Gặp những lao động trở về từ Libya

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:15, 03/03/2011

“Kinh hoàng, lo sợ”, đó là những gì mà những lao động Việt Nam đã trải qua ở Libya những ngày qua. Đối với họ không sung sướng nào bằng khi được trở về nhà an toàn... nhưng trước mắt họ cũng còn bộn bề khó khăn.


Gia đình vui mừng trước sự trở về của anh Phạm Văn Thắng (thứ ba từ trái)


Chưa hết kinh hoàng


21 giờ ngày 27-2-2011, niềm vui vỡ òa tại nhà cô Mạc Thị Thuần ở xóm Quang Trung 1, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) khi anh con trai Lê Văn Hưng (sinh năm 1988) đi lao động Libya trở về. Niềm vui sướng tuôn trào cùng nước mắt. Sáng 1-2, khi chúng tôi đến thăm, nom bộ dạng anh Hưng còn mệt sau những ngày lưu tán ở nước ngoài. Bế trên tay đứa con nhỏ, anh cho biết: “Hai ngày nay em ngủ suốt nhưng vẫn thấy người đau ê ẩm. Về được đến nhà mới biết mình còn sống. Cực khổ đủ đường, song còn may mắn hơn nhiều người đang mắc kẹt”. Anh Hưng vừa mới sang Libya ngày 14-2-2011, làm việc chưa được 4 ngày thì xảy ra bạo loạn. Trong quá trình trở về, anh đã phải sống trong một khu lán trại nhỏ, sau đó được di tản tới khu vực gần sân bay Tripoli (Tri-pô-li) để làm thủ tục xuất cảnh. “Thời gian chờ xuất cảnh, em cùng nhiều lao động Việt Nam phải nhịn đói vì không có đồ ăn, nước uống”, anh Hưng nhớ lại. Cách duy nhất lao động Việt Nam liên lạc với người thân ở nhà là điện thoại, song có nơi bị cấm sử dụng, phải nộp điện thoại. Cô Mạc Thị Thuần cho biết thêm: “Những ngày qua xem ti-vi, nghe đài đưa tin Libya khủng hoảng về chính trị, cả nhà ai cũng lo lắng, suốt ngày điện thoại hỏi tin tức. Nhiều khi bưng bát cơm nước mắt cứ ứa ra”.

Đi cùng đợt với anh Hưng còn có cậu em vợ là Nguyễn Văn Thủy ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Hai anh em Hưng và Thủy ký hợp đồng với Công ty Sona sang làm công nhân xây dựng tại sân bay quốc tế Tripoli với mức lương 250 USD/tháng, thời hạn hợp đồng 1 năm. Chủ sử dụng lao động là người Brazil (Bra-xin). Khi chúng tôi đến, anh Thủy cũng vừa ngủ dậy sau 2 đêm thức trắng. “Làm được 4 ngày thì chúng em bị chủ cho nghỉ việc và yêu cầu ở nguyên trong trại”, Thủy kể. “Mặc dù bạo loạn chưa tràn tới sân bay, song qua điện thoại, anh em công nhân ở các nơi khác cho biết, người biểu tình đã tràn vào các công ty đập phá đồ đạc, cướp bóc tài sản. Ngày 25-2, hơn 100 người Việt Nam chúng em được lệnh tập trung ra sân bay về nước. Cùng tập trung tại đây cũng có rất nhiều các lao động người Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... Suốt đêm đó, chúng em phải nhịn đói và ngồi đợi dưới trời mưa rét. Tâm trạng vô cùng hoang mang, lo sợ. Ở bên ngoài, người biểu tình ném gạch đá vào trong sân bay. Khắp Thủ đô Tripoli ì ùng tiếng súng. Cuối cùng chúng em cũng được đưa lên máy bay tới Malta (Man-ta). Trước khi lên máy bay, tất cả được yêu cầu vứt bỏ lại hành lý”. Tới Malta, mọi người được nghỉ ngơi ăn uống. Sau đó đoàn của Thủy được nhập với mấy trăm lao động Việt Nam đã ở đó lên máy bay của hãng hàng không Italia (I-ta-li-a), chiều 27-2 thì về đến sân bay Nội Bài.

