Nỗ lực mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 23:35, 23/03/2011
Lao kháng thuốc là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng vì vi khuẩn của người bệnh lây sang người lành. Nhiều năm điều trị, lao kháng thuốc đã làm suy kiệt sức khỏe, tiền bạc của nhiều bệnh nhân.
Điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh
Theo Chương trình chống lao quốc gia, số người mắc lao kháng thuốc ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại lớn của toàn xã hội. Lao kháng thuốc là nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng vì vi khuẩn của người bệnh lây sang người lành là vi khuẩn đã kháng với các loại thuốc điều trị lao. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh hiện đang điều trị cho 10 bệnh nhân lao kháng thuốc. Nhiều năm điều trị, lao kháng thuốc đã làm suy kiệt sức khỏe, tiền bạc của nhiều bệnh nhân.
Bác Bùi Thị Thảnh (64 tuổi, ở xã Lê Ninh, Kinh Môn) mắc bệnh lao đã hơn 20 năm; điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi đến nay gần chục lần. Sau một thời gian điều trị nhưng bệnh vẫn tiếp tục tái phát, bác Thảnh được chẩn đoán bị bệnh lao kháng thuốc. Không chỉ bị bệnh lao, bác Thảnh còn bị bệnh tim mạch. Dù được điều trị bệnh lao miễn phí theo Chương trình chống lao quốc gia nhưng chi phí sinh hoạt và các chi phí khác khiến cho gia đình bác vốn nghèo lại càng nghèo hơn. Chị Ngô Thị Quế, con gái bác Thảnh cho biết: “Gần 10 năm nay, mỗi năm mẹ tôi vào viện điều trị hơn 2 tháng, chị em tôi thay phiên nhau chăm sóc. Số tiền vay để trang trải chi phí chữa bệnh cho mẹ tôi đã lên đến vài chục triệu đồng”. Không những vậy, sức khỏe bác Thảnh ngày càng kém đi, hầu như bác không làm được việc nặng.
Chẩn đoán cho bệnh nhân tại Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh
Hơn 4 năm nay, anh Vương Văn Thước (49 tuổi, ở xã Hợp Tiến, Nam Sách) phải "chiến đấu" với bệnh lao kháng thuốc. Từ ngày phát hiện bệnh lao, năm nào anh cũng vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi điều trị khoảng 2 tháng và uống thuốc tại nhà thêm 6 tháng. Ngoài ra, anh còn bị bệnh tiểu đường nặng. Một năm, anh phải vào Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Nam Sách nhiều lần. Quá trình điều trị bệnh lao khiến sức khỏe anh ngày càng yếu đi (từ 65 kg giờ chỉ còn khoảng 40 kg). Khi chưa bị bệnh, ngoài công việc đồng áng, anh còn đi đóng gạch thuê nhưng hiện tại anh không làm được việc nặng. Chị Quân, vợ anh, vừa theo anh vào viện chăm sóc, thỉnh thoảng lại tranh thủ về quê lo việc đồng áng, chăm lo cho con ăn học. Kiên trì chữa bệnh, vợ chồng anh cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Việc điều trị cho những bệnh nhân như bác Thảnh và anh Thước gặp rất nhiều khó khăn, vì điều trị theo phác đồ thông thường không hiệu quả. Bác sĩ Tiêu Văn Khôi, Trưởng khoa Lao kháng thuốc cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân lao kháng thuốc là do người bệnh thực hiện điều trị không đầy đủ, không theo đúng chỉ định của bác sĩ, nhất là thời gian bệnh nhân điều trị tại nhà, khó kiểm soát. Hầu hết những bệnh nhân này do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau mỗi lần tái phát thường để nặng mới nhập viện điều trị. Ngoài ra, vi khuẩn lao biến đổi gen nên kháng các loại thuốc trong phác đồ điều trị”. Hiện nay, chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ mới.
Trao đổi với bác sĩ Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi về biện pháp phòng, chống bệnh lao kháng thuốc, bác sĩ cho biết: Theo Chương trình chống lao quốc gia, bệnh viện đang khẩn trương triển khai phòng xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao, chuẩn bị phòng để thu nhận bệnh nhân điều trị. Tập huấn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên và chuẩn bị thuốc. Việc điều trị này tốn kém, chi phí gấp hàng chục lần so với điều trị bằng phác đồ thông thường. Do vậy, bệnh viện đã phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh cam kết thực hiện chi trả tiền thuốc cho bệnh nhân được điều trị. Hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho 8 bệnh nhân và phấn đấu trong năm nay điều trị cho 10 bệnh nhân lao kháng thuốc.
Đối với những bệnh nhân chuẩn bị được điều trị, các bác sĩ có rất nhiều khó khăn. Hầu hết những bệnh nhân này đều sức yếu, trong quá trình điều trị sẽ xuất hiện nhiều tác dụng phụ của thuốc như người mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, suy gan, suy thận, rối loạn các chức năng về tiêu hóa... Trong khi đó, phác đồ điều trị kéo dài 18 tháng. Bệnh nhân và gia đình đều phải cam kết kiên trì điều trị. Việc điều trị này đòi hỏi có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ cách dùng thuốc đến các xét nghiệm hằng tháng, chụp X- quang... Ngoài thời gian điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi, khi về điều trị ngoại trú tại địa phương cũng phải tuân theo quy định điều trị chặt chẽ. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi cử cán bộ tăng cường về cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế, trạm y tế giám sát quy trình chữa trị.
VŨ HẠNH