Cử nhân CNTT làm giàu trên vùng đất bãi

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:35, 13/03/2011

Có tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin trong tay nhưng Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1979 ở thôn Nội Hợp, xã Lê Ninh (Kinh Môn) lại quyết định về quê thuê đất làm ruộng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người...


Anh Minh lái máy cày làm đất trồng lạc

Đa số thanh niên ở nông thôn đều cố gắng vươn lên để thoát ly khỏi cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mà bao đời cha, ông họ đã trải qua. Đó cũng là cách để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1979 ở thôn Nội Hợp, xã Lê Ninh (Kinh Môn), lại có suy nghĩ khác. Sau những tháng năm miệt mài đèn sách, nhưng khi có được tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin và đã từng làm việc hơn 6 năm ở Hà Nội, anh lại quyết định về quê thuê đất làm ruộng trước sự ngỡ ngàng của người dân trong thôn, ngoài xã. Và bước đầu anh đã thành công.

Bỏ phố về làng

Cái lạnh cùng với mưa xuân đã không ngăn nổi sự háo hức của tôi khi tìm về với những thửa ruộng “đẹp tựa tranh vẽ” theo như lời giới thiệu của bạn tôi về những mảnh ruộng của anh. Sau nhiều lần hỏi đường, cuối cùng tôi cũng tìm được tới khu bãi ngoài đê Ninh Xá, xã Lê Ninh. Trước mắt tôi là cánh đồng rộng mênh mông với bạt ngàn màu xanh của cà rốt, chuối, đu đủ. Đón tôi là một thanh niên với cặp kính cận, trông anh đặc vẻ trí thức. Minh nói như thanh minh: “Biết anh đến nhưng tôi không ra đón được vì đang dở lái máy để cày nốt thửa ruộng cho kịp xuống giống lạc xuân”.

Bên ấm trà nóng, Minh kể: "Sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học dân lập Phương Đông (Hà Nội), năm 2001 tôi được nhận vào làm việc cho bộ phận khảo sát địa hình của Công ty Tư vấn xây dựng điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng. Đến năm 2007, tôi được chuyển về bộ phận văn phòng của công ty. Thời gian làm việc tại văn phòng cũng là lúc tôi có điều kiện lên mạng. Qua đó, tôi được đọc rất nhiều thông tin về các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả. Từ đây, tôi đã nhen nhóm ý định về quê thuê đất để làm trang trại". Để hiện thực hóa ý tưởng, Minh đã về quê và khảo sát những vùng đất bãi ngoài đê Kinh Môn để đặt vấn đề thuê đất. Anh nhận thấy vùng đất bãi Ninh Xá màu mỡ, đất lại cao rất thuận lợi cho việc lập trang trại chăn nuôi đà điểu. Khi ấy, khu đất đang để hoang cho cỏ mọc vì bà con nông dân không còn mặn mà với cây dâu con tằm nữa. Từ tháng 3 - 2010, sau khi được UBND xã cho thuê 9,5 ha đất, Minh đã bắt tay vào thực hiện dự án của mình.

Thành công ban đầu

Sau khi có đất, Minh định chăn nuôi đà điểu nhưng anh nhận thấy thị trường đầu ra chưa thực sự chắc chắn. Do đó, anh đã quyết định “lấy ngắn, nuôi dài”. Đó là biến khu đất cỏ mọc này thành cánh đồng trồng những cây ngắn ngày như: ngô, đậu tương. Với suy nghĩ khoa học của chàng cử nhân công nghệ thông tin, cùng với số vốn gần 300 triệu đồng mà vợ chồng anh tích lũy được, anh tập trung vào việc quy hoạch cho “cánh đồng”. Ban đầu, anh thuê máy cày, lật tung những gốc dâu để lấy mặt bằng cho sản xuất. Tiếp đó anh đắp bờ vùng xung quanh, bên trên trồng chuối tây, đu đủ. Đầu tư máy bơm nước, đào đắp mương máng để tưới tiêu. Tổng đầu tư mất 70 triệu đồng. Tiếp đó, anh đầu tư giống, thuê người làm để xuống giống ngô, đậu tương.

Những ngày đầu, trong khi vẫn còn làm việc ở công ty, cứ chiều thứ 6 anh lại phóng xe về quê, không kịp nghỉ ngơi, Minh lại “lao vào đất”. Đến chiều chủ nhật anh lại lên Hà Nội. Anh cứ đi đi, về về như thế suốt 6 tháng trời. Đến tận tháng 10 - 2010, anh mới xin nghỉ việc ở công ty để toàn tâm, toàn ý cho đồng ruộng. Đất như chẳng phụ công người, ngay vụ đầu tiên, anh thu hoạch từ ngô, đậu tương được gần 100 triệu đồng. Chưa hài lòng, Nguyễn Văn Minh tiếp tục đi tìm kiếm các mô hình làm ăn hiệu quả khác. Anh đã tìm đến vùng cà rốt Đức Chính. Thấy cây cà rốt hiệu quả cao, anh Minh đã cho người Đức Chính thuê 1 ha để họ vừa trồng vừa hướng dẫn kỹ thuật và giúp anh cùng trồng 7 mẫu cà rốt. “Khi người Đức Chính về đây, họ đã dạy tôi nào là cách làm luống, hệ thống ống nhựa để tưới cho cà rốt. Tôi vừa làm, vừa học. Đến nay, tôi đã thông thạo kỹ thuật trồng cà rốt rồi” - anh Minh cho biết thêm. Tháng 1 vừa qua, anh Minh đã thu hoạch xong 1,5 mẫu cà rốt được hơn 50 triệu đồng. Hiện anh còn 5,5 mẫu đang bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến năng suất đạt khoảng 2 tấn/sào, với giá bán 3.000 đồng/kg, anh Minh sẽ thu về hơn 300 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong năm đầu với diện tích hơn 2 ha, anh Minh đã thu về hơn 500 triệu đồng. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng. Lúc thời vụ, anh Minh phải thuê thêm hơn chục lao động.

“Tất cả mới chỉ bắt đầu. Tôi đang chuẩn bị kết hợp với một công ty ở bên Đông Triều để nuôi bò sữa. Ban đầu sẽ là 25 con. Công ty này sẽ hỗ trợ 50% vốn đầu tư cho con giống, bao tiêu sản phẩm. Mình đầu tư chuồng trại và trồng cỏ. Dự định mức đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Khi ấy, trang trại của tôi chắc sẽ phát triển hơn” - anh Minh tâm sự. Tuy nhiên, điều anh Minh băn khoăn nhất hiện nay chính là vấn đề vay vốn. Bởi đã nhiều lần anh liên hệ với các ngân hàng để được vay vốn nhưng các ngân hàng đều không mặn mà vì cho rằng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thì lâu thu hồi vốn (?!)”. Khó khăn của anh Minh cũng là khó khăn của nhiều thanh niên khởi nghiệp hiện nay.

Chia tay anh giữa cánh đồng bạt ngàn cà rốt, tôi thầm cảm phục ý chí “dám nghĩ, dám làm” của anh. Tôi tin và chúc anh Minh sẽ tiếp tục thành công với những dự định của mình.

VŨ ÚY