Nạn mối hoành hành ở các công trình mới

Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 30/03/2011

Việc mối xâm nhập các công trình mới xây dựng gây ẩm mốc tường, sụt nền, xuống cấp công trình. Nhiều trường hợp mối đắp đất gây ẩm, làm chập mạch điện, làm han gỉ và ảnh hưởng chất lượng các thiết bị...

Trong khi thiết kế, xây dựng mới các công trình, người ta thường quan tâm đến các yếu tố: tính chịu lực, tính thẩm mỹ và tính tiện dụng. Ít ai tính tới khả năng chống chịu của công trình đó trước sự phá hoại "trường kỳ" của các loại côn trùng gây hại, trong đó có loài mối.

Qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh, chúng tôi thấy rất nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã trở thành mục tiêu tấn công của mối. Văn phòng Công ty Daiichi của Nhật Bản (khu công nghiệp Nam Sách) sau 1 năm xây dựng đã bị mối xâm nhập làm mủn nát toàn bộ thảm trải phòng làm việc, gây sụt lún tường nghiêm trọng. Kho vật tư thiết bị ô-tô (thuộc Công ty CP Kho vận Hải Dương, phường Việt Hoà, TP Hải Dương), có diện tích 5.000m2, nền bê-tông chịu lực cao, nhưng đã bị mối xâm nhập phát triển trên toàn bộ mặt nền gây nguy hại cho các vật tư thiết bị công nghệ cao. Kho vật tư  số 1, 2, 3 của Công ty CP Bia Hà Nội - Hải Dương bị mối xông làm hỏng nhiều nhãn, mác, vật tư bao bì...

Nhiều công trình dân dụng xây dựng mới, hiện đại ở TP Hải Dương cũng trở thành "nạn nhân" của mối. Trụ sở Công ty Minh Tuấn tại số 16, phố Vương Chiêu, phường Quang Trung bị mối xông toàn bộ các khung bao cửa tầng hai. Trụ sở của Công ty Đại Mỹ (số 289, đường Trần Hưng Đạo) bị mối làm hư nặng toàn bộ vật tư gỗ tầng  một. Công trình 4 tầng trụ sở Công ty Bảo Việt Nhân thọ (tại số 203 Nguyễn Lương Bằng, TP Hải Dương) cũng bị mối phá hoại toàn bộ gỗ ốp tường, ốp cột trụ tầng một và tầng hai.

Tại khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương, trên tất cả các trục phố đều có những công trình cao tầng bị mối xâm nhập phá hoại với những mức độ khác nhau, trong đó nhiều công trình bị mối phá hoại nặng như các nhà số 23, 27 phố Phạm Ngọc Khánh, số 13 phố Đào Duy Từ, 12 phố Đào Duy Anh...

Thậm chí có công trình đang xây thô đã bị mối tấn công như đền thờ cố nhà văn Văn Anh (nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Dương) tại ngõ 88, phố Quyết Thắng, phường Bình Hàn, hoặc căn hộ 4 tầng nhà ông Nguyễn Quang Dũng, số 11D Hồng Châu (khu đô thị Đông - Nam Cuờng)...

Đối với các công trình công nghiệp, thường có nhiều loại mối cùng xâm nhập và tập trung phá hoại trước hết ở các kho hoặc khu vực có chứa vật tư hàng hoá, chân tường hoặc chân cột công trình. Ở các công trình dân dụng, thường chỉ có 2 loại mối chủ yếu, là mối gỗ khô và mối gỗ ẩm, tập trung phá hoại chủ yếu khung bao cửa, gỗ ốp tường và tủ bếp. Ở sàn gỗ, sự xuất hiện của mối diễn ra kín đáo và chậm do sàn luôn bị rung động bởi chủ hộ bước qua lại. Sở dĩ mối hay tập trung phá hoại các khung bao cửa do chân các khung gỗ thường được chôn sâu xuống đất. Đây là cầu nối để chúng phát triển hướng lên. Ngoài ra do khung bao thường có khối lượng gỗ lớn, là nguồn thức ăn dự trữ lâu dài, hấp dẫn của chúng. Trong các loại gỗ được sử dụng tại công trình, loại gỗ hấp dẫn đầu bảng với mối là các loại thuộc nhóm gỗ thông (thông, pơmu...), sau đến là gỗ chò chỉ, do các loại gỗ này còn tươi mới, có mùi thơm tự nhiên, mềm. Ngoài ra, gỗ công nghiệp (khung gỗ, bàn ghế, tấm gỗ dán....) sản xuất trong nước cũng rất hấp dẫn mối do trong sản phẩm không chỉ có thành phần xelulo mà còn có cả keo, hồ dính là những chất mối ưa thích.

