Ổn định tỷ giá: Chờ tín hiệu từ cơ quan quản lý
Thị trường - Ngày đăng : 21:18, 22/02/2011
Doanh nghiệp đang lo lắng, bởi nếu giá USD trên thị trường tự do tiếp tăng cao sẽ lại một lần nữa gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thị trường đang cần một chính sách mạnh, rõ ràng của cơ quan quản lý.
Việc điều chỉnh tỷ giá USD ngày 11-2 vừa qua được xem là mạnh nhất từ trước đến nay, với nhận định mang đến nhiều tác động lạc quan hơn cho nền kinh tế như thị trường chứng khoán hay với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, cả chuyên gia và doanh nghiệp vẫn đang lo lắng, bởi nếu giá USD trên thị trường tự do tăng cao sẽ lại một lần nữa gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Giá đô la trên thị trường tự do vẫn cao hơn giá liên ngân hàng hơn 1.000 đồng/USD
Kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước trong đợt điều chỉnh tỷ giá lần này là xóa bỏ tình trạng "hai giá" tồn tại giữa ngân hàng và thị trường tự do. Tuy nhiên, sự mừng vui không kéo dài được lâu, bởi thực tế mấy ngày gần đây, sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Trung ương, đô la thị trường tự do vẫn trên đà leo thang, mặc cho giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ ở mức "trần" quy định, thậm chí còn giảm.
Ngày 22-2, Vietcombank niêm yết giá mua vào ở mức 20.790 đồng/USD và bán ra 20.890 đồng/USD; tại Eximbank, giá mua 20.870 đồng/USD và bán ra ở mức 20.890 đồng/USD; tại VietinBank là 20.880 đồng/USD (mua vào) và 20.890 đồng/USD (bán ra). Còn tại thị trường tự do, ngày 22-2, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá bán ở mức 22.100 đồng/USD và chiều mua là 22.020 đồng/USD.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu hiện đang rất lo lắng nếu như giá USD trên thị trường tự do vẫn tiếp tục tăng. Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Aprocimex tỏ ra lo ngại nếu như tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục leo thang quá nhiều mà các cơ quan chức năng chưa thể can thiệp. Ông đưa ra ví dụ, doanh nghiệp mua USD với giá 21.500 VNĐ/USD nhưng chỉ được chấp nhận thanh toán là 20.600 VNĐ/USD. Như vậy, cứ 1 triệu USD giao dịch lại phải "biến báo" thanh toán cho 900 triệu VNĐ. "Tính minh bạch thanh toán mất đi, rủi ro trong hệ thống tài chính kế toán doanh nghiệp tăng lên. Nếu cứ tiếp tục tồn tại những bất cập như vậy thì khi đổ bể, hậu quả rất lớn", ông Lý băn khoăn.
Theo TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính), vào thời điểm hiện nay, thị trường ngoại tệ đang rất cần tín hiệu phát đi từ phía Ngân hàng Nhà nước để ổn định tâm lý, tránh kỳ vọng tăng giá của USD. “Nếu để tình trạng này tiếp diễn thì tình trạng găm giữ ngoại tệ có khả năng quay trở lại,” ông Ánh nhận định.
Cần có chính sách đồng bộ
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều chỉnh lần này đúng thị trường nhưng về dài hạn phải bám sát chặt hai mục tiêu: Kéo lạm phát xuống và tăng được năng lực sản xuất, giảm nhập siêu. Ông Kiêm cho rằng, các chính sách tiền tệ như tỷ giá, lãi suất thật ra có liên hệ với nhau chặt chẽ. Do vậy, cần phải tập trung chống lạm phát trước. "Các chính sách khác như lãi suất phải rất linh hoạt theo mục tiêu đó. Nhà nước nói phải đi đôi với làm, nói giữ ổn định vĩ mô, chống lạm phát hàng đầu thì hành động phải cho người dân thấy rõ điều đó", ông Kiêm nhấn mạnh. Kinh nghiệm từ ngay năm 2010 cho thấy, khi điều chỉnh tỷ giá, ngân hàng làm trước, các bộ, ngành khác không có chính sách đi kèm, thống nhất đã tạo sự hỗn loạn về tỷ giá, giá vàng.
Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc giảm giá đồng tiền sẽ gây sức ép đến lạm phát. Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% thì làm tăng lạm phát khoảng 0,1%. Trước những tác động trên, ông Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có thông điệp rõ ràng, nhất quán về ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện kiên quyết việc thắt chặt tiền tệ cũng như chính sách tài khóa nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tăng hiệu quả chi tiêu công; có những phối hợp chính sách thật kịp thời, chặt chẽ để kỳ vọng ổn định kinh tế vĩ mô dần trở lại, lạm phát được kéo xuống.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách nghiêm khắc với ngân hàng thương mại. Phân tích về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại được kinh doanh ngoại tệ theo trạng thái nên việc đầu cơ trong ngân hàng có thể xảy ra và tình trạng hai tỷ giá tất yếu cũng sẽ còn tồn tại.
(Nguồn: TTXVN)