Những “cô gái vàng” của thể thao Hải Dương

Trong nước - Ngày đăng : 01:03, 27/03/2011

Nhắc đến các gương mặt thể thao nữ nổi bật của Hải Dương phải kể đến lực sĩ cử tạ Nguyễn Thị Thiết với nhiều thành tích cao ở đấu trường khu vực; xạ thủ Phạm Thị Hà và tay chèo Đặng Thị Thắm.

Lực sĩ Nguyễn Thị Thiết
Cuộc chia tay trọn vẹn


“Cô gái vàng” của cử tạ Việt Nam Nguyễn Thị Thiết, sinh năm 1984, ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Trước khi đến với môn cử tạ, Thiết chọn môn bơi lội để luyện tập nhưng cơ địa không phù hợp. Năm 2000 theo sự chỉ dẫn của huấn luyện viên cử tạ Hoàng Cúc, Thiết chuyển sang môn cử tạ. Lúc đầu còn e ngại, vì đây là một môn thể thao quá nặng nhọc, nhưng rồi Thiết cũng gật đầu ưng chịu. Hằng ngày phải thực hiện một khối lượng vận động cực lớn theo giáo án, người đau ê ẩm nhưng cô gái vùng quê vải thiều Thanh Hà không hề phàn nàn, miệt mài tập luyện. Sau một năm khổ luyện, Thiết được tham gia thi đấu và đã gây bất ngờ trong làng cử tạ Việt Nam khi giành được 3 Huy chương vàng (HCV) tại Giải cử tạ toàn quốc năm 2001. Ngay lập tức, Thiết lọt vào đội tuyển cử tạ quốc gia và thành công đã liên tiếp đến với cô gái này: 3 HCV tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (ĐHTDTT) lần thứ IV (năm 2002), 3 Huy chương bạc (HCB) SEA Games 22 (năm 2002) tại Việt Nam, Huy chương đồng (HCĐ) châu Á (năm 2004), rồi giành quyền tham dự Thế vận hội A-ten (Hy Lạp).

Sau Thế vận hội, Thiết lại tiếp tục kiên trì, khổ luyện. Nỗi vất vả của chị đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2007, Thiết tiếp tục khẳng định bản lĩnh của mình khi đoạt 7 HCV tại các giải đấu trong và ngoài nước; đặc biệt là chiếc HCV tại SEA Games 24 tại Thái Lan. Năm 2008, chị lại giành 3 HCV tại giải vô địch quốc gia, 3 HCB tại giải vô địch châu Á và hạng 5 tại Olimpic Bắc Kinh (Trung Quốc)...

Dấu ấn khó quên nhất đối với Nguyễn Thị Thiết, có lẽ là lần thi đấu cuối cùng trước khi chia tay sàn đấu. Năm 2010, Thiết  bị chấn thương đầu gối  nên đã chủ động xin rời đội tuyển quốc gia trước thềm ASIAD 16 để tập trung sức cho ĐHTDTT toàn quốc. Những ngày đầu tập lại, đầu gối chị vẫn nhói đau, không tài nào nâng nổi tạ. Nhiều đồng đội, HLV bộ môn cử tạ đã khuyên chị bỏ cuộc, nhưng chị vẫn nhất quyết kiên trì thử lại. Ý chí phi thường đó đã giúp chị thành công. Tại ĐHTDTT toàn quốc 2010, từ lúc đăng ký mức tạ cho đến kết quả cuối cùng ở những lần cử giật, cử đẩy đầu tiên của chị đều có độ chính xác cao. Lúc đã chắc chắn có 3 HCV cử giật, cử đẩy và tổng cử, chị quyết định đăng ký mức cử đẩy thêm 8 kg, từ 118 kg lên 126 kg nhằm phá kỷ lục quốc gia và SEA Games. Các HLV hàng đầu của Việt Nam đã cảnh báo, nếu không thành công trong lần cử đẩy này, Thiết có thể bị chấn thương nặng hơn. Nhưng chị vẫn kiên quyết bước vào lần cử đẩy cuối cùng của sự nghiệp. Bằng sự tự tin kết hợp với kinh nghiệm vốn có của mình Thiết đã đẩy thành công mức tạ 126 kg, phá kỷ lục quốc gia và SEA Games.

Hiện nay, chị đang nhận một sứ mệnh mới, đào tạo, phát hiện các VĐV trẻ có triển vọng cho tỉnh và cho đất nước. Kinh nghiệm bản thân cùng với tấm bằng cử nhân đúng chuyên ngành cử tạ chắc chắn sẽ giúp cho công việc của tân HLV Nguyễn Thị Thiết đạt kết quả cao.


Xạ thủ Phạm Thị Hà (thứ 2 từ phải). Kế đến là người thầy của chị, HLV Nguyễn Văn Tài; VĐV Nguyễn Văn Tùng
Xạ thủ thích phim hành động

Sinh năm 1979, ở TP Hải Dương, ngay từ khi ở tuổi “trăng tròn”, nữ xạ thủ này đã ưa thích các bộ phim hành động và những môn thể thao của phái mạnh. Đến năm 20 tuổi, chị bắt đầu tham gia tập luyện tại CLB bắn súng của tỉnh. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của huấn luyện viên Nguyễn Văn Tài giàu kinh nghiệm, sau một thời gian kiên trì tập luyện, chị đã tiến bộ rõ rệt với những đường bắn chính xác, tâm lý vững vàng. Cuối năm 1999, chị được tuyển chọn vào đội tuyển bắn súng của tỉnh tham dự Giải Cúp quốc gia và ngay lập tức đạt danh hiệu Kiện tướng cấp 1. Đây là màn mở đầu cho hàng loạt những thành tích trên đấu trường trong và ngoài nước của xạ thủ Phạm Thị Hà.

