Kinh Môn trúng vụ hành

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:12, 09/02/2011

Vụ đông năm 2009-2010, toàn huyện trồng 2.499 ha hành. Từ cây hành mà những xóm làng ở Kinh Môn trở nên trù phú, đời sống người dân được nâng lên.


Vụ đông này, huyện Kinh Môn có hơn 2.800 ha hành, vượt hơn 300 ha so với kế hoạch. Trong ảnh: Nông dân thôn Miếu Nha, xã Phúc Thành thu hoạch hành vụ đông
Được mùa

Từ hàng chục năm nay sản xuất vụ đông, chủ yếu là cây hành đã trở thành vụ sản xuất chính ở Kinh Môn. Với vốn kinh nghiệm trong gieo trồng, chăm sóc, cộng thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hành, vụ đông năm nay người nông dân Kinh Môn lại có thêm niềm vui trúng vụ.

Về Kinh Môn những ngày đầu năm mới trên các cánh đồng của các xã Phúc Thành, Hiệp Hòa, An Phụ, Quang Trung, Thăng Long… đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp người dân đang hối hả thu hoạch hành. Cầm khóm hành căng mẩy trên tay, chị Ngô Thị Thơi ở thôn Miếu Nha, xã Phúc Thành phấn khởi cho biết: Năm nay nhà tôi trồng 1,1 mẫu hành. Thời tiết đầu vụ không thuận cho cây hành phát triển song về đợt rét cuối vụ lại giúp cây hành sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, xuống củ đều, năng suất đạt khoảng 5-6 tạ/sào. Như vậy, vụ hành này, gia đình chị Thơi thu hoạch được trên 6 tấn củ. Với giá từ 8-10 nghìn đồng/kg như hiện nay sẽ thu về trên 50 triệu đồng. Năm ngoái nhờ cây hành gia đình chị thu được trên 40 triệu đồng. Còn anh Nguyễn Duy Tân ở thôn Huề Trì, xã An Phụ cho biết: Gia đình tôi đã trồng hành hơn 10 năm nay. Cây hành mặc dù là cây vụ đông song lại cho thu hoạch gấp 3-4 lần cấy lúa. Năm nay nhà anh Tân trồng 5 sào hành, thu 3 tấn củ, mỗi sào thu về 6 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: Từ lâu, Kinh Môn đã xác định vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm. Trong đó, cây hành là cây trồng truyền thống mũi nhọn đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ đông năm 2009-2010, toàn huyện gieo trồng trên 3.580 ha thì có 2.499 ha hành. Vụ đông năm 2010-2011, huyện đặt ra mục tiêu gieo trồng 3.600 ha, trong đó 2.500 ha hành. Song do vụ trước được mùa, được giá, diện tích cây hành gieo trồng thực tế vượt lên 2.807 ha. Một số xã như: Hiệp Hòa, Thượng Quận, Lạc Long, An Phụ đều có diện tích gieo trồng trên 300 ha. Các xã còn lại gieo trồng từ 150 đến 200 ha. Có thể nói vụ hành năm nay Kinh Môn được mùa cả về diện tích, năng suất, giá trị.

Lợi ích từ cây hành đem lại khiến nhiều nông dân ở Kinh Môn đi thuê đất để trồng hành với giá hàng triệu đồng một sào đất. Chị Nguyễn Thị Mùi ở thôn Miếu Nha, xã Phúc Thành cho biết: Năm nào ngoài diện tích của nhà, chị cũng đi thuê thêm ruộng để trồng hành. Năm nay, gia đình chị trồng 9 sào hành, trong đó phải đi thuê 4 sào với giá 1 triệu đồng/sào. Như mấy vụ trước, năm nay, gia đình chị lại có một vụ hành thắng lợi. Do hành của chị đẹp, không hư hỏng nên được thương lái thu mua ngay từ đầu vụ với giá 10 nghìn đồng/kg, thu về trên 50 triệu đồng.


Việc tiêu thụ tại thôn Huề Trì, xã An Phụ (Kinh Môn) thuận lợi

Thời điểm này tại các điểm thu mua hành trên địa bàn huyện khá bận bịu. Giá thu mua hành đầu vụ khoảng 10 nghìn đồng, nay vào chính vụ giá dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg. Có mặt tại một điểm thu mua hành ở thôn Huề Trì, xã An Phụ chúng tôi thấy nhiều dân buôn hay người dân chở hành bằng xe máy đến cân bán. Bà Mạc Di Ngoan, một thương lái cho biết: Ở chợ Huề Trì, xã An Phụ hiện có 5 đại lý thu mua hành cho nông dân trong huyện và cả các huyện Kim Thành, Nam Sách. Từ đầu vụ đến nay, mỗi ngày đại lý của bà thu mua trung bình từ 5 - 10 tấn hành củ. Mỗi ngày bà phải thuê từ 5 - 10 lao động giúp việc làm sạch, đóng bao hành.
­­
Khát khao một thương hiệu

Cùng với niềm vui được mùa, trong thâm tâm của người nông dân Kinh Môn gắn bó với cây hành còn ấp ủ một thương hiệu cho sản phẩm nông sản mình làm ra. Việc nếp cái hoa vàng Kinh Môn được xây dựng thương hiệu khiến họ thấy rõ những ích lợi của thương hiệu mang lại. Ông Nguyễn Văn Phu ở thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa cho biết: Một vài năm trở lại đây, thấy các sản phẩm nông sản ở các vùng miền chú trọng xây dựng thương hiệu chúng tôi cũng mong muốn cây hành Kinh Môn làm được điều đó. Nếu cây hành có thương hiệu thì sẽ được giá và thuận lợi trong tiêu thụ. Từ nhiều năm nay, nguồn thu chính của gia đình ông Phu đều trông vào cây hành. Năm ngoái, gia đình ông thu được 123 triệu đồng tiền hành, trừ chi phí còn lãi 98 triệu đồng. Năm nay, nhà ông trồng 1,4 mẫu hành, mỗi sào cho sản lượng trên 6 tạ củ. Với kinh nghiệm bảo quản, ông dự tính không bán tươi mà đợi được giá.

Không chỉ người nông dân mà cả những tiểu thương thu mua hành cũng mơ đến một thương hiệu cho cây hành Kinh Môn. Bà Mạc Di Ngoan, thương lái thu mua hành cho biết: Tôi thu mua hành xuất cho các cơ sở chế biến trong miền Nam đã 25 năm nay. So với hành Trung Quốc và hành ở các vùng khác, cây hành Kinh Môn rất được giá và được ưa chuộng. Với uy tín có được, chúng tôi mong cây hành quê mình sẽ có một thương hiệu để có chỗ đứng xứng đáng trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Biên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vài năm trở lại đây, huyện đã xác định cây hành là cây trồng truyền thống mũi nhọn phải có chỉ dẫn về địa lý. Từ năm 2010, huyện đã đề nghị các cấp có liên quan tiến hành xây dựng thương hiệu cho cây hành. Tuy nhiên hiện nay mới dừng ở các đề tài, như: chăm bón, bảo quản... Điều chúng tôi mong đợi là có các nghiên cứu khoa học nghiêm túc với cây hành Kinh Môn.

Cây hành đã ăn ở ân tình với đồng đất Kinh Môn ngót 20 năm. Năm nay, lại một vụ nữa cây hành không phụ sự gửi gắm của người. Từ cây hành những xóm làng trở nên trù phú, đời sống người dân được nâng lên. Song niềm vui được mùa của người nông dân sẽ trọn vẹn hơn nếu một ngày kia cây hành Kinh Môn được khoác trên mình một thương hiệu.

NGỌC HÙNG