Việc mối xâm nhập các công trình mới xây dựng gây  ẩm mốc tường, sụt nền, xuống cấp công trình. Nhiều trường hợp mối đắp đất gây ẩm, làm chập mạch điện, làm han gỉ và ảnh hưởng chất lượng các thiết bị công nghệ cao… Ngoài gây tổn thất về tiền của và thời gian do phải sửa chữa khắc phục còn gây ức chế về tâm lý, lo lắng  không yên cho các chủ công trình.

Vì sao những công trình mới xây, có vật liệu tốt, thiết kế hiện đại lại dễ dàng bị mối xâm nhập phá hoại?  Qua nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, nguyên nhân do: các công trình mới thường có mặt nền đất cao (cát hoặc đất) không ngập nước nên mối dễ làm tổ, phát triển. Nền đất mới có chứa nhiều tạp chất: vữa tường; kết cấu gỗ còn mới, thơm; rác xây dựng là các mẩu tre, gỗ còn lẫn trong nền, trong tường; các loại thực phẩm, gia vị chứa trong căn hộ đều là những thức mối ưa thích. Các công trình thường được xây khép kín, nhiệt độ phòng luôn ổn định bởi các thiết bị phát dẫn nhiệt (điều hoà, tủ lạnh, ti vi..) , mùa đông ấm, còn mùa hè mát là điều kiện nhiệt độ lý tưởng để mối trú ngụ và phát triển. Tại các công trình mới, nhất là các công trình hiện đại thường có các đường ống kỹ thuật (đường điện, nước..) chìm trong tường hoặc giấu dưới nền, là điều kiện để mối "chu du" khắp công trình... Các công trình mới thường xử lý móng bằng đóng cọc bê-tông hoặc khoan nhồi, không đào khoét sâu đất nền, dẫn đến các tổ mối có sẵn trong nền công trình được giữ nguyên, khi ổn định mối phát triển phá hoại.

Ngoài các nguyên nhân chung nói trên, tại khu đô thị phía đông TP Hải Dương còn có nguyên nhân đặc thù do đất khu đô thị này liền kề đê sông Thái Bình, nơi tập trung các ổ mối lớn. Vào tháng 3 hoặc các tháng 7- 8 là mùa sinh sôi, mối bay ra và theo hướng gió đông - nam (hướng gió chủ đạo trong năm) phát tán vào khu vực này cư trú, phát triển.

Nhằm ngăn ngừa sự xâm nhập làm tổ của mối ở các công trình mới xây dựng, các chuyên gia của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khuyến cáo các chủ công trình nên chủ động phát hiện, xử lý hết các tổ mối hiện có trong nền công trình và khu đất liền kề trước khi xây mới. Ngâm tẩm hoặc quét nhiều lớp thuốc xử lý chống mối cho các kết cấu gỗ trước khi lắp đặt. Chú ý việc vệ sinh công trình sau xây thô, trước khi hoàn thiện nhằm loại bỏ các mảnh giấy, gỗ vụn do trong quá trình thi công để bám dính tường, rơi vãi trên mặt nền nhằm giảm thiểu nguồn thức ăn của mối. Khi đưa công trình vào sử dụng, thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm sự xuất hiện làm tổ của mối; ngăn chặn hiện tượng mối cánh bay vào trong nhà mùa làm tổ...

NGUYỄN HỮU THẮNG