Nhớ nhà văn Phù Thăng

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 05:00, 08/02/2011


Xuân Tân Mão này là vừa tròn ba năm nhà văn Phù Thăng vĩnh viễn xa người thân, bạn bè, đồng nghiệp văn chương. Tám mươi năm một đời người của ông bắc qua hai thế kỷ tưởng như dài dằng dặc. Tám mươi năm ấy cũng tưởng như chớp mắt, như bóng câu qua cửa sổ. Phù Thăng đi rồi, nhưng những kỷ niệm đẹp về ông còn mãi trong tâm tưởng, tình cảm người yêu ông, người yêu văn của ông.


Ở Phù Thăng ta dễ bắt gặp một mẫu hình người nông dân tươi mới sau Cách mạng tháng Tám, bắt gặp một tác phong người lính Cụ Hồ, một trí thức của nền dân chủ mới cầm bút. Trong hầu hết các tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, truyện phim, thơ ca của Phù Thăng đều dễ nhận ra bóng dáng quê hương, con người đồng bằng châu thổ sông Hồng. Gần gặn hơn nữa là những tên người, tên đất của Hải Dương, của Tứ Kỳ quê ngoại, Thanh Hà quê nội yêu dấu của ông. Văn phong của ông, nếp sống giản dị của ông đã tạo nên một cốt cách Phù Thăng.

Một điều lạ là Phù Thăng làm văn nhưng không nghiện rượu. Rượu với ông như một thứ xa xỉ. Tuy vậy ông quý rượu. Bầu bạn đến với ông bao giờ cũng có chén rượu ngâm thuốc sánh vàng như mật. Bữa cơm thường ngày của Phù Thăng nhất thiết phải có mắm cáy dầm ớt tươi, rau luộc. Cuối bữa ông cuộn mấy miếng cháy non chấm muối vừng thong thả nhìn quanh nhà, nhìn vợ con và nhìn ra cánh đồng tít tắp trước nhà. Phù Thăng thích hút thuốc lào, điếu bát của ông bao giờ cũng sạch bong, thơm tho. Đóm châm mồi là những mảnh tre ngâm được tách mỏng phơi nắng khô giòn. Thuốc ông gửi mua tận Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Lúc vui ông hút ít, lúc trong lòng ngẫm ngợi, nghĩ suy ông hút nhiều hơn. Khi buồn khói thuốc như cuộn tròn dài dằng dặc. Quần áo có thế nào mặc thế ấy. Ăn cốt no và sạch sẽ thơm tho. Nếp sống xuề xoà dễ chịu của ông khiến cho mọi người dễ gần. Và hình như đấy cũng là cách tiếp cận cuộc sống của nhà văn chăng? Có một câu chuyện cô cháu họ là Phạm Thị Lậng ở quê nội thôn Phù Tinh, xã Trường Thành (Thanh Hà) còn nhớ như in. Đó là vào một ngày giáp Tết năm Đinh Hợi 1947, nhà văn dắt mấy cháu đi chợ Yên cạnh huyện lỵ Tứ Kỳ. Chợ đông, cháu giẫm phải sọt bánh đa vỡ ra la liệt. Thay vì giằng co với người bán hàng, Phù Thăng từ tốn xin mua lại toàn bộ số bánh đa trong sọt đó cho vào một chiếc tay nải lớn. Thế là chiều ấy cả nhà ăn no bữa giáp Tết bằng bánh đa.

Chuyện đời thì vậy nhưng chuyện sáng tác của ông thì thật là nghiêm túc chỉn chu. Trước lúc ngồi cầm bút đầu tóc ông chải tươm tất, bút nghiên sạch sẽ. Bát nước vối hoặc chén trà bốc khói nghi ngút trước mặt nhà văn. Chữ viết bản thảo của ông đẹp ngay ngắn như chữ viết chính tả. Thế mới lạ. Năm 2006 nhà văn tìm thấy gần năm trăm trang bản thảo tiểu thuyết "Phá vây" tập hai viết tay. Chữ nào, chữ ấy đều tăm tắp trên giấy pơ- luya Trung Quốc thời những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Bản thảo tiểu thuyết được ông cho vào một chiếc lọ sành đút nút lá chuối đã ố vàng. Đã có một vài nhà đỡ đầu, tài trợ muốn đánh tiếng giúp ông xuất bản nhưng ông còn lưỡng lự. Và bây giờ ở dưới suối vàng ông có khôn thiêng cho phép in không đây?

Hôm đưa đám nhà văn ra nghĩa trang làng Tất Lại, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam là người ném hòn đất đầu tiên xuống huyệt mộ ông. Trong sổ tang của nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh ghi những dòng chữ đánh giá nhân cách và công lao của ông là một trong những nhà văn kháng chiến đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp văn học cách mạng nước nhà.

Trước ngõ nhà Phù Thăng mùa xuân này hai cây bưởi giống Đoan Hùng đang nở từng chùm, từng chùm hoa trắng ngào ngạt như còn tưởng thấy ngày ngày ông ngồi dưới ghế gỗ, bóng cây…

Xuân 2011


NGUYỄN NGỌC SAN