Hãng taxi của làng

Công nghiệp - Ngày đăng : 06:05, 10/02/2011

Câu “taxi Đại Cường phục vụ 24/24, gọi là có” trở nên quen thuộc với đông đảo người dân xã Hiệp Sơn (Kinh Môn). Năm 2010, doanh thu từ dịch vụ taxi của Công ty Đại Cường đạt hơn 4 tỷ đồng.


Lái xe taxi Đại Cường thường xuyên được huấn luyện về kỹ năng ứng xử với khách hàng


Khi anh Lê Vĩ Đại ở thôn An Cường, xã Hiệp Sơn (Kinh Môn) hé lộ ý định sẽ mở dịch vụ taxi tại nhà, nhiều người, ngay cả vợ và người nhà anh đều cho rằng anh “khùng”. Nhưng không hiểu sao, anh vẫn cứ dồn tiền bạc, công sức vào đó và tự tin sẽ thành công. Một ngày đẹp trời đầu năm 2008, anh mang về nhà 8 chiếc xe ô- tô mới cóng xếp thành một dãy dài trước ngõ, bà con lối xóm ra ngó, vào nghiêng, nguýt dài, nguýt ngắn bảo “thằng dở hơi” tự dưng mang “của nợ” ấy về làng quê còn nghèo đói này... để trưng bày, chứ ai đi taxi. Anh chỉ cười khì và ngày đêm nghĩ suy, tính toán cho kế hoạch mới. Đầu tiên anh in tờ rơi đi phát, treo quảng cáo khắp nơi, rồi vào từng trường học, bệnh viên, cơ quan, xí nghiệp đặt vấn đề. Giờ đây, câu “taxi Đại Cường phục vụ 24/24, gọi là có” trở nên quen thuộc với đông đảo người dân vùng núi này. Ban đầu, một người dùng thử, rồi kéo theo hai người, ba người, bốn người... Cứ thế, khách hàng lần lượt tìm đến taxi Đại Cường. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, anh Đại lại đang thực hiện một ý định mới: Thuê 1 ha đất để mở ga-ra sửa chữa ô-tô, mở siêu thị để kinh doanh các mặt hàng theo phong cách hiện đại ở thị trấn Kinh Môn.

Anh Đại thuộc tuýp người vui tính, xởi lởi. Sinh năm 1976, Đại là con cả trong gia đình có ba anh em, bố mẹ đều làm nghề nông. Suốt buổi nói chuyện, cứ nhận mình là…“thằng lì”, Đại có đủ tố chất để mạo hiểm làm những gì mình thích. Năm 2000, khi vừa tròn 24 tuổi, Đại tốt nghiệp trường trung cấp văn hóa, về nhà vay mượn anh em, bạn bè 30 triệu mở hiệu ảnh và dịch vụ in, quảng cáo. Anh đi chụp ảnh các đám cưới, đám tang, hội nghị, đâu gọi là đi. Đi đến đâu anh cũng la cà giới thiệu mời gọi khách hàng sử dụng dịch vụ in phun, quảng cáo của cửa hàng. Cái tên “Đại quảng cáo” trở nên thân quen trong xã, ngoài huyện. Năm 2005, Đại  thành lập Doanh nghiệp tư nhân Đại Cường, tuyển một số thanh niên có tay nghề ở cùng thôn vào vừa học, vừa làm, rồi nghiên cứu nhiều mẫu mã, cách thức làm các biển hiệu quảng cáo theo phong cách hiện đại. Công việc làm ăn ngày càng tiến triển thuận lợi, nguồn vốn cũng khá rủng rỉnh, anh lại muốn đầu tư vào một dự án mới thay vì để đồng vốn nằm yên trong túi. Năm 2007, Đại quyết định chuyển đổi mô hình doanh nghiệp tư nhân thành Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Đại Cường, vay vốn để kinh doanh dịch vụ taxi. Tháng 3-2008, anh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mua 8 xe taxi. Vừa bước chân vào kinh doanh loại hình này, Đại đã gặp một cú “sốc” khi giá xăng dầu ngày một leo thang, tình hình lạm phát tăng cao, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, số khách hàng có nhu cầu đi taxi rất ít, trong khi doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm việc làm và thu nhập cho 10 công nhân lái xe. Để khắc phục khó khăn ấy, anh kêu gọi anh em lái xe không bỏ cuộc. Anh kiên trì, nhẫn nại, chờ đợi khó khăn đi qua. Mấy tháng sau, bước đầu đã có thu nhập từ dịch vụ này, anh lại tiếp tục mua thêm 6 chiếc nữa, tổng cộng là 14 chiếc. Uy tín của taxi Đại Cường ngày càng lan xa, giờ mọi người gọi anh là “Đại taxi”. Đối tượng khách hàng của anh chủ yếu là nhân viên văn phòng, khách đến làm việc, cán bộ, công nhân vùng lân cận. Anh Nguyễn Đình Hùng, 32 tuổi, ở xã Hiệp Hòa cho biết: Trước kia tôi làm nghề lái xe ôm, nhọc nhằn lắm. Biết tin anh Đại sẽ mở dịch vụ taxi tại làng, tôi đi học lái xe, xin vào công ty làm việc. Hơn 2 năm qua, nhờ nguồn thu nhập của tài xế, gia đình đã bớt khó khăn.

Đầu năm 2010, anh Đại tiếp tục đầu tư 6 tỷ đồng mua 10 chiếc xe taxi cao cấp. Hiện nay, Công ty Dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đại Cường chuyên kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, xây dựng các công trình văn hoá dân dụng, in quảng cáo… tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/ tháng. Năm 2010, doanh thu của công ty đạt gần 10 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với  năm 2009. Trong đó, dịch vụ taxi đạt doanh thu hơn 4 tỷ đồng.

Lê Vĩ Đại cho biết, ngay từ khi mới ra đời dịch vụ taxi, công ty đã xác định rõ thương hiệu có vị trí đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp. Vì vậy, anh đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý và vận hành của các đầu xe, bảo đảm chất lượng phục vụ. Anh đầu tư hơn 200 triệu đồng mua thiết bị định vị toàn cầu (GPS). Hằng tháng, tất cả các xe đều được kiểm tra, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn. Các đồng hồ đo km được cơ quan chức năng định kỳ kiểm tra, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn đo lường. Công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng lái xe và các kỹ năng ứng xử với khách hàng.

Với những gì đã và đang có, hy vọng hãng taxi làng này sẽ ngày một phát triển mở rộng tầm hoạt động.

BẢO LINH