Chuyện xưa, chưa cũ...
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 00:11, 20/02/2011
Chuyện về ông đồ có hoa tay viết chữ (nho) thuê mỗi khi Tết đến xuân về, rồi thời cuộc đổi thay, những nét chữ “phượng múa rồng bay” kia cứ mai một mất dần, chìm vào quên lãng … chắc nhiều người đều đã biết qua bài thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên. Bài thơ ra đời từ nửa đầu thế kỷ trước, hơn 50 năm qua nó vẫn nằm lòng người đọc, của nhiều thế hệ, có lẽ bởi những tư tưởng, tình cảm ấy chưa cũ. Có một câu nói: Tận cùng dân tộc là tận cùng thế giới. Quả vậy, bài thơ của Vũ Đình Liên đã thấm đẫm tận cùng nỗi buồn dân tộc. Nó chiếm được sự đồng cảm chia sẻ của gần như cả một cộng đồng. Xin hãy ngược dòng lịch sử, nhìn lại bối cảnh xã hội bài thơ ra đời. Đấy là những năm 30, 40 của thế kỷ 20. Lúc này chế độ thực dân Pháp đã đặt toàn bộ ách cai trị lên mảnh đất hình chữ S này. Theo đó, cùng với đời sống bị bóc lột, nền văn hoá cũng bị xâm thực. Đấy là cái thời “Thôi có làm chi cái chữ nho/ Ông nghè ông cống cũng nằm co" (Tú Xương). Ông đồ Vũ Đình Liên cũng không nằm ngoài vòng xoáy thời cuộc đó. Tất cả đã lùi vào dĩ vãng cái cảnh Tết đến:
" Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng
bay"
Giờ chỉ còn là cảnh:
" Nhưng mỗi năm mỗi
vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên
sầu”
Đây không chỉ đơn thuần là một nỗi buồn "sang trọng" khoác áo hoài niệm, cao hơn nó là nỗi tủi mất nước, chạm đến tận cùng hồn dân tộc. Chả thế mà cả tờ giấy, nghiên mực, cả chiếc lá, hạt mưa... dường như cũng đồng cảm, chia sẻ. Chỉ với hai câu thơ đầy tài hoa, khái quát, nhà thơ đã gói trọn nỗi buồn cả một thời cuộc, bao thế thái nhân tình, của lớp trí thức xưa. Và trên hết, nói cái buồn nuối cũ, cũng là để thể hiện một phản kháng với chế độ thực dân Pháp lúc đó, hoà vào phong trào “ bài Tây" của các nhà nho yêu nước. Để rồi từ đấy, nhà thơ đánh thức tinh thần dân tộc bằng hai câu thơ cảm thán:
"Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
Sau hơn nửa thế kỷ đọc lại "Ông đồ" trong bối cảnh đất nước đã hoàn toàn độc lập, tự do, đang từng ngày đổi mới đi lên, những giá trị văn hoá dân tộc đang ngày càng được bảo tồn, phát huy. Ngày nay dẫu chữ nho không còn dùng trong văn bản, nó vẫn được trân trọng như một tài sản văn hoá. Mỗi độ Tết đến, người ta vẫn thấy những “ông đồ" cho chữ. Xin một chủ "Tâm", chữ "Nhẫn"... như để thể hiện ước vọng gửi vào mùa xuân. Hồn dân tộc vẫn còn đây trong nét mực nho giấy điều. Dẫu rằng còn lúc chạnh lòng, ở đâu đó, cuộc sống hiện đại, con người bỏ qua, từ bút lông, bút sắt, bút máy… rồi bút bi và bây giờ là máy tính. Và họ bảo chữ nho là "hủ nho”. Tôi còn nghe thấy có người nói: Tết này tôi xin chữ "khẩu”, ý tôn thờ chủ nghĩa thực dụng. Thế mới biết, chuyện ông đồ trong bài thơ của Vũ Đình Liên, dẫu xưa, song chưa cũ!
Ông đồVŨ ĐÌNH LIÊNMỗi năm hoa đào nở |
NGUYỄN SIÊU VIỆT