Khắc phục khó khăn để gieo cấy lúa xuân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:13, 19/02/2011
Phục hồi sản xuất
Đợt rét đậm, rét hại tháng 1 vừa qua khiến 9,5ha lúa cấy ở bãi sông của xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) bị chết và ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng. Nhiều nông dân có diện tích canh tác ngoài bãi sông thường có tập quán cấy sớm trước lịch thời vụ. Khi con nước triều dâng cao vào đầu tháng 1, nông dân đã lấy nước vào ruộng làm đất và gieo cấy trà xuân sớm. Giai đoạn gieo cấy lại gặp đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhiều ruộng lúa bị chết, thui chột. Trong khi đó, diện tích lúa trong nội đồng cấy đúng lịch thời vụ (sau Lập xuân), không bị gặp rét nên đang bén rễ, hồi xanh. Ông Nguyễn Văn Tranh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết: “Xã đã vận động, tuyên truyền người dân cấy theo lịch thời vụ, nhưng tập quán cũ rất khó khắc phục ngay. Hiện nay, nông dân đang khẩn trương bừa lại ruộng, nhổ lúa bị chết để cấy thay thế. Đối với những ruộng có tỷ lệ lúa chết ít thì tỉa dặm thay thế, không để bỏ trống diện tích. Đợt rét cũng làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về việc phải cấy theo lịch thời vụ, không thể làm tùy tiện như trước nữa”.
|
Trên các cánh đồng của huyện Thanh Hà, nông dân đang tập trung gieo cấy lúa. Theo quan sát của chúng tôi, chất lượng mạ dược, mạ sân khá tốt, cây mạ xanh, đanh dảnh. Nhiều khu đồng đã rút nước để gieo thẳng lúa xuân. Chị Thanh Kim Huệ ở thôn Đông Phan, xã Tân An nói: Tuy một phần ruộng mạ bị chết rét nhưng gia đình tôi vẫn bố trí đủ nguồn mạ dược để gieo cấy ở chân ruộng trũng. Nếu thời tiết ấm chỉ vài ngày nữa tôi sẽ gieo cấy xong.
Trên cánh đồng thôn Đại Tân, phường Hoàng Tân (Chí Linh), anh Đoàn Văn Thiệp đang tranh thủ tháo nước và làm đất chuẩn bị gieo vãi mảnh ruộng gần 1 sào cho biết: “Do không có nước nên bây giờ tôi mới làm được đất. Trời rét đậm, rét hại kéo dài nên mạ dược đã gieo bị chết hết. Mấy hôm nay trời ấm dần, tôi mới ngâm thóc và chuyển sang gieo vãi toàn bộ diện tích cho kịp thời vụ”. Ngay bên cạnh là ruộng của chị Nguyễn Thị Na cũng vừa lấy được nước. Vụ này, gia đình chị cấy 6 sào. Cũng như nhà anh Thiệp, diện tích mạ dược của chị bị chết gần hết do rét đậm, rét hại. Số mạ còn lại không đủ cấy nên chị chuyển 3 sào sang gieo vãi và cấy mạ sân. Chị Na cho biết: Từ vụ sau, tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích sang gieo vãi và cấy mạ sân để chủ động nước và lịch thời vụ. Đồng thời, cấy bằng mạ sân và gieo vãi dễ chăm sóc hơn, năng suất cũng cao hơn cấy bằng mạ dược.
Ông Nguyễn Huy Điện, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Hoàng Tân cho biết: Địa phương có 300ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 250ha chuyên canh cây lúa, diện tích còn lại luân canh rau màu. Năm nào xã cũng gặp khó về nguồn nước để đổ ải và tưới dưỡng trong vụ chiêm xuân. Nước phục vụ sản xuất của xã lấy từ trạm bơm Đọ Xá và Bát Giáo cùng nguồn nước của 3 hồ, đập là Bến Tắm trong, Bến Tắm ngoài và Nghè Nấm. Thời gian qua, do mực nước trong các hồ, đập cạn kiệt nên khoảng 50ha của xã ở khu Đồng Tróc, Đại Bộ bị hạn cục bộ. Tuy nhiên, do chủ động trong các phương án phòng, chống hạn, từ ngày 15-2, thị xã đã bố trí 2 máy bơm dã chiến bơm cấp nguồn vào nội đồng. Đến hết ngày 17-2, những khu vực này cơ bản được cấp nước đầy đủ, bảo đảm gieo cấy đúng thời vụ. Vụ này, 80% diện tích của xã được cấy bằng mạ sân và gieo thẳng. Những diện tích không đủ nước, nông dân trong xã chuyển sang trồng lạc và các loại rau màu khác.
