Thanh niên Thanh Hà làm giàu

Xã hội - Ngày đăng : 05:48, 19/03/2011

Nhiều người quyết tâm làm giàu và trở thành những tấm gương tiêu biểu. Đến nay, toàn huyện Thanh Hà có gần 700 mô hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi với lợi nhuận từ 30 triệu đồng/năm trở lên.


Anh Quách Trung Dũng ở xã Thanh Xá, một điển hình trong
phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Thanh Hà


Những năm qua, Huyện đoàn Thanh Hà luôn coi phát triển kinh tế, xoá đói, làm giàu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp bộ Đoàn, Hội tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm. Huyện đoàn đang tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện số tiền hơn 10 tỷ đồng cho các đoàn viên vay vốn sản xuất, học tập. Trong năm 2010, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Giải quyết việc làm thanh niên tỉnh, các tổ chức, đoàn thể khác dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật cho gần 1.000 đoàn viên, thanh niên. Cán bộ đoàn có mối liên hệ chặt chẽ với các nhà máy, công ty đóng trên địa bàn huyện và tỉnh để giới thiệu, tư vấn việc làm cho thanh niên. Để đoàn viên thanh niên có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hằng năm, Huyện đoàn tổ chức các buổi giao lưu, tham quan giữa thanh niên trong huyện với thanh niên trong tỉnh và một số tỉnh ngoài. Câu lạc bộ (CLB) Doanh nghiệp trẻ hiện thu hút 28 hội viên tham gia, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ nhau về vốn, thị trường tiêu thụ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư huyện đoàn cho biết: Trong khi nhiều thanh niên ra thành phố và đi đến các tỉnh khác làm ăn, thì thanh niên Thanh Hà vẫn bám trụ với quê hương. Nhiều người quyết tâm làm giàu và trở thành những tấm gương tiêu biểu. Đến nay, toàn huyện có gần 700 mô hình thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi với lợi nhuận từ 30 triệu đồng/năm trở lên.

Anh Quách Trung Dũng ở thôn 2, xã Thanh Xá, là một điển hình về thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Thanh Hà. Anh Dũng sinh năm 1980, trong một gia đình khó khăn. Sau khi học xong THPT, anh không có điều kiện học tiếp mà chuyển sang học nghề. Với bản tính cần cù, chăm chỉ lại khéo tay, nên anh chọn nghề mộc. Lúc đầu anh làm thuê cho các chủ  xưởng ở Cẩm Giàng. Sau mấy năm, khi tay nghề đã được nâng cao, anh quyết định về quê mở xưởng. Anh vay bạn bè 5 triệu đồng và được Đoàn thanh niên xã cho vay 15 triệu đồng. Với sự giúp đỡ này, anh có vốn để nhập nguyên vật liệu và mua sắm máy móc. Lúc đầu sản phẩm làm ra còn ít, thị trường tiêu thụ hẹp, thậm chí có đợt làm ra  không bán được hàng. Anh đã phải lên nơi làm việc cũ để nhờ bán sản phẩm. Anh Dũng tâm sự, trong nhiều năm liền, anh đã được các cấp bộ đoàn xét ưu tiên cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Ngoài ra, các anh, chị làm công tác đoàn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên. Nhờ vậy, anh Dũng đã vượt qua nhiều khó khăn và vươn lên thành đoàn viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở Thanh Hà. Đến nay, anh đã xây dựng được nhà xưởng rộng trên 130 m2, sản phẩm khá đa dạng, gồm cầu thang, cửa, sàn nhà và làm đồ thờ. Thị trường tiêu thụ cũng rộng hơn, đã  vươn ra một số tỉnh ngoài. Để phục vụ sản xuất và bắt kịp với nhu cầu thị trường, anh đã đầu tư nhiều loại máy móc như máy cuốn gầm, máy tubi, máy vanh... trị giá trên 100 triệu đồng. Xưởng mộc của anh Dũng hiện đang giải quyết việc làm cho 5 thanh niên trong xã với thu nhập từ 2,7 đến 3,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, xưởng mộc của anh Dũng lãi 170 triệu đồng.

Khác với anh Dũng, anh Nguyễn Công Vĩnh ở thôn Văn Xuyên, xã Phượng Hoàng lại chọn mô hình VAC. Sau nhiều năm làm nghề thu mua trứng gà về ấp nở, anh Vĩnh đã quyết định xây dựng trang trại nuôi gà. Lúc đầu, anh nuôi gần với khu nhà ở. Tuy nhiên, do không gian nhỏ hẹp nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, anh mua 5 sào đất để chuyển đổi. Hiện nay, anh Vĩnh xây dựng được 3 chuồng chuyên nuôi 1.000 gà đẻ. Số trứng thu được, anh để ấp, bán gà con. Thị trường tiêu thụ gà lớn nên có những đợt anh không có gà giống để bán. Ngoài nuôi gà, anh còn trồng ổi và quất. Do biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Hiện nay, trang trại của anh Vĩnh tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/ người/tháng. Năm 2010, trừ chi phí, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh cho thu lãi hơn 300 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Vĩnh còn tích cực tham gia các hoạt động ủng hộ địa phương cũng như phong trào đoàn của huyện.

Thời gian tới, để khuyến khích và nhân rộng những mô hình kinh tế tiêu biểu, Huyện đoàn Thanh Hà tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các đơn vị dạy nghề, công ty, doanh nghiệp... hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm nhằm giúp thanh niên mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mới, mở rộng các mô hình kinh tế đã có, tạo thêm việc làm cho mình và cho các đoàn viên thanh niên khác.

HẠNH HOA