Nhiều mặt hàng đứng ngoài cơn “bão giá”

Thị trường - Ngày đăng : 06:22, 22/03/2011

Thời gian qua, đa số mặt hàng thiết yếu liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, trong cơn “bão giá” này, nhiều mặt hàng lại giảm giá so với trước đó. Đáng kể nhất là các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin.


Do chủ động nguồn hàng và hầu hết được sản xuất trong nước nên hàng điện tử, điện lạnh,
công nghệ thông tin vẫn ổn định giá


Từ tháng 2 năm nay, tỷ giá USD với tiền Việt Nam được điều chỉnh tăng tới 9% khiến nhiều mặt hàng (chủ yếu là hàng nhập khẩu) tăng giá mạnh. Tiếp đó, đến đầu tháng 3, giá xăng dầu và điện - 2 nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành nghề sản xuất - cũng được điều chỉnh tăng khiến nhiều loại hàng (cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), như vật liệu xây dựng, gas, sữa các loại, thuốc chữa bệnh... đều đồng loạt nâng giá. Tuy nhiên, trong cơn “bão giá” này, nhiều mặt hàng không những chưa tăng giá mà thậm chí còn giảm so với trước đó. Đáng kể nhất là các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin.

Trên các phố Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo và Đại lộ Hồ Chí Minh (TP Hải Dương) - nơi tập trung số lượng lớn các cửa hàng bán đồ điện tử như ti-vi, loa đài... nhưng hầu hết đều vắng khách. Một số người bán hàng cho biết, dạo này hầu hết khách chỉ khảo giá, xem xét về hình thức, hỏi về thông số kỹ thuật của thiết bị chứ không mua. Rất ít khách hàng vào 1 cửa hàng rồi mua ngay, mà phải đi nhiều cửa hàng tham khảo. Các đại lý ủy quyền được phép điều chỉnh giá so với giá quy định của hãng nên nhiều khách hàng cất công tìm bằng được đại lý bán giá thấp (dù rất ít) để mua sản phẩm. Theo các đại lý điện tử, số lượng ti-vi bán ra bình quân ngày nhiều được 2-3 chiếc, có ngày không bán được chiếc nào. Theo nhân viên bán hàng Công ty TNHH Thương mại Đỗ Thắng -doanh nghiệp chuyên kinh doanh điện tử, điện lạnh, điện thoại, giá bán lẻ các sản phẩm của doanh nghiệp này đều không tăng hoặc giảm mạnh. Ví dụ ti-vi 3D Samsung  cỡ 40 in giá 29 triệu đồng, thấp hơn giá niêm yết ngay trên sản phẩm. Giá sản phẩm này trước Tết không dưới 32 triệu đồng. Ti-vi LED Samsung 32 in giá vẫn giữ nguyên 15,3 triệu đồng; các loại ti-vi LCD cũng không tăng giá. Để kích cầu, tăng sức mua, doanh nghiệp đã áp dụng các chế độ hậu mãi, như mua sản phẩm được miễn phí chuyên chở, lắp đặt... nếu khách ở nội thành.


Các mặt hàng điện tử tại Công ty CP Vận tải và Thương mại CPN-VN (TP Hải Dương) hầu như không tăng giá.
 Ảnh: Thành Chung


Khác với không khí ảm đạm cửa các cửa hàng bán đồ điện tử, các đại lý cung cấp thiết bị công nghệ thông tin luôn tấp nập khách hàng. Tiêu thụ mạnh nhất là các loại máy tính bộ và máy tính xách tay. Một số loại hàng giá có nhích lên - được giải thích là theo nhu cầu thị trường hoặc khan hiếm hàng - song, hầu hết các loại sản phẩm đều giữ nguyên giá hoặc giảm so với trước đó. Tại Công ty CP Vận tải và Thương mại CPN Việt Nam, 13 sản phẩm máy tính bộ để bàn được cập nhật đến ngày 20-3 thì  có khoảng 70% giá giữ nguyên hoặc giảm. Ngoài ra, còn có tới 35 bộ sản phẩm máy tính xách tay có giá không thay đổi so với trước thời “bão giá”. Khách hàng còn được khuyến mãi túi xách, chuột máy tính...

Giảm giá bán nhưng sức mua không tăng - một số doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin có nhiều lý giải về nghịch lý này. Trong đó, chủ yếu do cung đang vượt cầu. Hầu hết các đại lý chủ động nguồn hàng và có hàng dự trữ. Sản phẩm điện tử, điện lạnh, công nghệ những năm gần đây đã và đang tràn ngập thị trường, tăng cơ hội cho khách hàng lựa chọn. Nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, giá rẻ vẫn len lỏi có mặt trong các cửa hàng. Thời điểm hiện tại, hầu hết khách hàng chỉ tập trung vào các sản phẩm điện chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ.

Hiệu ứng tăng giá bán ở tất cả các mặt hàng khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống của người dân. Thông thường, các sản phẩm công nghệ, điện máy thường chịu tác động lớn nhất do tỷ giá chênh lệch hoặc giá nhiên liệu đầu vào tăng. Song thực tế cho thấy, nhiều mặt hàng vẫn đứng ngoài cơn “bão giá” là tín hiệu vui. Để tránh tác động tiêu cực từ việc tăng giá bán, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong quyết định mua sắm, lựa chọn sản phẩm. Các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường.

TIẾN HUY