Hiệp hoàn thành, lượng khách từ Thái Bình sang sẽ tiếp tục tăng cao. Vào giờ cao điểm, hành khách nhốn nháo, cộng với tình trạng xe chở vật liệu xây dựng từ các bến bãi tập kết ven sông Luộc chạy qua khiến tình hình hết sức lộn xộn. Anh Lê Hồng Ngọc - một tài xế Công ty CP Xe khách Hải Hưng phàn nàn: Anh em lái xe đã lâu và qua nhiều bến nhưng chưa bao giờ vất vả như ở bến này. Do không có điểm quay đầu nên xe ra vào bến là cả một vấn đề, chỉ sơ sẩy là có thể va chạm vào hành khách hoặc với phương tiện khác.
Năm 2008, Bến xe Bến Trại đã được lập dự án trình thẩm định, với diện tích xây dựng 10 nghìn m2 nhưng chưa được phê duyệt. Do đó, chưa thể tiến hành đền bù ngay thời điểm đó - chỉ với giá khoảng 13 triệu đồng/sào. Đến nay, theo ước tính của một số cán bộ ngành giao thông - vận tải, ngân sách sẽ phải chi khoảng 2,5 tỷ đồng để bồi thường cho diện tích này. Đồng thời, ngân sách phải rót thêm khoảng 10 tỷ đồng nữa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Tương tự như Bến xe Bến Trại, Bến xe Hải Tân (TP Hải Dương) cũng đang trở nên quá tải và lộn xộn do mặt bằng quá chật hẹp. Từ bến này, hằng ngày có 6 tuyến xe buýt và 45 tuyến xe cố định đi nội tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Bà Nguyễn Thị Bích, Phó giám đốc Bến xe Hải Tân cho biết, việc gia tăng số lượng phương tiện như hiện nay thì chỉ với diện tích 3.000m2 đang có đã nảy sinh nhiều khó khăn cho công tác điều hành và chất lượng phục vụ hành khách. Bến xe này đã được UBND tỉnh chấp thuận mở rộng thêm 1.500m2 song do không có vốn nên kế hoạch mở rộng chưa biết bao giờ mới được triển khai. Cũng theo ước tính của bà Bích, phải cần khoảng 3 tỷ đồng mới có thể mở rộng được bến xe và đồng bộ cơ sở hạ tầng.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ví dụ về những bất cập của hệ thống bến, bãi xe khách trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện chỉ có một số bến xe như: Hải Dương, Ninh Giang, Thanh Hà... có diện tích đỗ xe và bộ phận quản lý còn các bến khác đều có diện tích nhỏ hẹp. Nhiều bến không có diện tích để làm chỗ đỗ xe, như: Bến Trại, Quý Cao, Sao Đỏ, Từ Ô, Kẻ Sặt... Ở một số trung tâm huyện, thị xã cũng chưa có bến xe mà mới chỉ hình thành điểm đỗ, đón trả khách, không được đầu tư, còn nền đất và không có bộ máy quản lý.
Với số lượng gần 400 xe khách và 230 xe buýt các loại, năm 2010 khối lượng hành khách vận chuyển toàn tỉnh đạt gần 12 triệu lượt người và dự báo tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Bến xe là công trình công ích, phục vụ phúc lợi xã hội. Nguồn thu hằng năm từ các bến này không nhiều nhưng rất cần được tỉnh quan tâm đầu tư, cải tạo để nâng cao hiệu quả khai thác và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
TIẾN HUY