Cắt giảm chi tiêu công góp phần kiềm chế lạm phát
Thị trường - Ngày đăng : 05:56, 06/04/2011
Cắt giảm đầu tư công là vấn đề quan trọng nhằm tăng hiệu quả đồng vốn. Việc cắt giảm không phải thực hiện một cách máy móc, cơ học mà chỉ cắt những dự án đầu tư dàn trải, chưa đủ điều kiện về thủ tục.
Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được ưu tiên nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Trong ảnh: Bê-tông hóa cơ đê và mái đê hữu sông Thái Bình, đoạn qua TP Hải Dương. Ảnh: Thành Long
Đồng chí Tăng Xuân Kính, Trưởng phòng Tài chính - Thương mại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ lợi và nông thôn là các dự án được bố trí theo yêu cầu phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch vốn đã giao. Trong đó, một số dự án đã thi công hoặc lựa chọn xong nhà thầu xây dựng theo tiến độ đầu tư được duyệt. Các dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế, thể thao, văn hoá... tuỳ tính chất, tầm quan trọng của từng dự án để có kế hoạch bố trí vốn, điều chỉnh tiến độ cho phù hợp. Cụ thể, trong lĩnh vực giao thông, dự án “Cầu Hàn và đường dẫn đầu cầu” có tổng mức đầu tư là 406 tỷ 350 triệu đồng, hoàn thành trong năm 2012. Sau khi điều chỉnh, tổng vốn được nâng lên 721 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng công trình đã hoàn thành khoảng 150 tỷ đồng. Công trình này được đề nghị giãn tiến độ đến năm 2013, đồng thời kêu gọi đầu tư phần đường dẫn khoảng 10 km theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, 2 danh mục công trình đầu tư chuyển tiếp là dự án Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Hội Nông dân tỉnh) và nhà lớp học 3 tầng của Trường THPT Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) thuộc đối tượng rà soát, điều chuyển vốn, vì nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương thấp, lại phải cân đối theo cơ cấu ngành, lĩnh vực nên việc bố trí vốn cho lĩnh vực này còn hạn chế. Các dự án thuộc lĩnh vực y tế, văn hoá, thể thao... đều thuộc nhóm đối tượng rà soát, điều chuyển vốn.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm chi tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm). Tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hoà nhiệt độ, thiết bị văn phòng. Giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước... Theo Sở Tài chính, tổng số tiền tiết kiệm trong 9 tháng còn lại của năm 2011 khoảng 18 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm chi của tỉnh 7 tỷ đồng, của huyện 7,1 tỷ đồng và của xã khoảng 4 tỷ đồng. Số tiền tiết kiệm này sẽ xem xét, bố trí cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán hoặc chuyển về ngân sách Trung ương theo quy định của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, việc cắt giảm vốn đầu tư công không hề dễ dàng, vì các dự án chuyển tiếp hoặc khởi công mới trong năm 2011 đều là các dự án cấp bách, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đến nay, tỉnh ta mới tiến hành rà soát, giãn tiến độ 2 dự án sử dụng ngân sách tỉnh là Trung tâm Hành chính tỉnh và Nhà làm việc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (giai đoạn 2) với tổng số vốn 11,4 tỷ đồng. Đối với dự án Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an tỉnh, trong trường hợp Bộ Công an cắt giảm, không giao vốn kế hoạch năm 2011, tỉnh sẽ cắt giảm 1,5 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương đã bố trí đối ứng. Khi cắt giảm vốn đầu tư công, cần tạo cơ hội cho tư nhân tham gia đầu tư (nhất là trong lĩnh vực giao thông), để vừa đẩy nhanh tiến độ công trình, vừa tăng hiệu quả đồng vốn và giảm sức ép lên nguồn NSNN vốn đã rất eo hẹp.
VỊ THUỶ
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Hải Dương số ra ngày 6-4-2011