Lao động tự do lo Tết

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 04:23, 28/01/2011

Lao động tự do vốn đã vất vả, những ngày gần Tết còn thêm nhiều nỗi lo. Tết đang đến gần, áp lực kiếm tiền để có một cái Tết đủ đầy khiến lao động tự do thêm “oằn” vai.

Gần Tết, nhiều lao động tự do vẫn bám trụ ở thành phố để kiếm thêm thu nhập


Những ngày áp Tết, trời rét ngọt. Ngược dòng người tấp nập mua sắm tại các siêu thị và trung tâm thương mại, tôi đến Ga Hải Dương, nơi được coi là “thánh địa” của những lao động tự do (LĐTD). Vừa nhẩm tính số tiền công buổi sáng, anh Khoa quê ở Phú Lộc (Cẩm Giàng), một cửu vạn chuyên bốc dỡ hàng thuê ở Ga Hải Dương than thở: “Mệt lắm chị ạ! Từ sáng tới giờ bốc, dỡ gần 4 tấn hàng mới được 50 nghìn đồng, tính đi, tính lại trừ tiền ăn cũng chỉ còn lại được 20 nghìn đồng. Chị bảo như thế thì lấy đâu tiền sắm Tết trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay”. Làm nghề bốc vác đã gần 3 năm nay, anh Khoa đã quen với cảnh về quê ăn Tết muộn, bởi thông thường những ngày áp Tết, hàng hóa được chuyển từ các nơi về nhiều nên công việc của anh cũng tăng lên. Bình quân mỗi ngày anh Khoa bốc dỡ được gần 3 tấn hàng, những ngày áp Tết anh tranh thủ bốc vác thêm được khoảng 1 tấn hàng. “Vất vả nhưng có việc là vui rồi!”, anh Khoa cố giấu đôi bàn tay trong chiếc găng tay đã bạc màu rồi cười xòa với tôi.

Chia tay anh Khoa tôi đến chợ đầu mối hoa quả gần Trung tâm Thương mại Hải Dương, những người bán hoa quả đang vội vã lấy hàng. Gần đến Tết, người nào cũng tranh thủ lấy thêm vài thùng cam, thùng táo để bán. Tần ngần cầm chiếc áo phao trên tay nhưng chưa dám mua, chị Thoa quê ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) làm nghề bán hoa ở TP Hải Dương đã gần 5 năm nay cho biết: “Cuối năm cái gì cũng đắt đỏ, lại cộng thêm thời tiết rét đậm kéo dài khiến nhiều mặt hàng đua nhau tăng giá. Cái áo này tháng trước tôi hỏi mua có giá 250 nghìn đồng nay đã tăng thêm 40 nghìn đồng. Cứ theo đà này, những LĐTD như chúng tôi đành phải “thắt lưng buộc bụng” không dám chi tiêu trong mấy ngày Tết. Năm nay, tôi cũng chỉ sắm vài món quà đơn giản về biếu ông, bà hai bên nội, ngoại, còn những thứ khác về quê rồi tính tiếp”.

Theo kinh nghiệm của những LĐTD, tháng 12 âm lịch là thời điểm nhiều việc nhất trong năm nên gần tới Tết nhiều LĐTD vẫn ở lại mong kiếm thêm được chút tiền để sắm Tết. Cuối năm giá cả nhiều mặt hàng tăng, trong khi số tiền kiếm được mỗi ngày lại chẳng đáng là bao khiến những LĐTD phải tính toán chi li, cụ thể cho từng món đồ cần mua trong dịp Tết.
Trên địa bàn TP Hải Dương, mỗi năm có thêm hàng nghìn lao động thời vụ đến để kiếm sống. Họ phần lớn từ các huyện lân cận lên thành phố làm nghề cửu vạn, bán hàng rong hay làm thuê theo yêu cầu của chủ nhà... Tôi đến khu vực gần đường 5, cuối đường Điện Biên Phủ, nơi thường được gọi “chợ lao động”. Mặc dù trời rét nhưng tại đây lúc nào cũng có khoảng chục người đang chờ việc. Tôi ấn tượng với một phụ nữ đang ngồi co ro trong một góc tường, khoác trên mình chiếc áo phao màu xanh da trời đã cũ. Tôi nhờ chị đến dọn nhà chuẩn bị đón Tết, chị vui vẻ nhận lời ngay. Chị tên Hòa quê ở Tiền Phong (Thanh Miện), ra thành phố kiếm việc làm thêm đã gần 3 năm nay. Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết nhưng chị vẫn nán lại thành phố mong kiếm được thêm chút tiền để mua cho con chiếc xe đạp đi học. Ban ngày chị ra “chợ lao động” kiếm việc, ban đêm đi bưng bê, quét dọn, lau chùi, rửa bát … cho các quán cơm bình dân. Kể về thời gian gần 3 năm đi làm thuê ở thành phố, chị Hoà tâm sự: “Nghề này tuy vất vả nhưng còn hơn ở nhà quanh quẩn với mấy sào ruộng. Tôi đã hết tuổi đi làm công nhân nên đành ra thành phố kiếm việc làm thêm". Được biết, năm nào chị Hòa cũng ở lại thành phố tới ngày 29 Tết để kiếm thêm việc làm và đến sáng 30 tranh thủ mua sắm những thứ cần thiết cho mấy ngày Tết rồi mới về quê. Khi được hỏi sẽ sắm gì về quê ăn Tết, chị Hòa ngậm ngùi: “Gần 2 tháng nay, mẹ chồng tôi đau yếu luôn nên mỗi tháng chi phí cho tiền thuốc cũng “ngốn” hơn một nửa số tiền dành dụm. Còn một chút tiền cũng không biết sẽ chi tiêu như thế nào cho Tết”. Trong suy tính của chị không hề có khoản sắm sửa cho bản thân.


Để có thêm tiền mua sắm Tết, nhiều lao động tự do ở TP Hải Dương làm việc đến 30 Tết

 LĐTD phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nên sắm được vài món quà Tết cũng là điều xa xỉ. Anh Nguyễn Văn Hải, quê ở tận Thanh Hóa, năm ngoái theo người quen ra TP Hải Dương làm nghề dán điện thoại. Gần đến Tết, mọi người đã thấp thỏm về quê nhưng Hải vẫn ở lại cố kiếm thêm tiền. Anh Hải nhẩm tính: “Em đã mua được 1 thùng bánh đậu xanh Hòa An, đặc sản Hải Dương để về quê biếu họ hàng. Số tiền còn lại để phòng thân trên đường về quê ăn Tết”.

LĐTD vốn đã vất vả, những ngày gần Tết còn thêm nhiều nỗi lo. Đặc biệt trong thời điểm giá cả nhiều loại hàng hóa tăng như hiện nay thì người lao động càng thêm lo. Tết đang đến gần, áp lực kiếm tiền để có một cái Tết đủ đầy khiến LĐTD thêm “oằn” vai.     

PV