Khống chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát
Thị trường - Ngày đăng : 09:26, 08/03/2011
Khống chế tăng trưởng tín dụng đồng thời thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động... là những biện pháp mạnh nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...
Giảm dư nợ tín dụng xuống dưới 20% là mục tiêu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nhằm góp phần kiềm chế lạm phát. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV Hải Dương |
Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, các tổ chức tín dụng trong tỉnh đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 11 của Chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khống chế lãi suất huy động vốn, giảm dư nợ tín dụng, nhất là dư nợ tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng… Bà Nguyễn Thị Bài, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Để kiềm chế lạm phát, một trong những giải pháp quan trọng mà Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đưa ra đó là kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiểm soát rủi ro và phát triển công nghệ, dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại. Đẩy mạnh phát triển khách hàng, thu hút tối đa mọi nguồn vốn nhàn rỗi trong các tổ chức, dân cư. Tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ, thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với các giải pháp huy động vốn tại chỗ, các tổ chức tín dụng căn cứ kế hoạch kinh doanh xây dựng từ đầu năm để điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, chú ý tăng tỷ trọng dư nợ trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh, giảm dư nợ cho vay bất động sản, chứng khoán. Chú trọng cho vay các dự án có hiệu quả, có khả năng trả nợ cao. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án. Thực hiện cho vay ngoại tệ để các đơn vị nhập khẩu nhập các mặt hàng thiết yếu, máy móc phục vụ sản xuất trong nước…
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hải Dương, trong bối cảnh lạm phát xuất hiện và có áp lực tăng cao như hiện nay thì chính sách tiền tệ là một trong những chính sách quan trọng nhất mà Chính phủ đưa ra. Và để hút được nguồn tiền trong lưu thông về các ngân hàng thì lãi suất huy động phải cao. Lãi suất huy động ở mức 14%/năm như hiện nay là tương đối phù hợp, có lợi đối với người gửi tiền. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tiền tệ, thận trọng trong đầu tư tín dụng cũng là biện pháp hết sức quan trọng, điều này buộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phải tính toán cẩn thận để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải. Ông Tuấn cũng cho biết: Nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ngày 2- 3, BIDV Hải Dương đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp tín dụng lớn, đề nghị các doanh nghiệp cân đối lại các dự án đầu tư, tập trung nguồn vốn vào các dự án thực sự cần thiết, có hiệu quả cao. Đối với một số hợp đồng tín dụng đã ký từ cuối năm 2010 và đến năm 2011 mới giải ngân nguồn vốn, BIDV Hải Dương cũng cân nhắc thận trọng, giảm đầu tư đến mức tối đa. Bên cạnh đó, BIDV kiên quyết từ chối các dự án thiếu tính khả thi, khả năng sản phẩm cạnh tranh thấp trên thị trường và đặc biệt là các món vay kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng. Cũng theo ông Tuấn, BIDV Hải Dương phấn đấu mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 sẽ không vượt quá 19%.
Bà Đồng Thị Thảnh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Hải Dương cho biết: Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, trên cơ sở điều hành chỉ đạo của Agribank Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Agribank Hải Dương đã có văn bản gửi tất cả chi nhánh, phòng, điểm giao dịch trên địa bàn, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của ngành, đơn vị, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Agribank Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, giảm các chi phí không cần thiết, hạn chế đầu tư công, đặc biệt là toàn đơn vị nghiêm túc thực hiện giảm tăng trưởng dư nợ tín dụng từ mức 15% theo kế hoạch ban đầu xuống còn 13%. Tập trung cho vay khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, hạn chế cho vay tiêu dùng, kinh doanh bất động sản theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước…
Bên cạnh BIDV Hải Dương, Agribank Hải Dương, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank Hải Dương, Vietinbank Hải Dương, SeaBank Hải Dương… cũng đã có những kế hoạch cụ thể trong cơ cấu, điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế, cân đối lại các khoản vay của khách hàng, sàng lọc và lựa chọn các dự án thực sự hiệu quả, có tính khả thi cao mới chấp thuận đầu tư.
Nỗ lực thực hiện các chính sách tiền tệ, góp phần kiềm chế lạm phát là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Có thể thấy các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã và đang đi đầu trong thực hiện các giải pháp, tuy nhiên, với vai trò quan trọng, hệ thống ngân hàng cần tích cực hơn nữa trong thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát.
HÀ VY