Bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng: Ba bên cùng lợi

Thị trường - Ngày đăng : 13:08, 22/02/2011

Thông qua hình thức này, ngân hàng hạn chế rủi ro, phát triển thêm các dịch vụ thông qua khách hàng của công ty bảo hiểm; công ty bảo hiểm tăng thị phần; khách hàng khi vay vốn sẽ hạn chế rủi ro.


Khách hàng tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt nhân thọ Hải Dương


Để gia tăng tiện ích, đồng thời gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã không ngừng liên kết, hợp tác với các công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm cho khách hàng. Đây cũng là hình thức các doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn phát triển để tăng thị phần, mở rộng khách hàng. Sự hợp tác này không chỉ  mang lại lợi ích cho chính ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm mà người dân cũng được hưởng lợi.

Các công ty bảo hiểm như AIA, Prudential, Bảo Minh… đã ký kết hợp tác với các ngân hàng Sacombank, Vietcombank, ACB… để phân phối các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ thông qua chi nhánh ngân hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước. Các công ty bảo hiểm cung cấp và quản lý các sản phẩm bảo hiểm cho các cá nhân là khách hàng của ngân hàng. Hai bên sẽ cùng hợp tác phân phối các sản phẩm bảo hiểm tới các khách hàng. Tùy vào mỗi công ty bảo hiểm, các sản phẩm dịch vụ cũng khác nhau. Prudential phối hợp với Vietcombank phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bao gồm các dòng sản phẩm bảo hiểm trọn đời linh hoạt, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có hoàn phí, bảo hiểm tai nạn cá nhân dành cho người đi xe gắn máy tới các cá nhân là khách hàng hiện tại và tiềm năng của ngân hàng. Bảo Minh phối hợp Sacombank để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho Sacombank và khách hàng của ngân hàng. Đồng thời, Bảo Minh cũng sẽ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của Sacombank đến cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống của Bảo Minh; mở tài khoản thanh toán tại Sacombank và đầu tư vào ngân hàng thông qua các hình thức: gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác đầu tư, ủy thác cho vay… Bên cạnh đó, Bảo Minh cũng sẽ tiến hành các khóa đào tạo, tập huấn và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm của Bảo Minh cho các nhân viên của Sacombank…


Khách hàng đăng ký mua bảo hiểm tại Ngân hàng Sacombank Hải Dương


Không chỉ hợp tác với một ngân hàng, các công ty bảo hiểm còn hợp tác với nhiều ngân hàng khác nhau để mở rộng thị phần, tăng tính cạnh tranh;  ngược lại các ngân hàng cũng hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm. Đặc biệt, nhiều ngân hàng với lợi thế về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm lâu năm đã thành lập các công ty bảo hiểm để tận dụng tối đa các khách hàng trong hệ thống. Là một trong những ngân hàng sớm thành lập công ty bảo hiểm, năm 2005, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) được thành lập. Tại tỉnh ta, năm 2007, chi nhánh bảo hiểm BIC chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc BIC Hải Dương cho biết: Sau 4 năm, BIC Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hải Dương phát triển các sản phẩm liên kết ngân hàng - bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu trọn gói về tài chính và sức khỏe của khách hàng. Việc liên kết bán chéo sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm mang lại lợi ích cho cả 3 bên: ngân hàng, công ty bảo hiểm và khách hàng. Thông qua hình thức này, ngân hàng có được nguồn thu lớn từ dịch vụ, hạn chế rủi ro, phát triển thêm các dịch vụ khác của ngân hàng thông qua khách hàng của công ty bảo hiểm; còn các công ty bảo hiểm tăng thị phần, mở rộng khách hàng, đặc biệt là khách hàng khi vay vốn tại các ngân hàng sẽ hạn chế được rủi ro. Năm 2010, tổng doanh thu của BIC Hải Dương đạt gần 20 tỷ đồng, trong đó gần 50% doanh thu là khai thác qua ngân hàng.

Từ tháng 4 - 2009, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hải Dương cũng đã phối hợp với Công ty CP Bảo hiểm Agribank (ABIC) triển khai kênh phân phối sản phẩm kết hợp ngân hàng - bảo hiểm với sản phẩm bảo an tín dụng. Sau gần 2 năm triển khai mô hình bán chéo sản phẩm, đến nay, phía ngân hàng và bảo hiểm đều thu được những lợi nhuận đáng kể. Bà Đồng Thị Thảnh, Giám đốc Agribank Hải Dương cho biết: Dư nợ tín dụng tại khu vực nông nghiệp, nông thôn của chi nhánh lên tới hơn 70%. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực chịu nhiều rủi ro do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh nên việc bảo hiểm cho các khách hàng của ngân hàng thực sự là việc rất cần thiết. Đặc biệt, ý nghĩa lớn nhất của sản phẩm là hướng được tới thị trường nông nghiệp, nông thôn, một thị trường mà hiện còn rất ít doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm. Được biết, đến nay, sau gần 2 năm phối hợp triển khai bán chéo sản phẩm, ABIC Hải Dương đã phát triển được hơn 1 vạn khách hàng. Gần chục trường hợp xảy ra rủi ro, tử vong đều đã được ABIC Hải Dương bồi thường kịp thời, giúp khách hàng sớm vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất…

Nhận định về xu thế liên kết bán chéo sản phẩm giữa ngân hàng với các công ty bảo hiểm, ông Nguyễn Văn Lực, Giám đốc BIC Hải Dương cho rằng thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Bán chéo sản phẩm ngân hàng, bảo hiểm mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho khách hàng.

HÀ VY