Đồng ruộng hồi sinh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:15, 10/02/2011

Tranh thủ thời tiết ấm, nông dân đang tích cực cho nước vào ruộng mạ dược ở trà sớm, dùng phân bón lá, tro mục để kích thích mạ ra rễ và lá mới, giúp mạ hồi phục để chuẩn bị gieo cấy.


Nông dân xã Đồng Lạc (Chí Linh) làm đất bằng máy. Ảnh: ­Việt Cường


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến ngày 8-2, toàn tỉnh đổ ải được khoảng 50 nghìn héc-ta đất, đạt 80% kế hoạch, làm đất đạt khoảng 60% diện tích. Nông dân đang tích cực cho nước vào ruộng mạ dược ở trà sớm, dùng phân bón lá, tro mục để kích thích mạ ra rễ và lá mới, giúp mạ hồi phục để chuẩn bị gieo cấy. Nhiều địa phương đang tập trung gieo vãi.

Khôi phục sản xuất sau rét


Theo Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, trong tháng 2 này trời mưa ít, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, mực nước các sông thấp, khả năng khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra. Khả năng xuất hiện 1-2 đợt rét nhưng cường độ thấp hơn đợt rét tháng 1 và không kéo dài, trong đó từ ngày 11 đến ngày 13 sẽ xuất hiện một đợt không khí lạnh tăng cường, trời chuyển rét, nhưng nền nhiệt độ không xuống quá thấp nên không ảnh hưởng nhiều tới gieo cấy lúa xuân. Cơ quan chức năng và nông dân trong tỉnh cần tranh thủ ngày nắng ấm để tập trung gieo cấy; lấy nước vào hệ thống sông, trục qua đợt xả nước của các hồ thủy điện từ ngày 8 đến 14-2. Tận dụng nước triều lên từ ngày 15 đến 17-2 để lấy nước tự chảy vào nội đồng.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, đến ngày 28-1, toàn tỉnh đã có khoảng 731ha mạ bị chết do rét đậm, rét hại, chiếm 37% diện tích mạ đã gieo. Toàn bộ diện tích mạ còn lại bị táp lá, chuyển màu vàng. Mạ chết nhiều ở các giống: 13/2, X21, Xi23, Q5, Khang Dân 18. Các huyện có nhiều mạ chết là Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc. Ước thiệt hại do mạ chết khoảng 6,5 tỷ đồng (tương đương 540 tấn giống). Rét đậm, rét hại khiến thời vụ gieo cấy bị chậm lại; tỷ lệ trà xuân sớm giảm, diện tích trà xuân muộn tăng; cơ cấu giống lúa bị thay đổi nhiều; khoảng  24% tổng diện tích gieo cấy phải đưa nước đổ ải bổ sung.

Tại các cánh đồng ở thị trấn Gia Lộc, nhiều nông dân khẩn trương làm đất, bơm nước, gieo vãi lúa xuân. Chị Vũ Thị Ngợi ở khu 8 đang nhanh tay gạt đất cho phẳng mặt ruộng để gieo vãi giống BC15. “Mọi năm nhà tôi thường cấy xong trước Lập xuân, năm nay do ảnh hưởng của rét đậm nên phải lùi thời vụ gieo cấy sau Tết Nguyên đán. Một phần diện tích mạ dược giống P6 bị chết rét nên tôi tăng cường gieo vãi để thay thế và đẩy nhanh thời vụ. Chỉ ít ngày nữa tôi sẽ hoàn thành gieo cấy lúa xuân”, chị Ngợi cho biết.