Theo Phòng Kinh tế thị xã Chí Linh, đến nay gần 5.000ha diện tích đất nông nghiệp của thị xã đã cơ bản hoàn thành việc đổ ải. Những xã phía nam đường 18 thuận lợi về nguồn nước nên việc cấp nước tương đối thuận lợi. Các xã Đồng Lạc, An Lạc, Tân Dân, Văn Đức... đã gieo cấy được khoảng 75% diện tích. Những xã Bắc đường 18 như: Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bắc An, Hoàng Hoa Thám... bị hạn cục bộ do mực nước trong các hồ, đập bị cạn kiệt. Tuy nhiên, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi thị xã đã huy động lực lượng nạo vét lòng hồ, đập và các kênh, mương dẫn nước. Sử dụng các máy bơm dã chiến bơm cấp nguồn cho những khu vực hạn nặng ở Hoàng Tân, Hoàng Tiến. Vì thế, đến hết ngày 17-2, toàn bộ diện tích của thị xã đã được cấp nước đầy đủ. Tranh thủ nguồn nước và thời tiết thuận lợi, nông dân thị xã đã xuống đồng gieo cấy được khoảng 75% diện tích, trong đó 80% diện tích được cấy bằng mạ sân và gieo thẳng.
Tập trung chăm sóc và bảo đảm nước tưới dưỡng
Đợt rét kéo dài tháng 1 vừa qua đã làm 186ha mạ trong toàn tỉnh bị chết, cơ cấu một số giống lúa bị thay đổi, thời vụ gieo cấy trà xuân sớm muộn hơn. Tuy vậy, đợt rét cũng góp phần làm thay đổi nhận thức, tập quán cấy sớm ở một số địa phương, phương thức gieo cấy có chuyển biến tích cực. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo nông dân nên cấy đúng lịch thời vụ, giảm diện tích trà xuân sớm, tăng diện tích trà xuân muộn. Nhưng thói quen cấy sớm, khâu điều tiết nước chưa hợp lý nên việc cấy sớm vẫn xảy ra. Diện tích lúa cấy sớm gặp năm có thời tiết ấm dễ làm đòng, trỗ bông sớm làm giảm mạnh năng suất; gặp năm thời tiết rét dễ bị thiệt hại nặng. Trong thời gian vừa qua, nông dân đã chủ động gieo mạ sân, gieo vãi để thay thế diện tích mạ dược bị chết, do vậy diện tích gieo thẳng và cấy mạ sân vụ xuân này sẽ cao hơn năm trước. Phương thức cấy mạ sân và gieo thẳng tốn ít công chăm sóc và thường cho năng suất cao hơn mạ dược.
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày hôm qua 18-2, toàn tỉnh đã gieo cấy được khoảng 50 nghìn héc-ta lúa, chiếm 80% tổng diện tích gieo cấy. Một số huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy là: Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện, Bình Giang. Riêng huyện Kinh Môn do nông dân còn đang thu hoạch hành vụ đông nên diện tích gieo cấy còn ít. Dự kiến đến ngày 25-2, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành cấy lúa xuân.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng và nông dân cần tập trung bảo đảm nước tưới dưỡng cho lúa, bón thúc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Phạm Nguyễn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh lưu ý: Do rét kéo dài nên ốc bươu vàng gây hại ít hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, vụ này nông dân cấy muộn hơn nên sẽ tập trung bón phân, chăm sóc, cùng với thời tiết ấm và đất được ải sẽ tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn lá gây hại mạnh. Bệnh đạo ôn lá sẽ là đối tượng dịch hại nguy hiểm nhất trong vụ lúa xuân này, khả năng phát sinh vào giữa tháng 3. Vì vậy, nông dân cần bón phân hợp lý, cân đối, tránh bón thừa đạm để hạn chế bệnh đạo ôn phát sinh, gây hại.
NINH TUÂN-VỊ THỦY