Chùa Kỳ Đà và Thành hoàng ba làng
Di tích - Ngày đăng : 00:26, 27/03/2011
Chùa Kỳ Đà (Nam Sách) là ngôi chùa cổ, thờ 2 vị thánh phụ Vũ Húy Thành và thánh mẫu Hoàng Thị Mậu đã có công sinh thành 3 võ tướng thời Tiền Lê là: Vũ Hoằng Hóa, Vũ Quang Hộ Tuyên Huệ, Vũ Động Lâm.
Chùa Kỳ Đà |
Cách TP Hải Dương khoảng 10 km về phía đông, có một ngôi chùa tọa lạc tại làng Ngọc Đường, tức thôn Vũ Thượng (ngày nay thuộc thôn Vũ Thượng, xã Ái Quốc, TP Hải Dương), xưa thuộc tổng Vũ La, phủ Nam Sách. Đó là chùa Kỳ Đà, một ngôi chùa cổ, thờ hai vị thánh phụ Vũ Húy Thành và thánh mẫu Hoàng Thị Mậu đã có công sinh thành ba võ tướng thời Tiền Lê là: Vũ Hoằng Hóa, Vũ Quang Hộ Tuyên Huệ, Vũ Động Lâm.
Tương truyền, dưới triều đại nhà Tiền Lê, thời vua Lê Đại Hành, ở thôn Ngọc Đường, tổng Vũ La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, có một đôi vợ chồng ông Vũ Húy Thành và bà Hoàng Thị Mậu ăn ở hài hòa, thảo hiền nền nếp, cuộc sống phong lưu sung túc. Ông bà cùng lúc sinh được ba người con trai. Cả ba đều mặt mũi sáng sủa, thân hình phương phi, tóc lại đỏ, trông khác hẳn người thường. Chờ đủ trăm ngày, ông bà mới đặt tên các con, thứ nhất tên Hoằng Hóa, thứ hai tên Quang Hộ Tuyên Huệ, thứ ba tên Động Lâm. Cuộc sống tuy nhiều vất vả nhưng ông bà rất vui khi thấy các con mỗi ngày mỗi lớn.
Rồi bỗng đâu có giặc phương Bắc đem quân đánh chiếm Đại Việt. Ba anh em chọn ngày tốt làm lễ bái gia tiên, từ biệt cha mẹ để lai kinh. Đó là năm Kỷ Hợi, ba ông cùng thi một trường, rồi cùng đỗ một khoa, đồng bảng Thám hoa. Ba ông được mời vào bái kiến đức vua. Vua thấy dung mạo cả ba vị Thám hoa này thảy đều phương phi khác người thường, nhà vua thầm nghĩ, thiên đình đã cho người xuống giúp ta, đất nước sẽ không còn lo vạ binh đao nữa. Nhà vua bèn phong cả ba ông làm võ tướng, cấp cho áo bào, ấn tín và quân sĩ. Đất nước thái bình, giang sơn thu về một mối, ba ông trở về bái kiến triều đình. Nhà vua mở đại yến tiệc khao thưởng quân sĩ, ban cho ba tướng quân vàng bạc, gấm vóc. Lúc này, biết tin bố mẹ ở quê nhà đã qua đời cả, không màng danh vọng, ba ông tấu lên vua cho về chịu tang cha mẹ.
Ba ông trở về quê hương Ngọc Đường, tới đất nhà Kỳ Đà thắp hương cha mẹ, sau đó mở tiệc khao thưởng quân dân. Sau lễ khao thưởng, lúc nhàn, ông thứ hai đi dạo trong xóm, tới đoạn miếu Vũ Xá thì dừng lại, tự nhiên trời đất nổi giông tố, mây đen mù mịt kéo đến chỗ ông đang đứng rất nhanh. Huệ công hóa ngay ở đó, tức khu vực miếu Vũ Xá ngày nay. Ông thứ ba hóa ở làng khác (nay là làng Văn Xá). Nhân dân nghe tin ông hóa, vội kéo đến ngay thì đã thấy mối xông đắp thành mộ lớn. Còn ông thứ nhất ở lại thôn Sài Thượng, dựng cung ở xong rồi hóa tại đó. Nhân dân thấy vậy lập biểu tấu lên vua. Nhà vua nghe tin đột ngột, thương tiếc vô cùng ba trung thần có công với nước. Nhà vua sắc phong cho ông thứ nhất (thành hoàng làng Vũ Thượng) là Đương cảnh Thành hoàng Hoằng Hóa - Thượng đẳng phúc thần đại vương; ông thứ hai (thành hoàng làng Vũ Xá) là Đương cảnh Thành hoàng Quang Hộ Tuyên Huệ - Thượng đẳng phúc thần đại vương; ông thứ ba (thành hoàng làng Văn Xá) là Đương cảnh Thành hoàng Động Lâm - Thượng đẳng phúc thần đại vương.
Từ đó, theo lệ tục cứ vào các năm Thân, Tý, Thìn, đến ngày 10 tháng hai âm lịch là ngày cúng tế của chùa Kỳ Đà, để tưởng nhớ công ơn của hai vị thánh phụ Vũ Húy Thành và thánh mẫu Hoàng Thị Mậu, rồi cả ba làng tập trung tại làng Vũ Thượng cùng làm tế lễ ở chùa Kỳ Đà.
Với diện tích tổng thể chùa Kỳ Đà 2.200 m2 , phần ngôi chùa được tọa lạc trên diện tích 300 m2. Hiện nay, chùa Kỳ Đà vẫn giữ được nhiều hiện vật quý: 15 pho tượng cổ, 2 đôi câu đối, 1 bức cửa võng chính điện (thời Nguyễn) đều được sơn son thếp vàng và 8 văn bia đá cổ còn nguyên giá trị lịch sử. Đặc biệt, ngôi chùa còn giữ nguyên bốn trụ đấu hoa sen bằng đá thời nhà Trần. Cùng với chùa Kỳ Đà, đình làng Vũ Thượng, Vũ Xá, Văn Xá cũng đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia.
Cứ vào ngày 18 tháng giêng hằng năm, người dân ba làng tổ chức đình đám để nhớ tới ngày sinh của 3 ông. Ngày nay người dân cũng lấy đó là ngày chúc tuổi vàng, tuổi bạc cho các cụ cao niên trong làng.
TRẦN VĂN BẰNG