Phượng Hoàng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:16, 02/03/2011

Thực hiện tốt đề án chuyển đổi cây trồng, nông dân xã Phượng Hoàng đã mạnh dạn loại bỏ những diện tích trồng vải kém hiệu quả sang trồng các loại cây quất, ổi, chuốt cho hiệu quả kinh tế cao hơn…


Ông Trư
ơng Quang Lục ở thôn Đò Sỹ, là người tiêu biểu trong phong trào chuyển đổi cây trồng

Xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) có 566 ha đất canh tác, trong đó hơn 280 ha chuyên cấy lúa, còn lại là diện tích trồng màu và các loại cây ăn quả khác. Những năm trước đây, diện tích này được người dân trồng vải. Nhưng do chuyển đổi ồ ạt nên hiệu quả không cao. Trước tình trạng trên, UBND xã đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ vải sang trồng các loại cây ăn quả ngắn ngày khác. Để thực hiện đề án có hiệu quả, UBND xã cử cán bộ xã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở huyện Gia Lộc, các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh... Ngoài ra, xã còn giao cho các  tổ chức đoàn thể phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật... tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, nhằm trang bị cho nông dân những kiến thức cơ bản để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, xã tiến hành quy hoạch mỗi thôn một khu chuyển đổi; khuyến khích nông dân đổi đất cho nhau để mở rộng diện tích, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý, chăm sóc.

Tuy xã đã tạo điều kiện thuận lợi như vậy nhưng người dân Phượng Hoàng vẫn còn e dè vì chưa rõ hiệu quả kinh tế do chuyển đổi mang lại ra sao. Trước tình trạng trên, xã đã ra nghị quyết, cán bộ xã, đảng viên, lãnh đạo các tổ chức hội làm gương cho nhân dân noi theo. Xã chỉ đạo thôn Đò Sỹ đi đầu trong chuyển đổi. Thôn Đò Sỹ có trên 37 ha đất canh tác. Từ lâu, người dân nơi đây không cấy lúa mà chuyên trồng vải và các loại hoa màu khác. Người dân trong thôn chịu khó tìm tòi, đưa nhiều loại cây mới vào sản xuất vì vậy khi xã có chủ trương thì họ hưởng ứng nhiệt tình. Qua tìm hiểu thực tế, bà con đã chọn cây quất, cây ổi làm cây chủ đạo, thay thế hoàn toàn diện tích vải. Trong thôn đã xuất hiện những người làm kinh tế tiêu biểu như ông Lưu Công Xứng, Nguyễn Đức Thường... có vài ha ổi, quất, cho thu hoạch từ 300 - 400 triệu đồng/ năm.

Từ thôn Đò Sỹ, phong trào chuyển đổi bắt đầu lan sang các thôn khác. Đến nay, nhân dân trong xã đã chuyển được 224 ha sang trồng ổi và quất. Mỗi năm, người dân thu bình quân từ 150-200 triệu đồng/ha chuyển đổi.

Nông dân trong xã đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, hiệu quả của cây trồng. Đặc biệt nhất là việc thay đổi thời vụ của ổi và quất. Nông dân cho quất ra hoa và thu hoạch rộ vào khoảng tháng 3; ổi thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Giá thường cao gấp từ 1,5-2 lần so với chính vụ. Các giống cũ cũng được thay thế bằng các giống mới, như thay quất ngốc bằng quất lùn, quất bột; trồng ổi bo vừa thơm, vừa ngọt, trọng lượng có thể đạt từ 1,2- 1,5 kg/quả đầu vụ. Trong xã đã có những người chuyên trồng và lai tạo cây giống cung cấp cho nhân dân trong xã như các ông Phùng Văn Xế, Phùng Văn Số... 

Không chỉ chuyển đổi trong đồng, diện tích đất ngoài bãi cũng được người dân lựa chọn nhiều cây trồng cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ngoài cấy lúa, người dân còn trồng dưa hấu, cà rốt, trồng dâu, sắn dây, chuối... cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm.

Ông Phạm Hữu Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng cho biết, nhờ sự nhạy bén trong chỉ đạo, sự năng động, dám nghĩ, dám làm của người dân, xã Phượng Hoàng đã đạt được những kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả của các cây trồng mới cao hơn từ 3-4 lần so với trước đây. Hiện nay, trong xã đã có một vài hộ đưa cây gừng và tỏi trồng xen trong vườn quất, ổi; 1 sào gừng cho thu 19-20 triệu đồng. Trong thời gian tới xã có chủ trương khuyến khích nhân dân mở rộng mô hình này.

Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân trong xã được nâng cao đáng kể. Đến nay, 100% số hộ dân được sử dụng điện thắp sáng, 85% số dân trong xã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ đường làng, ngõ xóm bê-tông hóa đạt 90%. Các thôn đều có nhà văn hóa, sân luyện tập thể thao, câu lạc bộ thơ ca, đội văn nghệ...

HẠNH HOA