Những năm tiếp theo, với cường độ tập luyện đều, tâm lý ổn định, chị đã lọt vào "mắt xanh" của các nhà chuyên môn và được gọi vào đội tuyển quốc gia. Ngay lần đầu tham gia thi đấu Giải vô địch Đông Nam Á (năm 2003), chị đã đoạt 2 HCV. Từ đó, chị liên tục tham gia thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế. Năm 2004, chị lại ghi tên mình trên đấu trường khu vực với 1 HCV và 1 HCB tại Giải vô địch Đông Nam Á. Ở các giải thi đấu tiếp theo, Hà đã liên tiếp giành được nhiều huy chương các loại: 2 HCB Giải vô địch Đông Nam Á và 1 HCĐ SEA Games 23 năm 2005. Năm 2006, chị lại giành thêm 2 HCV Giải vô địch Đông Nam Á và 2 HCV tại ĐHTDTT toàn quốc lần thứ V. Năm 2007, chị sinh con nên tạm ngừng thi đấu. Nhưng một năm sau, xạ thủ Phạm Thị Hà lại tiếp tục tham gia thi đấu và những thành công liên tiếp lại đến với chị, nổi bật nhất là  HCB đồng đội và HCĐ cá nhân tại SEA Games 25, 2 HCV Giải vô địch Đông Nam Á…

Với dáng vẻ điềm đạm, xạ thủ Phạm Thị Hà cho biết: Bắn súng là một môn thể thao kỹ thuật, đòi hỏi khi thi đấu và luyện tập phải có tâm lý tự tin, vững vàng... Còn bí quyết thành công của chị là khi thi đấu, chỉ nghĩ đến việc làm sao thực hiện thật tốt kỹ thuật bắn và tập trung quyết vượt qua chính bản thân mình. Nếu nghĩ đến đối thủ là ai thì không thể thắng được. Dù đã bước sang tuổi 32 nhưng Phạm Thị Hà vẫn giữ được phong độ, bản lĩnh của một nữ xạ thủ quốc gia và vẫn tích cực tập luyện để tham dự các giải đấu sắp tới.


VĐV Đặng Thị Thắm (ngồi đầu) giành Huy chương vàng Rowing tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, năm 2010. Ảnh:  Tăng bá hanh
Từ bơi chải đến rowing

Xuân này, vận động viên Đặng Thị Thắm bước sang tuổi 27, cái tuổi chín của môn Rowing (đua thuyền) đòi hỏi sức mạnh, độ bền, dẻo dai và kinh nghiệm. Năm 2010 là năm Thắm “bội thu” thành tích: HCB ASIAD 16, 2 HCV Cúp châu Á và 4 HCV tại ĐHTDTT toàn quốc lần thứ VI.

Sinh ra và lớn lên ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) - nơi có truyền thống về môn bơi chải nên ngay từ khi ở cái tuổi “trăng tròn”, Đặng Thị Thắm đã hăng hái tham gia các cuộc thi bơi chải truyền thống trong xã. Năm 2004, nhờ sự phát hiện của huấn luyện viên bơi lội Nguyễn Trí Lập, chị đã được gọi vào luyện tập môn đua thuyền của tỉnh. Dù đến với môn thể thao này hơi muộn, khi đã 18 tuổi, nhưng bù lại Thắm có một sức khỏe và ý chí đáng khâm phục. Hằng ngày, dù mưa hay nắng, chị vẫn kiên trì luyện tập. Cùng với những giờ tập chuyên môn, kỹ thuật, chị còn “nuốt” những bài “tra tấn” thể lực, thể hình nhằm rèn luyện thể chất và sức bền. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, không uổng công sức miệt mài luyện tập và sự hướng dẫn tận tình của các huấn luyện viên, ngay trong năm 2004, tại giải vô địch Rowing toàn quốc, Đặng Thị Thắm đã giành được tấm HCV đầy thuyết phục ở nội dung thuyền đôi. Tiếp đó, năm 2005, chị lại giành được tấm HCV ở cự ly 2.000 mét nội dung thuyền đôi, 2 HCB ở nội dung thuyền đơn và nội dung thuyền 4 nữ.

Với thể hiện tố chất rất tốt tại nội dung thuyền đôi, Đặng Thị Thắm đã được chọn vào đội tuyển Rowing quốc gia tham dự SEA Games 23. Lần tham dự đầu tiên này, chị đã giành ngay được tấm HCV quý giá. Sau SEA Games này, “cô gái vàng" của môn Rowing Việt Nam lại cùng đồng đội luyện tập ở Câu lạc bộ đua thuyền Hồ Tây (Hà Nội)... Cũng kể từ đây thành công đã liên tiếp đến với chị: năm 2008 “gặt hái” thêm HCV (1 cá nhân, 2 đôi) tại Giải Rowing quốc gia và  HCĐ giải cúp Châu Á. Năm 2009, giành 2HCV tại giải vô địch châu Á và 2 HCV tại giải Đông Nam Á...

Thành tích thi đấu ổn định, đến nay "cô gái vàng" của môn Rowing Đặng Thị Thắm đã “sưu tập” được hơn 30 tấm huy chương các loại. Chị cho biết, khi hết tuổi thi đấu, chị muốn trở thành huấn luyện viên để chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho thế hệ "đàn em".

NGUYỄN HỒNG CƯỜNG