Các biện pháp chăm sóc lúa chiêm xuân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:48, 08/04/2011
Rét đậm, rét hại kéo dài suốt, đã ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của cây lúa, đặc biệt là hiệu quả của việc bón thúc đợt 1 bị hạn chế. Nhìn chung lúa sinh trưởng chậm, đặc biệt là diện tích lúa gieo thẳng, giống 13/2 và Bắc thơm 7... Trước tình hình trên, Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa trong giai đoạn hiện nay như sau:
- Đối với diện tích lúa sinh trưởng chậm, đẻ nhánh kém, chưa bảo đảm số nhánh hữu hiệu, cần khẩn trương bón hết lượng phân bón thúc theo quy trình. Có thể bón bổ sung thêm (1kg urê + 1-2 kg phân lân nung chảy + 1kg kaly) cho 1 sào lúa. Kết hợp phun chế phẩm bón lá, bón gốc kích thích ra rễ, kích thích đẻ nhánh theo đúng hướng dẫn.
Đặc biệt những chân đất hấu, đất chua, lúa sinh trưởng chậm, ngoài việc bón bổ sung lượng phân bón như trên cần tăng cường làm cỏ sục bùn, bón phân chuồng, vôi bột, phân vi sinh tổng hợp để lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
- Đối với diện tích lúa đã đẻ đủ số nhánh hữu hiệu, sinh trưởng bình thường, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật của giống, tuyệt đối không bón thêm đạm.
- Chú ý điều tiết nước hợp lý:
+ Những diện tích lúa chưa đẻ đủ số nhánh hữu hiệu, cần giữ mức nước 1-2cm để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh thuận lợi, đẻ nhánh tập trung.
+ Những diện tích lúa đã đẻ đủ số nhánh hữu hiệu, cần khống chế lúa đẻ nhánh vô hiệu bằng cách đưa nước vào sâu 5-7 cm trên mặt ruộng hoặc rút cạn nước trên mặt ruộng trong thời gian khoảng 7-10 ngày, bón đủ lượng kali khi lúa đứng cái, phân hóa đòng.
- Theo dõi sát diễn biến của thời tiết, tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.