Ước mơ ơi, đợi nhé...
Các em viết - Ngày đăng : 07:43, 03/04/2011
Nó tốt nghiệp THPT, thiếu chút nữa là được bằng giỏi. Bao dự định sáng lên trong đầu, bao viễn cảnh đẹp tươi mở ra trước mắt. Nó sẽ thi đại học và trở thành sinh viên. Ôi cái danh từ tuyệt đẹp ấy là ước mơ, là đích hướng tới của nó cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Mẹ không nói gì, chỉ quay đi thở dài, còn bố thì nói thẳng: "Thi cái gì mà thi? Đào đâu ra tiền mà học đại học? Không thi cử gì hết, ở nhà!". Nó sững sờ, rồi thấy đau buốt trong tim. Không phải là nó chưa từng nghĩ đến tình huống này, mà là không ngờ phán quyết của bố lại lạnh lùng và đau lòng đến vậy. Nó trốn vào một góc, khóc thật to cho thỏa lòng, thầm oán trách ông trời sao mà bất công, thầm trách bố mẹ... Nhưng trách bố mẹ điều gì cơ chứ? Bố mẹ đã nuôi hai chị em nó học hành, bố mẹ có lỗi gì? Ai bảo nhà nó nghèo, nó cay đắng nghĩ. Ước mơ là thứ xa xỉ, những người nghèo như nó sao có thể mua được? Khóc cho hết những giọt nước mắt tủi hờn của đứa con gái 18 tuổi, nó đứng lên lau khô mặt, bước trở về nhà. Ước mơ đại học đành tạm gác sang một bên, nhường chỗ cho những lo toan cuộc sống. Nó ngẩng mặt lên, ngắm nắng vàng tươi, ngắm trời xanh lồng lộng, tự nhủ thầm: "Đại học ơi, chờ ta nhé!".
Mặc kệ bố khuyên can, cố gắng dằn lòng trước những giọt nước mắt của mẹ và em gái, nó thu xếp quần áo, bỏ lên Hà Nội để kiếm việc làm. Ở nhà ư? Ở nhà thì nó biết làm gì ra tiền, mà không có tiền thì sao có thể thi đại học? Con bé 18 tuổi chưa bao giờ xa nhà quá 2 ngày, giờ đây quyết tâm bước những bước tự lập đầu tiên của cuộc đời mình. Hà Nội đông đúc thật và nhộn nhịp nữa, nhìn đâu cũng chỉ thấy người và xe, xe và người, bụi và khói xe mù mịt đến ngạt thở. Ngồi trên xe ô-tô, nó được ngắm thỏa thuê những ước mơ của nó. Đây này, Trường Đại học Giao thông - Vận tải, đi thêm chút nữa là đến Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cái Hoa bạn thân nó nộp hồ sơ thi trường này rồi đấy! Rồi đây nữa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nằm bên cạnh là Trường Đại học Quốc gia, ôi chao, rộng quá đi mất! Nó tự nhủ: "Tôi ơi, bắt đầu làm việc nào, ngày mình bước vào cổng trường đại học sẽ không xa nữa!".
Nó làm đủ thứ việc, miễn là người ta chịu thuê một đứa nhóc chưa có kinh nghiệm gì như nó. Nào tiếp thị, nào phát tờ rơi, nào phục vụ bàn, đưa thức ăn... Chấp nhận hết những vất vả và cay đắng, nuốt nước mắt vào lòng khi nghe người ta quát nạt vì làm sai việc, rồi những lần bơ vơ giữa đường phố toàn người xa lạ vì bị lạc đường... Đôi chân nó không khỏi có lúc cảm thấy mệt nhoài, nhưng cổng trường đại học dường như chỉ cần bước thêm mấy bước là tới. "Cố lên tôi ơi!".
Vui nhất là đến cuối tháng khi nhận lương, nó bỏ riêng một phần để trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống, còn lại cũng dành ra được một khoản kha khá để nuôi ước mơ của nó. Thế nhưng về đến nhà, thấy bố mẹ lam lũ vất vả, nó lại không đành lòng, lại trích ra một nửa để gửi về cho bố mẹ. Ước mơ ơi, chờ thêm chút nữa nhé, không lâu nữa đâu!
Nhưng ông trời ơi, những con đường sao chẳng bao giờ thẳng tắp tới đích, cứ phải có biết bao ngã rẽ để làm con đường như dài ra mãi? Lại một mùa thi đại học nữa sắp đến, năm nay đến lượt em gái nó... Nó nhớ lại cảm giác của mình ngày nào khi trốn trong cái góc nhỏ khóc thổn thức vì ước mơ dang dở và cảm thấy mình ích kỷ biết bao nếu để em bước tiếp con đường mà chị nó đã phải đi. Những cổng trường đại học mà ngày nào nó cũng đi qua sao bỗng nhiên trở nên xa vời quá! Có một tấm vé thôi, chị sẽ... nhường lại cho em, em gái nhỏ!
Ngày mai, chị sẽ đưa em đi thi đại học, sẽ nhìn em bước qua cổng trường và mỉm cười chờ em viết nốt những khúc nhạc cuối cùng cho bài ca ước mơ của chị em ta! Em thân yêu, hãy cố gắng nhé, vì em và cả vì chị nữa! Đêm nay, trong giấc mơ của chị, rực rỡ một đóa hoa trạng nguyên trái mùa, cánh hoa đỏ thắm, rung rinh, rung rinh...
MẠC THỊ THÙY DUNG (Thanh Xá, Thanh Hà)