Người vịn vào thơ để sống­ có ích

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 07:19, 20/03/2011


Nhân Ngày thơ Việt Nam - rằm tháng giêng vừa rồi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã gửi đến những người yêu thơ một ấn phẩm thơ rất đáng chú ý: tập thơ Thương lắm mai sau của tác giả Nguyễn Hữu Thịnh, 30 tuổi, hiện sống ở thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng). Là một người làm thơ trẻ nhưng anh còn là một nạn nhân do tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, bị liệt từ nhỏ do nhiễm chất độc màu da cam từ người bố, cựu chiến binh tại các chiến trường miền Nam. Do bị bệnh nặng, với một cơ thể khuyết tật, Thịnh chỉ được học đến hết lớp 2. Quả là một "vốn liếng" chữ vô cùng nghèo nàn và tàn nhẫn, chỉ mới tạm giúp cho người ta biết cách ghép từ, chưa thể viết một câu văn cho trọn nghĩa, đúng chính tả, ngữ pháp, như Thịnh tâm sự. Ấy vậy mà từ 10 năm nay, Thịnh đã sáng tác được 620 bài thơ. Nhiều bài thơ của anh được đăng tải trên website: www.lucbat.com, trên một số báo, tạp chí và được giới thiệu trên Đài Truyền hình Hải Dương, Đài Truyền hình Việt Nam. Hiện Nguyễn Hữu Thịnh là đại diện của lucbat.com tại Hải Dương.

Tập thơ Thương lắm mai sau do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản, nhờ có sự tài trợ là các nhà thơ có tên tuổi và các cơ quan liên quan. Tác giả tâm sự: "Tôi viết thơ không nhằm một cái đích nào cả mà chỉ là để trải lòng mình với cuộc sống quanh mình... Cuộc sống là một dòng sông không ngừng chảy bao giờ, những năm tháng cho ta rất nhiều thứ tốt đẹp song lại lấy đi của ta bao điều quý giá! Nên ta phải sống sao cho trọn vẹn với bản thân, cho thật ý nghĩa với quỹ thời gian đó".

Thương lắm mai sau mới giới thiệu 46 bài thơ, phần lớn là thơ lục bát. Đây là chặng đường thể hiện một sự đam mê, tìm tòi sáng tạo trong thơ. Ngay bài thơ lấy tên cho toàn tập, bài Thương lắm mai sau, dường như gửi một người bạn ở xa, đã dồn nén cảm xúc vào câu chữ, vần điệu, nghe đến thắt lòng:

Ta ngồi mơ tưởng ngày mai
Bước chân trăn trở, đôi vai trĩu oằn
Cầm lòng thương lắm, xa xăm
Trăng phơi cuối bến, sao đằm quãng
                                                           sâu
Ta ngồi dưới bóng chiều phai
Trái tim hoang vắng cọ mài đơn  côi
Muốn được nghe một tiếng cười
Tình không mang nổi, tiếng rơi đằm
                                                         đằm
Đệ ơi, sầu lắm, biết không
Dặm đường đất khách âm thầm một
                                                          em!
Thi thoảng, có những nét vui: "Em về trong nắng ban trưa/Tiếng ve rộn rã giữa mùa hè xanh/Vườn tôi vải chín đầy cành/Em cười như trái ngọt lành trong tôi" (Ngọt bùi tháng năm). Nhưng phổ biến là những tâm trạng, lấy cảm xúc với ngoại cảnh để làm cốt diễn đạt. Đọc thơ như được khám phá một tâm hồn đa cảm.

Người vịn...

"Lấp đầy khoảng trống cho ta/Chiều, ôi - rộng quá! Em là thực, hư?" (Nhớ nhung). "Ruộng vườn... Mẹ vốn rất siêng/Bao niềm sương giá, bấy niềm nắng mưa/Một năm săm sắp mấy mùa/Hạ qua, thu lại, đông vừa... xuân mong" (Nhớ mẹ). Anh nhớ người thầy giáo đã gieo con chữ vào hồn anh:
...Gió mùa vẫn thổi trên sông
Ôi! Con đò vẫn vượt dòng đón đưa
Tháng năm mòn mỏi sớm trưa
Lòng con vẫn quãng ngày chưa  xa thầy...

(Tháng năm nhớ thầy)

Anh nhớ thi sĩ Hàn Mặc Tử "Cách xa, xa chốn phong trần/Về nơi chẳng có mùa xuân cuộc đời! /Chỉ còn những giọt trăng rơi/Chỉ còn mờ ảo nét cười Người xưa". Anh cảm động về một nhà thơ nữ đang sống ở phương nam mà luôn luôn gần gụi "Người ơi! Con ngã bao lần/Câu thơ khao khát - yêu thân hóa gần". Nhiều nhất là các bài về thời gian, thời gian lạnh lùng trôi quanh ngôi nhà một anh thanh niên bất hạnh nhưng có đủ bản lĩnh để mổ xẻ thời gian, gửi vào đó những vần thơ gan ruột của mình. Đó là các bài thơ: Thơ bốn mùa, Chiều cuối hạ, Cảm thu, Miền tháng năm tuổi thơ, Viết trong chiều hạ, Mùa xuân đi qua lối cũ, Nghe tiếng cười trong đêm thu... Có những bài tưởng như là sự giã từ khốc liệt, kiểu như Mùa thu chết, Ngày giỗ tình ta, Hồn sầu trăm năm... nhưng đọc lên, ta lại thấy một Nguyễn Hữu Thịnh khác, như lời anh tự bạch: "Người ta hơn nhau ở nghị lực, ở lòng can đảm đối mặt với thực tế và bao dung những điều trong cuộc sống".

Đọc Thương lắm mai sau, chúng ta có một niềm tin ở một con người bất hạnh nhưng biết vịn vào thơ để sống có ích cho đời. Hy vọng còn được đọc các tập thơ mới của anh, một cây bút thơ khuyết tật nhưng biết hướng về phía trước.
                                                                                                                   VƯƠNG BẠCH