Nuối tiếc
Truyện ngắn - Ngày đăng : 13:45, 29/03/2011
Minh họa: Văn Hà
Gần sáu mươi tuổi ông Khiên xin về nghỉ hưu sớm. Thoạt đầu với cương vị giám đốc thất sủng, ông chán nên vờ bệnh. Giả mà cứ y như thật. Thật đến nỗi khi cầm quyết định về hưu là ông gần như “sụm bà chè” luôn! Vợ trước ông đã ly dị. Vợ sau mới gặp vào hồi phất nhất trong những năm làm giám đốc. Và mãi cũng chẳng con cái gì. Những tưởng rồi hai vợ chồng hạnh phúc với căn nhà khang trang, chẳng vướng bận con cái với số tiền hưu và lương hàng tháng của vợ. Nhưng rồi … không phải vậy! Sự đời đúng là khó ai học được chữ ngờ. Ông không “trúng khớp” được với vợ mình bởi thoạt đầu ở chức quyền giám đốc, về nhà quen tính gia trưởng, ông Khiên đã đánh mất chuyện vợ chồng luôn phải là “tương kính như tân”. Khi về hưu thì lúc nào ông cũng áo ấm to đùng, lưng lạnh vai so và mùi dầu gió bay quanh người chẳng mấy khi ngớt.
Cho đến tận bây giờ, vợ chồng ly dị đã gần hơn năm, một cách sâu xa ông cũng chẳng hiểu vì duyên cớ gì! Tất cả nguyên nhân chỉ lờ mờ, vớ vẩn. Nhưng cũng tất cả làm nổi lên một điều là hai người không thể tiếp tục sống chung với nhau được nữa! Sau khi vợ chồng ông ra tòa, căn hộ chia đôi. Trước sân ngăn tường gạch, còn trong tạm thời thưng bằng ván ép, mỗi người một nửa. Nước ai nấy xài, điện ai nấy thắp.
Trong cuộc ly dị này, mọi sự ông Khiên đều bằng lòng tất, kể cả chuyện con Miêu tòa phán quyết chưa minh. Sự chưa minh ấy bây giờ lại là niềm an ủi của ông. Hằng đêm nửa gian bên này, thỉnh thoảng những tiếng “meo… meo.” con Miêu cất lên cũng làm ông đỡ phần cô đơn. Ông khe khẽ trò chuyện mày-tao-mi-tớ với nó như người. “Sáng giờ mày đi đâu ?”. “Meo… meo…”. “Chờ đó , tao đi kiếm cái gì về ăn đã!”. “Meo… meo…”. “Mày thấy cửa sổ sau đóng chưa hả Miêu ?”. “Meo… meo…”.
Và bây giờ, ông Khiên lại có cái khó trong việc lo ăn uống cho con Miêu. Phải, rất khó! Ông thì ngày hai bữa, cơm bụi. Nhưng còn con Miêu? Dù ăn ít như mèo thì cũng không vì thế mà thiếu được. Để con mèo có cái ăn, chẳng lẽ lại chợ búa, mua nấu lỉnh kỉnh, việc mà hầu như cả đời ông chưa làm bao giờ. Ăn uống cho con mèo - chuyện tưởng đơn giản nhưng trong hoàn cảnh của ông Khiên thật không dễ dàng chút nào! Trong muôn vàn cái khó của đời người, mưu sinh bao giờ cũng là cái đeo bám khó chịu nhất.
“Meo… meo… meo…!”, con Miêu lại kêu lên đòi ăn ở nhà sau. Ông Khiên đi xuống. Giữa tranh tối tranh sáng, Miêu đang chụm chân ngồi, nghiêng hai con ngươi thẳng đứng trong đôi mắt bi ve lên tấm cạc tông. Đấy là bức vách chia đôi giữa ông với bà Kiều dọc ra sau. Mùi xào nấu bên kia bay sang sực nức. Hóa ra bà ấy đã về và đang làm cơm. Mùi thơm của thức ăn như bay thẳng vào bụng ông và con mèo. Bên kia lại lích kích, tiếng nghe gần lắm, chỉ cách chừng tấm cạc tông. Đúng rồi, ông nhớ ra sau lúc ngăn nhà mấy tháng, khi bà Kiều kêu ông qua mở về cặp dây điện, chỗ ấy thấy có để cái gác-măng-rê lưới. Cái lưng gác-măng-rê bên đó nằm ngay đúng tầm nhìn con Miêu. Vậy là, ông đã có cách lo cái ăn cho nó rồi…
Bắt đầu từ chỗ nối của hai tấm ván ép, với chiếc cưa tay nhỏ, mất đúng một buổi là ông Khiên đã trổ được một lỗ tam giác sang… ngay chóc vào lưng cái gác-măng-rê bên kia. Cái lỗ chỉ đủ lọt bàn tay, và lưới liếc, gỗ ván khi cần là lại liền trang như… chẳng có gì xảy ra! Đến bữa Miêu, ông chỉ cần gỡ miếng ván ép kéo tấm lưới lên, thò tay nhón một ít thức ăn gì đấy trong gác-măng-rê bà Kiều rồi đậy điệm lại như cũ, là xong! Và cũng vì vậy, bữa ăn của con Miêu phải lùi một tí vào buổi trưa, chờ cho bà Kiều đi làm; và sớm hơn một chút vào buổi chiều trước khi bà ấy về. Tất nhiên nếu chủ nhật hoặc ngày nghỉ, phải chịu khó trinh sát trước một chút.
