Làm gì khi xảy ra động đất?

Môi trường - Ngày đăng : 14:22, 25/03/2011

Con người có khả năng dự báo động đất và cảnh báo sóng thần? Khi động đất, sóng thần xảy ra, chúng ta cần làm gì để hạn chế thấp nhất thiệt hại?


Trao đổi với PV về những vấn đề này, ông Nguyễn Văn Yêm (ảnh), chuyên gia về động đất, nguyên cán bộ Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết:

- Hiện tại Việt Nam và các nước trên thế giới chưa thể dự báo ngắn hạn và báo chính xác các trận động đất xảy ra. Tuy nhiên, con người có thể dự báo dài hạn bằng cách xây dựng bản đồ phân vùng động đất. Qua bản đồ này, chúng ta biết vùng nào dễ xảy ra động đất và nếu động đất xảy ra sẽ có khả năng mạnh khoảng bao nhiêu độ Richter. Cũng từ bản đồ phân vùng động đất, ngành xây dựng sẽ có những phương án để xây dựng các công trình có thể đối phó với động đất ở cấp độ nhất định, giảm được thiệt hại.

Sóng thần được sinh ra sau các trận động đất mạnh từ 7 độ Richter trở lên ở ngoài biển. Khi máy móc ghi nhận được trận động đất mạnh trên 7 độ Richter trên biển, biết được tâm chấn, nếu nó gây ra sóng thần thì phải mất một khoảng thời gian nhất định những cột sóng lớn mới có thể đổ vào bờ. Vì vậy, chúng ta có thể cảnh báo về sóng thần để người dân biết và triển khai các biện pháp phòng tránh có hiệu quả.

Dự báo sóng thần có mối liên hệ chặt chẽ với với việc nghiên cứu các vùng biển có thể xảy ra động đất mạnh trên 7 độ Richter. Trên cơ sở bản đồ phân vùng động đất, các nhà khoa học sẽ tính toán và đưa ra các kịch bản về sự ảnh hưởng của sóng thần khi nó xảy ra. Từ đó, quan sát có trận động đất xảy ra đúng như kịch bản sóng thần nào đã được xây dựng trước đó rồi đưa ra cảnh báo. Cảnh báo sóng thần mang tính chất báo động, để các cấp chính quyền và người dân có phương án phòng tránh.

Thưa ông, khả năng ghi nhận động đất của nước ta hiện như thế nào?

- Chúng ta hiện có 24 trạm quan trắc động đất được đặt tại nhiều nơi trên địa bàn toàn quốc. Số lượng trạm như thế này chưa phục vụ tốt cho công tác ghi nhận các trận động đất, mới chỉ ghi nhận động đất nhanh và chính xác nhất tại các tỉnh miền Bắc. Hiện tại, Viện Vật lý địa cầu đang xây dựng dự án lắp đặt thêm 10 trạm nữa tại một số nơi đang còn thiếu.


Người dân tập trung tại khu chung cư phía sau siêu thị Big C trên đường
Trần Duy Hưng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội sau dư chấn động đất vào tối 24-3

Nguy cơ xảy ra động đất và sóng thần ở Việt Nam là có thật. Ông có lời khuyên gì với người dân khi các hiện tượng này xảy ra?

- Nếu nghe thấy cảnh báo sóng thần thì người dân trong vùng phải sơ tán xa bờ biển ít nhất 300m hoặc tìm đến những nơi có độ cao hơn độ cao mà sóng thần có thể vươn tới. Những vùng có khả năng xảy ra sóng thần, khi tiến hành xây dựng các công trình nhà ở, khu công nghiệp... mọi người cần phải tính toán đến độ cao của sóng nếu sóng thần xảy ra.

Liên hợp quốc đã đưa những lời khuyên trong việc đối phó với động đất rất cụ thể và đơn giản: nếu đang ngồi làm việc trong nhà thì chui xuống gầm bàn để tránh những đổ vỡ; ở dưới tầng 1 thì phải tránh xa các khu nhà cao tầng, cây cổ thụ...

Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Thanh Niên)