Bão giá đã nổi
Thị trường - Ngày đăng : 06:22, 19/02/2011
Sắt, thép đã được điều chỉnh tăng giá ngay từ ngày 11-2-2011 |
Ngay sau quyết định điều chỉnh giá USD tăng 9,3% từ ngày 11-2 của Ngân hàng Nhà nước, giá các loại hàng hóa trên thị trường có sự phản ứng dây chuyền, nhất là các mặt hàng nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Ngay lập tức giá ga, sắt, thép và nhiều mặt hàng hàng khác tăng giá theo.
Theo thông báo của nhiều cửa hàng kinh doanh ga, từ ngày 12-2, các loại ga đồng loạt tăng giá 17 nghìn đồng/bình 12kg. Trong khi trước đó ngày 1-2, giá ga bán lẻ đã được điều chỉnh giảm giá từ 22-25 nghìn đồng/bình 12kg. Như vậy, chỉ mới hơn 10 ngày công bố giảm giá, giá ga bán lẻ lại tiếp tục được điều chỉnh tăng. Theo các đại lý kinh doanh ga trên địa bàn TP Hải Dương, việc điều chỉnh giá bán ga ngay sau khi tỷ giá liên ngân hàng tăng là do lâu nay các doanh nghiệp kinh doanh ga thường hạch toán giá bán sản phẩm theo đúng tỷ giá niêm yết tại ngân hàng ở mức 19.500 đồng/USD nhưng trong thực tế các doanh nghiệp thường phải mua USD từ thị trường tự do với 21 nghìn đồng/USD, việc ngân hàng điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 9,3% đã đưa giá USD tại thị trường tự do tăng theo nên các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh giá bán. Lâu nay dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu, giá ga đều được tính bằng USD. Tiếp theo giá ga, giá sắt, thép cũng được điều chỉnh tăng từ 400-800 nghìn đồng/tấn.
Giá mặt hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu đã tăng ít nhất 10% |
Ngay sau khi tỷ giá USD tăng, các mặt hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu cũng rục rịch tăng giá. Những ngày gần đây, khách hàng đến mua các sản phẩm điện tử, điện lạnh tại Công ty TNHH Thương Mại và Văn hóa Đỗ Gia, đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) bất ngờ vì giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 10-20% so với trước đó hơn một tuần. Nhất là những sản phẩm nhập khẩu. Anh Nguyễn Mạnh Dần, nhân viên kinh doanh công ty cho biết: “Việc điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều doanh nghiệp và các cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh nhập khẩu. Theo tính toán, gần đây những mặt hàng này đã phải điều chỉnh tăng giá bán ít nhất 10% so với trước khi tăng tỷ giá. Ví dụ như ti-vi LCD trước ngày 11-2 được bán với giá 5,8 triệu đồng thì nay được bán với giá 6,3 triệu đồng; máy giặt Toshiba 7kg trước ngày 11-2 được bán với giá 3,9 triệu đồng nhưng gần đây đã nhích lên 4,3 triệu đồng”. Theo anh Dần, với giá USD như hiện nay, những sản phẩm điện tử, điện lạnh có giá bán từ 1.000 USD trở lên đã tăng ít nhất 200 nghìn đồng/sản phẩm so với trước. Giá USD tăng, doanh nghiệp phải tăng giá bán, nhưng bán với giá cao, lượng khách hàng chắc chắn sẽ giảm.
Nhạy cảm nhất với việc tăng tỷ giá là các sản phẩm ô-tô nhập ngoại. Anh Trần Trung Sơn ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) dự định mua một chiếc xe Civic 2.0 AT vào đầu năm 2011 khi giá thuế nhập khẩu ô-tô giảm nhưng việc điều chỉnh tỷ giá đã làm vỡ kế hoạch của anh. So với thị trường trước Tết Nguyên đán, mỗi USD từ ngày 11-2 đã tăng lên 500 đồng, theo đó giá các loại ô-tô nhập khẩu sẽ tăng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Các hãng sản xuất ô-tô trong nước như Toyota Việt Nam, Vidamco, Trường Hải... đều đã công bố tăng giá xe. Tại Salon ô-tô Thắng Thảo trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương), giá bán một chiếc ô-tô Corolla 1.8 AT so với trước Tết tăng thêm hơn 51 triệu đồng. Theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh ô-tô nhập khẩu, với việc điều chỉnh tỷ giá ở mức 9,3%, giá các dòng xe bình dân sẽ tăng từ 20-30 triệu đồng, các dòng xe hạng trung sẽ tăng 50-60 triệu đồng, dòng xe cao cấp có thể tăng đến mức 100 triệu đồng/xe. Nhiều mặt hàng điện tử khác như: máy ảnh kỹ thuật số, máy tính xách tay cũng đang trên đà tăng giá đáng kể. Giá các loại phụ kiện như tai nghe, thẻ nhớ, USB cũng tăng ít nhất 10% so với trước Tết.
Dự kiến thời gian tới, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng 18%, giá xăng cũng không loại trừ do quỹ bình ổn giá sắp cạn và thuế nhập khẩu xăng dầu đã được giảm tối đa xuống 0%. Nhiều người dân lo lắng trước thực trạng giá cả hàng hóa lại tiếp tục leo thang và một cơn “bão giá” mới sẽ bắt đầu từ tháng 3. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết: “Tôi vừa mua một chiếc máy giặt hiệu Elextroluc cửa ngang 7kg với giá 9 triệu đồng, so với trước Tết tôi đã phải bỏ thêm 500 nghìn đồng. Gần đây, thông tin tăng giá điện, giá ga và có khả năng tiếp theo là giá xăng khiến người dân chúng tôi không khỏi lo lắng. Không biết sắp tới cơn “bão giá” sẽ diễn biến như thế nào?”.
Không chỉ riêng người dân, những doanh nghiệp thương mại chuyên bán các mặt hàng nhập khẩu cũng không khỏi lo lắng bởi sắp tới, giá điện, giá xăng tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với người tiêu dùng, sức mua giảm khiến doanh thu của doanh nghiệp sẽ giảm.
Trước tình trạng nhiều mặt hàng tăng theo tỷ giá, thời gian tới, Sở Công thương cần phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, tránh tình trạng tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”. Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiếp tục kiểm tra về việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với các mặt hàng điện tử, điện lạnh, sữa và các mặt hàng thiết yếu khác...
LAN ANH
Giá các loại sữa tăng từ 10 - 18% Các chủ đại lý, cửa hàng kinh doanh mặt hàng sữa trên địa bàn TP Hải Dương cho biết, bắt đầu từ ngày 17-2, giá một số loại sữa bột và sữa nước được điều chỉnh tăng từ 10 - 18%. Nhãn sữa Pediasure loại 900g có giá bán 487 nghìn đồng/hộp, tăng 50 nghìn đồng/hộp; sữa Similac 2 có giá 204 nghìn đồng/hộp, tăng 21 nghìn đồng; các loại sữa Gain 1,2,3 và nhãn sữa Friso tăng trung bình 30 nghìn đồng/hộp. Các loại sữa nước của Nutifood tăng từ 216 nghìn đồng lên 240 nghìn đồng/thùng loại hộp 180ml; nhãn sữa Cô gái Hà Lan bán tăng thêm 10 nghìn đồng/thùng. Nguyên nhân giá các loại sữa tăng là do tỷ giá USD, giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá đường tăng, chi phí nhân công cũng tăng... |