Một trưa, khi nghe tiếng dập cửa, rồi tiếng xe máy bà Kiều vù đi, ông Khiên dẫn con Miêu xuống nhà sau. Ông khẽ khàng gỡ tấm ván và bóp cong lên miếng lưới. Bên ấy đèn còn sáng! Bà đi quên tắt đèn hay tiếng xe máy vọng vào đôi tai nghễnh ngãng ông là của nhà bên kia? Ông Khiên chưa kịp đóng lại tấm lưới thì bà Kiều đi xuống. Ông bỗng “mất máu” khi nhận ra cặp đùi trần trắng ngần của bà dưới hai ống quần ngắn rộng - loại phụ nữ hay mặc ở nhà- lao chao diễu qua cái gác-măng-rê. Trời ạ! Dán mắt vào lỗ gỗ ông nhớ là hồi sống với mình bà ấy dường như chẳng bao giờ ăn mặc mát mẻ đến vậy! Mắc khuất lớp ván gác-măng-rê, ông chỉ thấy được bà từ dưới ngực trở xuống. Giữa hai ống quần lao chao, cặp đùi trắng mịn của bà lại di chuyển cách “dễ ghét” lên nhà trên. “Meo… meo… meo… !”, ông Khiên đâm chột dạ. Vô lẽ bà biết sau gác-măng-rê này có cái lỗ nên giả vờ khiêu khích thế? Bỗng lại có tiếng dép lê nhẹ dẫn phía dưới thân hình bà Kiều xuống. Cặp đùi khi lưỡng lự lúc loay hoay, hết qua lại về trước gác-măng-rê, rồi cuối cùng vào… phòng tắm. Và không lâu sau bà thong thả trút bỏ áo quần! Vừa nhác thấy thế, ông lập cập đóng ngay miếng ván…
Thật là đồ quỷ sứ! Ông Khiên thở toàn hơi lên.
Mà có gì lạ đâu. Thậm chí ngày xưa khi tắm giữa chừng bà thường hay kêu ông mang vào giùm thứ này thứ nọ nhưng thấy cũng… bình thường ! Bình thường, nhàm chán đến ngủ quên luôn thằng người tự nhiên của tạo hoá trong ông. “Meo… meo… meo…”, hoá ra cái việc chính nhất mà nãy giờ ông quên béng. Ông Khiên lại sẽ sàng gỡ miếng gỗ ra và… dán mắt vào. “Meo… meo… meo…”, cứ mỗi lần con Miêu gại mình vào chân ông kêu ăn, ông lại khẽ hất ra…
Bây giờ thì ông Khiên đã đóng chặt, đóng vĩnh viễn tấm gỗ tam giác sau lưng cái gác-măng-rê! Ấy vậy mà, sau lúc bà Kiều kêu nhờ người đàn ông nào bên ấy mang giùm khăn tắm vào, tiếng rên như mèo gừ của bà vẫn còn lan qua kẽ hở của miếng ván nghe buốt tận tim ông. Xưa kia ngọc ở tay ta, vụng toan một nước ngọc qua tay người! Đúng ra là ông Khiên vụng toan rất nhiều nước chứ không phải một. Vụng toan bởi lẽ chưa khi nào ông ý thức được rằng mình có… ngọc cả. Chẳng biết vuốt ve, nhìn ngắm thì có giữ nó cũng phí hoài mà thôi.
Thứ đáng giữ thì không, thứ không đáng thì giữ, nghĩ vậy nên sau hôm đó ông Khiên bỏ ngỏ luôn cửa sổ sau cho con Miêu. Con mèo cũng đã tới thì cần bạn tình. Cũng như bà Kiều, hãy để cho con Miêu vui vẻ cách tự nhiên với bạn tình của mình.
“Gừ… háo gáo… áo gáo…!”. Đêm nay nửa khuya, ông Khiên bỗng thức giấc vì tiếng mèo kêu rên lảnh lót trên mái nhà. Chắc con Miêu đang yêu gào với bạn tình của nó. Chừng này chẳng biết là mấy giờ. Bên phía bà Kiều, đèn ngủ loang một màu đỏ khé qua đầu tường ván. Dường như bà vẫn thức vì có tiếng lịch cà lịch kịch. Ông Khiên định dậy tìm rượu làm vài ly cho dễ ngủ lại, nhưng sợ bật đèn bà Kiều biết mình còn thức, nên thôi. Bà ấy thức từ đầu hôm lo cái Tết hay bị đánh thức bởi những tiếng gào tình dữ dội của con Miêu? Còn những tiếng lịch cà lịch kịch? Chợt thấy mình tự nhiên quan tâm quá nhiều đến “bên kia”, ông Khiên bỗng nằm vật ra giường…
“Gừ… áo gáo…!”…Trên mái nhà theo gió bấc tháng chạp, từng hồi từng chập những tiếng kêu rên hoan lạc của những con mèo như sự nuối tiếc miết mãi vào màn đêm.
Truyện ngắn củaLÊ NGUYÊN NGỮ