Chùa Hòa

Di tích - Ngày đăng : 22:06, 26/02/2011

Chùa tọa lạc trong một khuôn viên rộng gần 3.000 m2, được thế “tiềnthuỷ, hậu sơn”. Phía trước là một hồ nước rộng gần 2 héc-ta, quanh nămsóng nước lăn tăn...

Đó là ngôi chùa ở làng Ngọc Hoà, xã Vĩnh Hoà (Ninh Giang). Chùa có tên chữ là “Hưng Long Thiền Tự”. Dân trong vùng thường gọi là Chùa Hoà. Theo bia ký dựng tại tam quan trước cửa chùa, thì Hưng Long Thiền Tự được khởi dựng vào thời hậu Lê, thế kỷ XVII, tính đến nay đã được gần 400 năm.



Chùa tọa lạc trong một khuôn viên rộng gần 3.000 m2, được thế “tiền thuỷ, hậu sơn”. Phía trước là một hồ nước rộng gần 2 héc-ta, quanh năm sóng nước lăn tăn. Phía sau là một gò đất, trên đó có Văn chỉ, thờ Khổng tử và các nho sĩ trong làng.

Kiến trúc chùa gồm nhiều hạng mục: Ngôi chính điện, nhà thờ tổ, tam quan, nhà ở của tăng ni. Trải gần bốn thế kỷ, trong điều kiện đất nước nhiều năm có chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt, chùa đã nhiều lần phải trùng tu, sửa chữa. Một số hạng mục thậm chí đã bị phá huỷ hoàn toàn. May thay, riêng nhà chính điện lại được giữ hầu như còn nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa. Nhà chính điện xây theo hình chữ công, gồm năm gian tiền đường, ba gian ống mống và ba gian thượng điện. Hệ thống cột, xà, chồng cốn, đòn tay, dui… đều bằng gỗ lim lên mầu đen óng, nhiều chỗ trạm trổ rất tinh vi. Trong đợt sửa chữa năm Giáp Thân (1944), sư trụ trì Thích Thanh Hiệt (tức cụ sư Đào) đã thay hàng cột tiền, hàng cột hiên và ngưỡng cửa bằng đá. Việc thay thế đó càng làm tăng thêm dáng vẻ vững chãi và cổ kính của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.

Đặc biệt, trong chính điện chùa, các hoành phi, câu đối, cửa võng, bàn thờ và tượng Phật… hầu như còn giữ được nguyên vẹn như khi mới xây dựng. Sở dĩ ngôi chùa còn bảo tồn được như vậy là nhờ sự bảo vệ tích cực của nhân dân cùng các tăng ni, phật tử. Khi giặc Pháp tái chiếm, tàn phá quê hương (1949-1954), tượng Phật và nhiều đồ khí tự trong chùa đã được nhân dân cùng các tăng ni, phật tử đem phân tán, cất giữ rồi lại trả về chùa đầy đủ khi quê hương được giải phóng. Năm Bính Tý (1996) những người con của quê hương đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội đã phát tâm công đức thuê thợ về tô lại tượng và các đồ khí tự.

Ngoài ngôi chính điện, từ năm 2004 đến nay, được sự ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân trong xã cùng khách thập phương, nhà sư trụ trì Thích Tuệ Nhật đã mở mang xây dựng thêm được nhiều hạng mục mới, như hai mươi lăm gian nhà thờ tổ, thờ mẫu và nhà ở cho tăng ni, làm đường bê tông vào chùa, lát gạch hàng trăm m2 sân... Nhờ vậy, ngôi chùa không những vẫn giữ được nét cổ kính xưa mà còn thêm rộng rãi, khang trang.

Chùa Hoà uy nghi tồn tại gần bốn thế kỷ, đã chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương, đất nước, là nơi gửi gắm ước vọng của biết bao phật tử gần xa, là nét văn hóa sâu đậm không phai mờ trong ký ức của mỗi người dân nơi đây.

Chùa Hoà cũng đã từng là nơi che chở cho cán bộ Việt Minh, du kích, bộ đội hoạt động trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Trong vườn chùa, ngoài bốn ngôi tháp, nơi yên nghỉ của bốn nhà sư trụ trì, còn có lăng mộ của nhà sư - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - Đàm Tử Đàm Nhậm, người đã nuôi một người con và đã cống hiến cho Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tháng 10-2010, chùa Hòa đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.


NGUYỄN NGỌC ẢNH