Cùng về nước với các anh Hưng, Thủy đợt này có anh Nguyễn Văn Thưởng ở thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc (Kim Thành). Thưởng sang Libya ngày 17-1-2011 và được xếp làm công nhân mộc cũng ở công trường 1 sân bay Tripoli. Nhớ lại những ngày kinh hoàng, Thưởng cho biết: “Ban ngày Tripoli yên tĩnh song ban đêm khắp nơi vang tiếng súng. Người biểu tình kéo đến đập phá, cướp bóc, nhiều lao động Việt Nam phải bỏ trốn vào sa mạc”. Về đến Việt Nam, đoàn của Thưởng được Công ty Sona đón về nghỉ ngơi, nhận tiền hỗ trợ 1,3 triệu đồng/lao động (Quỹ hỗ trợ lao động việc làm ngoài nước- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ 1 triệu đồng, Công ty Sona hỗ trợ 300 nghìn đồng).

Còn đó những nỗi lo


Bác Nguyễn Sỹ Quân cùng người thân trong gia đình đang hằng ngày ngóng chờ tin con

Trái ngược với niềm vui của những gia đình trên, không ít gia đình hiện đang sống trong cảnh lo âu, không có tin tức của người thân. Mấy ngày nay, các thành viên trong gia đình bác Nguyễn Sỹ Quân ở xóm Đoàn Kết, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) đứng ngồi không yên khi con trai Nguyễn Văn Quận đi Libya tháng 8-2010 hiện vẫn còn đang lưu lạc, chưa trở về Việt Nam. Bác Quân cho biết: “Gia đình tôi thường xuyên điện thoại cho cháu nhưng hiếm hoi lắm mới liên lạc được. Từ tối hôm qua tới nay thì mất liên lạc hẳn nên ai cũng lo lắng. Mỗi khi tiếng chuông điện thoại đổ, mọi người lại bật dậy”. Cùng chung tâm trạng, ông Bùi Văn Doanh ở xóm Chợ, xã Tiền Tiến (Thanh Hà), bố của lao động Bùi Văn Cường vừa sang Libya được 2 tháng, mấy ngày nay tôi không dám rời khỏi máy điện thoại. Vợ ông đến các gia đình có con em trở về hỏi tin tức của con.

Những người may mắn về nước đang phải đối mặt với không ít vấn đề, trong đó có nợ nần. Anh Phạm Văn Thắng ở xóm Đoàn Kết, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) học xong cấp 2, vì hoàn cảnh khó khăn nên nghỉ học, đi làm nhiều nghề để kiếm sống phụ giúp gia đình. Đầu năm 2010, anh bàn với vợ vay người thân hơn 30 triệu đồng để đi lao động ở Libya, hy vọng sau một vài năm sẽ có chút vốn liếng. Sau 5 tháng, anh gửi về gia đình được hơn 30 triệu đồng. “Đến nay, tôi vẫn còn nợ hơn 10 triệu đồng, không biết lấy gì trả”, anh Thắng ngậm ngùi. Trong ngôi nhà hai gian nhỏ xíu xây đã mấy năm chưa được vôi ve, gương mặt vợ chồng Nguyễn Văn Thưởng hằn rõ nỗi khổ tâm: “Vợ chồng em phải thế chấp sổ đỏ vay tín dụng 50 triệu đồng để đi lao động. Bây giờ trắng tay, tới đây chỉ biết đi làm thuê lấy tiền trả nợ thôi”. Khó khăn nhất là gia đình anh Thủy: Bố đẻ bị mù, chị gái mắc bệnh tâm thần từ nhỏ, gia đình nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Để có tiền cho anh đi lao động Libya, gia đình phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 35 triệu đồng với lãi suất 19%/năm. Cảnh nghèo, bây giờ ôm thêm nợ càng túng quẫn. “Chúng tôi khẩn thiết mong Nhà nước, các bên liên quan hỗ trợ để gia đình bớt thiệt thòi. Còn các lao động trở về được quan tâm tạo việc làm để sớm ổn định cuộc sống”, ông Ngôn đề nghị.

NGỌC HÙNG - MINH MẪN

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 10.000 lao động đang làm việc tại Libya, trong đó có 803 lao động của tỉnh Hải Dương.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương ngày 2-3 cho biết, đã và đang liên lạc, phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các cơ quan có liên quan, các địa phương trong tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiệnviệc tiếp nhận, đưa đón người lao động về địa phương và gia đình; sẽ tham mưu với tỉnh có biện pháp tạo điều kiện cho các lao động từ Libya trở về ổn định cuộc sống.