Nông dân thôn Mạn Đê,xã Nam Trung (Nam Sách) gieo thẳng lúa xuân


Nông dân ở thôn An Xá, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) cũng đang tất bật làm đất, chăm sóc mạ dược để mạ hồi phục sớm. Nhiều mảnh ruộng gieo mạ dược trà sớm đã bắt đầu hồi xanh trở lại. Diện tích mạ trà sớm của nhà anh Vũ Đình Thực bị chết rét khoảng 50% nên anh rất lo lắng nguồn mạ gieo cấy vụ xuân này. Anh Thực đã phun phân bón lá để diện tích mạ dược còn sống sớm hồi phục, nhưng cũng chỉ bảo đảm được một nửa diện tích gieo cấy của gia đình. Số mạ thiếu còn lại anh phải liên hệ với các hộ dân khác để xin hoặc mua thêm mới hy vọng  đủ mạ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nam Sách, đến ngày 8-2, toàn huyện đã gieo vãi được 400ha lúa, tập trung ở các xã: Hiệp Cát, Hợp Tiến, Nam Trung, Thái Tân. Trong một vài ngày tới nông dân sẽ bắt đầu cấy mạ dược trà sớm. Diện tích đổ ải  khoảng 4.000ha, đạt 85% kế hoạch; làm đất được khoảng 80% diện tích. Huyện đang chỉ đạo nông dân khẩn trương hoàn thành việc đổ ải, làm đất; gieo vãi trà xuân muộn; chăm sóc mạ xuân sớm để vài ngày tới gieo cấy tập trung. Dự kiến đến cuối tháng 2 huyện sẽ hoàn thành gieo cấy lúa xuân.

Hiện nay, nhiều nông dân bón đạm cho mạ với ý định để mạ sớm ra rễ, hồi xanh trở lại để nhổ cấy. Tuy nhiên, việc bón đạm cho mạ ở thời kỳ này sẽ rất nguy hiểm. Cây mạ vừa trải qua thời kỳ rét đậm, rét hại, nhiều diện tích bị chết, những cây còn sống cũng bị ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh trưởng phát triển. Cây mạ còn yếu và mới bắt đầu phục hồi khi thời tiết ấm dần. Trong thành phần của phân đạm có chất a-xít và tính chất lạnh nên bón cho mạ sẽ khiến mạ bị chết, ảnh hưởng xấu tới phát triển. Để mạ sớm phục hồi, nông dân không bón đạm mà chỉ nên cho nước vào ruộng, bón tro mục (hoặc tro trộn đất) để mạ ra rễ và lá mới, sau vài ngày mới nhổ cấy.

Gieo cấy trong tháng 2

Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Mặc dù rét đậm, rét hại ảnh hưởng xấu tới sản xuất nhưng hiện nay khung thời vụ còn khoảng 20 ngày, nguồn giống dự phòng còn đủ để gieo cấy bổ sung; lượng nước cho đổ ải được cung cấp đầy đủ, nên bà con nông dân cần tránh tâm lý nôn nóng. Chủ động gieo cấy xong trong tháng 2 này”.


Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở để hướng dẫn nông dân gieo cấy đúng thời vụ và kỹ thuật. Tập trung nhân lực, phương tiện để hoàn thành cấp nước đổ ải và làm đất gieo cấy. Đối với mạ trà xuân sớm còn sống, nông dân cần cho nước vào ruộng, bón phân chuồng ủ mục, phân bón lá giàu vi lượng để cây nhanh chóng hồi phục; chủ động thay thế diện tích mạ già, xấu bằng gieo vãi các giống trà xuân muộn. Tăng cường mở rộng phương thức gieo thẳng để đẩy nhanh thời vụ. Kinh nghiệm cho thấy, diện tích lúa gieo thẳng sẽ cho năng suất cao hơn diện tích cấy mạ dược, đồng thời chi phí canh tác cũng thấp hơn. Bố trí gieo 2kg thóc giống/sào lúa gieo thẳng, tránh gieo quá dày. Đối với mạ dược, chỉ nên cấy 2-3 dảnh/khóm lúa để tiết kiệm mạ. Bón lót toàn bộ lượng phân hữu cơ, lân và 70% lượng đạm. Điều tiết nước đầy đủ, hợp lý và tiết kiệm, chú ý cho mực nước thấp ở khu đồng gieo vãi. Các cơ quan chức năng chủ động cung cấp nguồn nước cho thời kỳ tưới dưỡng lúa và triển khai phòng, trừ dịch hại đầu vụ xuân.

NINH TUÂN